Ai chịu trách nhiệm?
(Baonghean) Chưa bao giờ câu chuyện về hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước lại "nóng" như lúc này. Mới có mấy năm mà hết tách nhập bộ rồi đến thành lập tổng cục, nay lại nhấp nhổm "tái sinh" mấy sở.
Đành rằng xã hội phát triển, bộ máy cũng phải điều chỉnh cho xứng tầm. Nhưng một quả trứng gà mà những 3 bộ quản lý thì chuyện chắc chỉ có ở xứ ta: Bộ Nông nghiệp quản lý khâu sản xuất trứng (chăn nuôi), Bộ Công thương quản lý khâu thị trường (lưu thông) và Bộ Y tế quản lý khâu vệ sinh an toàn thực phẩm (tiêu dùng). Xem ra thì rất bài bản, nhưng sao chuyện có mỗi quả trứng mà người dân chưa bao giờ hết phiền muộn?
Nhìn rộng ra mới thấy, không chỉ chuyện quả trứng mà hàng trăm hàng ngàn thứ khác cũng chung số phận. Từ một quán ăn, một cửa hàng, cửa hiệu doanh số mỗi ngày không hơn triệu bạc nhưng phải chịu sự thăm hỏi thường xuyên của đội thuế, thanh tra đô thị, quản lý thị trường và thanh tra vệ sinh thực phẩm; đến cái "to" hơn như... biển thì ngành Nông nghiệp quản lý ngư trường và nghề cá, ngành Văn hóa quản lý du lịch, Y tế quản lý chăm sóc sức khỏe của ngư dân, Thông tin Truyền thông quản lý Viễn thông tần số các đội tàu, Giao thông quản lý hàng hải, Công thương quản lý khai thác dầu khí. Trong khi hàng trăm ngàn tỷ nợ công do Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cùng quản lý nhưng lại rất lỏng lẻo, thất thoát tràn lan, hiệu quả sử dụng rất yếu kém.
Đã không có ít ý kiến cho rằng bộ máy quản lý của ta cồng kềnh, vừa tốn kém lãng phí, vừa "cha chung không ai khóc", việc sửa chữa quá chậm trễ. Có lần trao đổi chuyện quản lý lòng đường đô thị thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông, quản lý lềđường cầu cống lại thuộc trách nhiệm Bộ Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải thừa nhận chuyện đó đã nói 15 năm rồi mà Chính phủ vẫn chưa giải quyết được. Rồi sau vụ Vinashin, sai phạm nặng nềđến vậy nhưng Trung ương không thể quy trách nhiệm cho ai được. Bộ Giao thông chỉ nhận một tý, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch mỗi bộ lại cũng chỉ một tý. Thành ra đông mà lại hở, nhiều nhưng không mạnh.
Tình hình trách nhiệm cán bộ cũng na ná như bộ máy. Tiếng là quản lý đa ngành nhưng từ bộ xuống sở có được mấy người đứng đầu tinh thông mọi chuyện. Bộ trưởng hoặc giám đốc chỉđiều hành chung và giỏi lắm cũng chỉ phụ trách được thêm một vài chuyên ngành, hầu hết các lĩnh vực còn lại chủ yếu do các thứ trưởng hoặc phó giám đốc trực tiếp chỉ huy, thậm chí cục trưởng hoặc trưởng phòng mới thực sự là người sát sao công việc hàng ngày. Khổ nỗi, theo quy định thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Nhưng thực tế lại có điểm khác phải bàn: Không ít người đứng đầu có tâm lý e ngại cấp dưới vượt mặt nên cách giao việc cứ nửa nạc nửa mỡ. Nhiều cấp dưới ca thán rằng khi nhận nhiệm vụ không khác gì bị thách đố, bởi công việc thì một đống nhưng lại không đi kèm với bất kỳ quyền hạn nào.
Cơ chếđiều hành như vậy thường tạo nên hậu quả rất xấu, làm cho cấp dưới nảy sinh tâm lý ỷ lại, chờđợi hoặc đùn đẩy trách nhiệm với người đứng đầu.
Đó là những kiểu giao việc theo công thức 1 + 2 hoặc 1 + n.
Đúng là có những việc phải cần nhiều năm nhiều tháng, cả nhân tài vật lực, nhưng không phải là tất cả. Có những cơ chế quản lý sai rất rõ ràng, việc sửa đổi chỉ trong tầm tay của chính quyền. Nếu không mau sửa thì chắc chắn người dân sẽ dần mất đi niềm tin.
Trong nhiều việc cần làm, điều đầu tiên và cốt lõi nhất là hãy sớm thực hiện công thức 1+1.
Một nhiệm vụ kiên quyết chỉ giao cho một đơn vị thực hiện.
Một công việc dứt khoát chỉ giao cho một người chịu trách nhiệm.
Ai làm tốt sẽđược công khai ghi nhận.
Ai làm không tốt phải bị minh bạch phê bình, kỷ luật.
Khánh Linh