Cần hỗ trợ tâm lý khi trẻ vào lớp 1

05/08/2012 17:02

Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa là học sinh các cấp học bước vào ngày tựu trường (15/8). Đến thời điểm này, nhiều trường đã tiếp nhận học sinh đến lớp để làm quen với trường, lớp mới.




Các phụ huynh cần theo sát con trong những tuần đầu đến lớp

Nhiều thầy cô cho rằng, bên cạnh việc cho con tiếp cận với môi trường học tập, phụ huynh phải luôn theo sát con trong những tuần đầu đến lớp, chia sẻ những khó khăn mà trẻ gặp phải. Điều này càng cần thiết hơn với các em bước vào lớp 1.

Bên cạnh việc chuẩn bị về kiến thức để con đến trường, một số phụ huynh ở Hà Nội tâm sự, cứ tưởng cho đến lớp luyện chữ là yên tâm nhưng giai đoạn tiếp cận với lớp mới, bạn mới cũng rất quan trọng. Các phụ huynh cho rằng, những đứa trẻ thích hoạt động và giao lưu thì thích nghi với môi trường mới không phải là việc khó khăn. Nhưng với những cháu còn nhút nhát, e dè là cả một vấn đề.

Chị Mai (Tập thể Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) có con gái năm nay vào lớp 1 nói: “Tuy chưa vào năm học mới, nhưng từ cuối tháng 7 con tôi đã được đến lớp học làm quen với các bạn mới. Đồng thời, tôi còn cho con đi học thêm ở nhà cô giáo. Ở nhà cháu rất tự tin nhưng không hiểu sao sau vài ngày đến lớp, cháu hay khóc một mình. Cô giáo trao đổi lại là thỉnh thoảng thấy cháu khóc nhưng hỏi thì cháu không nói. Gặng hỏi, cháu mới nói là đến giờ ăn thì bị trớ, rồi có hôm bạn bên cạnh trớ vào người nên cháu rất sợ”.

Sau khi tìm hiểu, chị Mai cho rằng, sĩ số lớp học đông (trung bình 57 cháu/lớp), cô giáo ít quan tâm được lại phải ngồi bàn học ngay ngắn nên cháu chưa quen. “Thời gian này phải rất để ý tới con, chia sẻ những khó khăn mà con gặp phải để động viên con hòa nhập với môi trường mới. Trường con tôi đến mùng 10/8 bắt đầu đến nhận lớp nên hy vọng với việc dành thời gian để làm quen trước với lớp học, làm quen với bạn mới cũng như sinh hoạt ở lớp sẽ giúp con không bị quá sốc khi năm học mới bắt đầu”.

Chia sẻ với khó khăn này với các phụ huynh, cô Minh Hồng, Hiệu trưởng trường mầm non Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Đối với trẻ 5 tuổi, hoạt động vui chơi đang giữ vai trò chủ đạo. Lúc đó, trẻ hoàn toàn được tự do, tùy theo tình huống được chơi trò này hay trò khác, thích thì chơi, không thích thì thôi, chứ không bắt ép. Nhưng khi vào lớp học, trẻ phải học. Hoạt động chủ yếu là học tập và mang tính bắt buộc. Nói chung, phần lớn những phản ứng của trẻ khi vào lớp 1 là do thay đổi môi trường mới, cô giáo mới, cách học mới, bạn mới, khiến trẻ chưa thích nghi kịp và còn bỡ ngỡ”.

Chia sẻ khó khăn với trẻ

Theo cô Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Nam - Cuba, quá trình chuyển đổi từ lớp 5 tuổi sang học lớp 1 phải diễn ra nhịp nhàng. Nếu không chuẩn bị tâm lý cho trẻ thích ứng thì sẽ rất khó khăn cho trẻ trong việc tiếp thu bài và tâm lý nặng nề khi tới lớp. Lớp học ở thành phố hiện nay thường có sĩ số đông, vì vậy, cô giáo khó có thể quan sát chi tiết được từng cháu. Vì vậy nhà trường rất cần sự hỗ trợ từ gia đình, chẳng hạn, có thể cho con tham gia các khóa học ngắn chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 để trẻ làm quen với môi trường mới, học được các kỹ năng cần thiết. Ví dụ nếu con chưa thể ghi nhớ những dụng cụ cần thiết trong buổi học, cha mẹ có thể liên hệ trực tiếp với giáo viên để chuẩn bị giúp con, đồng thời hướng dẫn con cách chuẩn bị đồ dùng trước khi đến trường…

Mùa hè năm nay, tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, trong hoạt động hè có chương trình cho trẻ bắt đầu vào lớp 1 tiếp cận với trường, lớp và bạn bè mới, với những tên gọi như “Câu lạc bộ tuổi thơ”, “Em vào lớp 1”… thu hút được sự tham gia của nhiều phụ huynh.

Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, nhiều phụ huynh khi nhìn vào hoạt động này của nhà trường cho rằng đây là lớp tiền tiểu học nhưng thực tế không phải như vậy. Nhà trường không hề dạy các em đọc và viết. Việc mở Câu lạc bộ Tuổi thơ của trường là tạo cơ hội để các em làm quen với các hoạt động của trường tiểu học, tạo tâm thế cho các em trước khi đi học. Khi tham gia hoạt động các em sẽ không bị bỡ ngỡ khi đến trường. Đây mới là điểm mà phụ huynh nên quan tâm hơn là việc cứ nhăm nhăm luyện chữ cho con. Thực tế qua vài năm hoạt động, nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng từ các bậc phụ huynh. Mô hình này được nhiều trường trên địa bàn Hà Nội, hay địa phương khác áp dụng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các phụ huynh ở thành phố hiện nay chỉ chăm chăm luyện chữ cho trẻ, tạo áp lực không đáng có. Trong khi việc chia sẻ những vướng mắc khi con bước vào môi trường học mới lại gần như bỏ qua. Thời điểm này chỉ diễn ra có vài tuần thôi, nhưng có vai trò quan trọng trong quá trình hòa nhập của trẻ


Theo VOV-T.N