Sự hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của Lê Hồng Phong

15/08/2012 17:19

(Baonghean) Đồng chí Lê Hồng Phong là chiến sỹ cách mạng lỗi lạc của Đảng và cách mạng Việt Nam, là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí là một trong những người học trò gần gũi và xuất sắc của Bác Hồ.

Lê Hồng Phong tên thật là Lê Văn Dục (sau đổi thành Lê Huy Doãn), sinh ngày 6/9/1902 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xóm Đông Cửa, thôn Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thuở ấu thơ của Lê Hồng Phong gắn bó với quê hương Hưng Nguyên.

Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, cái nôi của nhiều cuộc cách mạng trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Vùng đất này đã sinh dưỡng biết bao anh hùng, hào kiệt, danh nhân văn hoá của cả nước.

Người xưa có câu: "Nghệ An núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả Nam Châu. Người thì thuần hoá mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quý của lạ... được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền..., thực là nơi hiểm yếu như thành đồng, ao nóng của nước và là then khoá của các triều đại"(1)

Có thể nói, xứ Nghệ từ xưa đã chứa đựng nhiều truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam: anh dũng, bất khuất, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm, cần kiệm, chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh và tình thần đoàn kết, nhân ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống.



Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công Dự án Khu di tích và Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Mai Hoa.

Hưng Nguyên là huyện giàu truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng, được kế thừa nhiều truyền thống quý báu của dân tộc, nhân dân cần cù lao động, giàu nghĩa khí. Nơi đây đã sản sinh ra những trí thức nho học nổi tiếng như Bạch Liêu, vị Trạng nguyên đầu tiên của Nghệ An năm 1226; Thái Tất Tiên, Lê Giám, Lê Quang Tố, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Quang Thiện, Đinh Bạt Tụy, Nguyễn Trường Tộ. Hưng Nguyên cũng là nơi quê tổ của người anh hùng dân tộc kiệt xuất Nguyễn Huệ - Quang Trung.

Nửa sau thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp mở rộng xâm lược ra phía Bắc, cùng với nhân dân vùng Thanh - Nghệ, nhân dân Hưng Nguyên đã hăng hái tham gia các phong trào Cần Vương, Văn thân.

Bước sang đầu thế kỷ XX, khi Lê Huy Doãn (Lê Hồng Phong) cất tiếng khóc chào đời thì các phong trào chống Pháp đã lần lượt bị dập tắt. Ở miền Bắc chỉ có nghĩa quân nông dân của Hoàng Hoa Thám còn hoạt động cầm chừng. Nhưng không bao lâu sau, đã xuất hiện một phong trào chống Pháp với hình thức và nội dung mới. Đó là phong trào Đông Du (sang Nhật để học tập và huấn luyện quân sự) do Phan Bội Châu làm Hội trưởng. Đầu những năm 1920 của thế kỷ XX, nhiều thanh niên đã hăng hái tìm đường xuất dương hưởng ứng lời kêu gọi của ông. Trong số đó có một số được kết nạp vào Tâm Tâm Xã và sau đó gia nhập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Lê Huy Doãn - Lê Hồng Phong là một trong những thanh niên ưu tú ấy.

Phủ Hưng Nguyên nổi tiếng trù phú, nhưng làng Thông Lãng quê hương Lê Hồng Phong đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của người dân vẫn quanh năm lam lũ, cực khổ. Họ còn phải chịu hai tầng áp bức, đè nén của thực dân và phong kiến, phải nai lưng nộp thuế, nộp sưu. Biết bao gia đình đã phải ly tán, phiêu bạt, đi tìm việc làm kiếm sống khắp nơi. Hầu hết nông dân bị mù chữ và không được hưởng một chút tự do dân chủ nào. Vì vậy, nhân dân liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống cả thực dân Pháp lẫn phong kiến.

Là một thanh niên có học vấn, giàu tình yêu quê hương, đất nước nên trước thực trạng xã hội lúc bấy giờ, Lê Huy Doãn thấm thía nỗi nhục mất nước. Anh nhận thấy sự phát triển thương mại, giao thông là một điều kiện thuận lợi để giao lưu với bầu bạn về thời cuộc, để tìm con đường giải phóng quê hương, đất nước khỏi sự đói nghèo. Nhưng quá trình nhận thức và hình thành con đường ấy phải hội tụ đủ nhiều yếu tố, trong đó quê hương, gia đình, bầu bạn là những yếu tố quan trọng đầu tiên.

Họ Lê ở Hưng Nguyên là một dòng họ lớn, có nhiều người đỗ đạt, có truyền thống lao động chăm chỉ, hiếu học, đoàn kết, thật thà chất phác. Cha của Lê Huy Doãn là ông Lê Huy Quán là người có học song con đường khoa cử của ông không may mắn. Học xong bậc tú tài, thi không đỗ, ông sống ở quê làm ruộng và có thời kỳ làm gia sư trong làng. Mẹ là bà Phạm Thị Sáu, là người có tiếng trong vùng về sự thông minh, nết na và giữ gìn khuôn phép, gia giáo. Hai ông bà sinh được 5 người con, 2 trai, 3 gái. Lê Huy Doãn là con thứ tư trong gia đình, dáng mạo khôi ngô, khoẻ mạnh. Từ nhỏ, Lê Huy Doãn đã được cả gia đình yêu quý và đặt nhiều hy vọng. Vì vậy, dù nhà nghèo nhưng Lê Huy Doãn vẫn được cha mẹ tạo điều kiện cho học hành như một số bạn cùng trang lứa con nhà khá giả.

Lê Huy Doãn lớn lên trong sự nuôi dưỡng, giáo dục chu đáo của gia đình. Với tư chất thông minh, ham học hỏi, quyết tâm học tập và giàu lòng thương người nên việc học tập của anh khá suôn sẻ, tiến bộ. Lúc mới đi học, Lê Huy Doãn học chữ Hán ở trường làng. Khoảng năm 1919 - 1920, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều bỏ các khoa thi hương, thi hội và mở 4 trường học chữ quốc ngữ và chữ Pháp ở các tổng Phù Long, Văn Viên, Hải Đô, Thông Lãng. Cùng thời gian ấy, Lê Huy Doãn chuyển sang học chữ quốc ngữ và bậc sơ học. Vốn thông minh, chăm chỉ, anh đã đạt loại giỏi ở bậc sơ học.

Sống giữa vùng quê nghèo, gia cảnh của Lê Huy Doãn ngày một khó khăn khi người cha kính yêu của anh qua đời. Anh phải bỏ học rời làng quê, ra Thị xã Vinh vào làm công để vừa giúp đỡ mẹ, em gái, vừa mong muốn học thêm tiếng Pháp.

Đây là một quyết định mạnh bạo, dám chịu đựng hy sinh, đánh dấu sự trưởng thành của người thanh niên yêu nước Lê Huy Doãn trước hoàn cảnh gia đình và thời cuộc để bắt đầu một cuộc sống tự lập trong môi trường mới với bao khó khăn, thử thách.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống văn hoá, truyền thống cách mạng đã sớm hình thành trong Lê Hồng Phong khí phách của một con người không cam chịu cảnh áp bức, bất công, đứng dậy đấu tranh chống lại kẻ thù. Chính quê hương, gia đình là cái nôi bồi đắp, nuôi dưỡng, chở che, rèn luyện ý chí và nghị lực nâng cánh ước mơ để đồng chí Lê Hồng Phong đi tìm con đường giải phóng quê hương, đất nước giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

(1) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, NXB KHXH, HN, 1993 tập 1, trang 63.


Thái Khắc Thư