Mong muốn một cuộc sống yên bình, chan hòa tình yêu thương

09/07/2012 15:54

(Baonghean.vn) - Đúng 1 tuần sau khi xảy ra vụ việc linh mục, chức sắc và nhiều giáo dân Giáo xứ Quan Lãng quá khích gây rối, hành hung, bắt giữ người trái pháp luật, chúng tôi trở lại xã Yên Khê (Con Cuông) và được chứng kiến cuộc sống yên bình ở vùng đất Tây Nam. Sau những gì xảy ra, bà con lương và giáo ở nơi đây đều mong không còn những cảnh tương tự và muốn mong cuộc sống được trở lại như lâu nay vốn có: yên bình, chan hòa tình yêu thương.

Mảnh đất Yên Khê ngày cuối tuần khá yên bình và tĩnh lặng. Cuộc sống của những người nông dân miền núi vốn dĩ hồn hậu, mến khách đã quay lại nhịp sống thường nhật. Buổi chiều hôm qua, (chủ nhật, ngày 8/7), việc truyền đạo trái pháp luật tại nhà ông Phạm Thế Trận ở bản Trung Hương không còn diễn ra. Người dân Yên Khê nói riêng và huyện Con Cuông nói chung thở phào vì có một buổi chiều chủ nhật bình yên sau một thời gian khá dài phải chịu cảnh ồn ào, bất ổn và cũng khấp khởi hy vọng cảnh thanh bình này sẽ được duy trì mãi mãi.

Đâu đó, trong câu chuyện bên chén nước chè xanh của bà con vẫn còn bóng dáng của những điều đáng tiếc đã xảy ra vào cuối tuần trước. Họ từng phẫn nộ, từng ấm ức nhưng sau hết đó là một mong muốn nhịp sống thanh bình của bản làng trở lại, người với người sống chan hòa, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ như đúng bản chất của con người miền núi và đã được chứng minh trong thực tế từ ngày khai bản, lập mường. Cụ Lương Văn Phúc ở bản Tờ (xã Yên Khê) năm nay đã 88 tuổi kể rằng, bản làng từng rất nghèo, ăn không đủ no nhưng bà con rất đoàn kết, đồng tâm hiệp lực góp công, góp sức cùng Đảng và Nhà nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, sống đến tuổi xấp xỉ 90, cụ chưa bao giờ chứng kiến một vụ việc nào đau lòng như vừa qua. Cụ Phúc chia sẻ: “Hàng mấy trăm năm nay, bà con sống trên địa bàn rất đoàn kết gắn bó, chưa bao giờ có việc truyền đạo trái pháp luật như bây giờ. Việc làm đó là trái với pháp luật của Nhà nước, nhưng nghiêm trọng hơn là đã lôi kéo người từ nơi khác đến gây mất an ninh, chia rẽ tình đoàn kết của bà con sống trên địa bàn bấy lâu nay. Cần phải nghiêm trị những người vi phạm pháp luật để trả lại cuộc sống bình yên cho các bản làng ở Yên Khê”. Cụ Phúc còn cho biết thêm, ngay từ khi có truyền đạo trái pháp luật, cháu dâu nhà cụ ở bản Pha là người theo Công giáo nhưng được gia đình chỉ bảo, khuyên răn nên không tham gia hành vi vi phạm pháp luật ở địa phương.



Thổi khèn bè, một nét văn hóa từ ngàn xưa của đồng bào Thái ở Con Cuông

Cũng ở bản Tờ, ông Lương Đình Ló (63 tuổi) tâm sự với chúng tôi những điều từ đáy lòng của một người dân đã chứng kiến vụ việc vừa qua: “Đồng bào lương hay giáo ở nước ta đều là con dân nước Việt, vậy nên phải làm đúng theo quy định của pháp luật Nhà nước, không nên vi phạm pháp luật và quá hơn nữa là gây chia rẽ đoàn kết lương – giáo. Mong rằng các linh mục, chức sắc Giáo xứ Quan Lãng đừng lôi kéo bà con giáo dân vi phạm pháp luật. Cuộc sống của người dân Yên Khê sẽ nhanh chóng trở lại ấm nồng như xưa”.

Trò chuyện với ông Quách Công Loan – người dân tộc Mường ở bản Trung Hương, ông nói nhiều đến chuyện làm ăn. Vừa qua, người dân nơi đây đã có một vụ chiêm thắng lợi. Chè đang dần trở thành thứ cây trồng có thể giúp cho cuộc sống của bà con vốn còn nhiều khó khăn dần đổi thay. Ông Loan cho biết: “Lâu lắm rồi mới có buổi chiều Chủ nhật (8/7), người dân thôn Trung Hương được sống yên tĩnh. Không còn tiếng loa đọc kinh, vốn là một hoạt động hoàn toàn xa lạ đối với đồng bào các dân tộc ở đây. Kể từ khi ông Phạm Thế Trận dựng lên gôi nhà nguyện trái pháp luật tại thôn Trung Hương, đến bây giờ bà con mới có được một khoảnh khắc yên bình vào chiều chủ nhật”. Còn bà Lô Thị Năm ở cách nhà ông Trận khoảng 30m cho biết: “Họ (những người truyền đạo- PV) cũng có đến nhà tôi vận động theo đạo và làm từ thiện. Họ cho gạo, chăn màn chúng tôi vẫn nhận vì nghĩ đó là sự chân thành. Nhưng chúng tôi nhất quyết không theo đạo vì không hợp với phong tục, tập quán của người Thái. Người Thái chúng tôi chỉ quen thờ ông bà, tổ tiên. Còn ông Vi Văn Học (69 tuổi) cho biết: “Tuyệt đại đa số người Thái ở bản Trung Hương đều không đồng ý cho xây dựng nhà nguyện trên đất của bản. Lúc đầu mọi người cứ tưởng ông Phạm Thế Trận xây nhà cho con trai ra ở riêng, khi các hoạt động truyền đạo diễn ra công khai mới biết đó là nhà nguyện của họ. Từ trước đến nay người trong bản quen thờ ông bà, tổ tiên rồi, không quen với đạo mới. Chúng tôi chỉ thờ tổ tiên vào ngày tết, Tết mồng 5 (Tết Đoan Ngọ mồng 5/5 âm lịch – PV), Tết mồng 2 tháng 9. Những người bên ngoài đến đây tổ chức cầu kinh, chúng tôi cảm thấy không hợp với phong tục truyền thống của người Thái”.

Ngược ra Thị trấn Con Cuông, chúng tôi cũng ghi nhận được những ý kiến tương tự. Chị Trần Thị Lý ở khối 6, Thị trấn Con Cuông cho biết: “Việc truyền đạo khi chưa có sự cho phép của Nhà nước là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, người Công giáo từ các địa phương khác kéo đến đã có hành động quá khích, gây rối và hành hung, bắt giữ người trái pháp luật là quá sai trái. Đồng thời, gây dư luận không tốt cho người dân địa phương. Vì vậy, cần nghiêm trị những người có hành vi vi phạm pháp luật”. Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, trong sự việc vừa qua, chính các linh mục, chức sắc đã đẩy nhiều con chiên, đạo hữu của mình vốn sống lương thiện, chấp hành đúng pháp luật Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo vào con đường vi phạm pháp luật và phải hứng chịu dư luận không hay, đồng thời đánh mất hình ảnh tốt đẹp vốn có của đạo Thiên Chúa giáo.

Chúng tôi cũng trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc một số tín đồ Công giáo đang sinh sống trên địa bàn huyện Con Cuông. Một tín đồ Công giáo, quê ở Nam Định đang sinh sống trên địa bàn xã Bồng Khê, hàng tuần vẫn về xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn đi lễ. Trao đổi về sự việc vừa qua, anh cho biết: “Là một công dân, dù theo đạo hay không theo đạo đều mong muốn cuộc sống được bình yên, tốt đẹp”. Còn một giáo dân khác cũng gốc Nam Định đang buôn bán tại chợ Con Cuông vẫn đi lễ nhà thờ ở Tường Sơn, và cũng có lần đi lễ ở Yên Khê. Nhưng từ khi chính quyền địa phương khẳng định việc hành lễ ở đây là trái pháp luật thì chị không đi lễ ở Yên Khê nữa. Chị cũng băn khoăn bởi việc nghe theo lời lôi kéo của một số tín đồ quá khích vừa qua đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chị.

Cũng vào chiều hôm qua (8/7), chúng tôi tìm đến Giáo xứ Quan Lãng (xã Tường Sơn, Anh Sơn), nơi “khởi nguồn” của vụ việc gây rối tại xã Yên Khê. Cuộc sống nơi đây vẫn yên bình và trù phú, bà con nhân dân, không kể lương hay giáo đều đang tích cực chăm bón vụ lúa hè thu - mùa và chuẩn bị thu hoạch vụ ngô xuân. Nhìn những cánh đồng tít tắp và xanh ngời màu lá mạ cùng bãi ngô sai hạt nặng bông, ai cũng vui mừng vì vùng đất này luôn no ấm, hạnh phúc. Tuy vậy, nhắc đến sự việc ngày 1/7/2012, người dân Tường Sơn đều không khỏi phiền lòng. Bởi lẽ, không ít giáo dân nơi đây nghe theo lời xúi dục của các linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng đã lên Yên Khê tham gia hành lễ trái pháp luật và gây rối, hành hung, bắt giữ người trái pháp luật. Ông Lê Quốc Thanh, người dân xóm 9, xã Tường Sơn chia sẻ: “Mong sao bà con lương- giáo luôn đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, xứng đáng với truyền thống của một xã anh hùng”. Tiếp xúc với một số bà con theo đạo Thiên Chúa, chúng tôi được biết đa số giáo dân Giáo xứ Quan Lãng đều có nguyện vọng mong cuộc sống yên ổn để làm ăn, không ai muốn phải nghe những hồi chuông thúc dục và chứng kiến không khí căng thẳng mỗi khi đến ngày cuối tuần. Thực ra, việc tham gia cầu nguyện và gây rối ở Yên Khê là do sự xúi dục, thậm chí là gây áp lực của các linh mục và chức sắc tôn giáo.

Người dân xã Yên Khê, xã Tường Sơn nói riêng và toàn thể nhân dân Nghệ An cũng như cả dân tộc Việt Nam nói chung luôn mong muốn có được cuộc sống bình yên, chan chứa tình yêu thương và thắm đượm tình làng, nghĩa xóm. Bởi hơn ai hết, người dân Việt Nam đã trải qua không ít mất mát, đau thương do chiến tranh để lại và thấy được giá trị vô giá của cuộc sống hòa bình. Trong đó, tình đoàn kết lương giáo chính là yếu tố góp phần làm nên cuộc sống hòa bình trên khắp mọi miền Tổ quốc yêu thương.


N.P.V