Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý báo chí trước yêu cầu mới

20/06/2012 14:44

TS. Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

TS. Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

(Baonghean) - Báo chí là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng; là một trong những công cụ sắc bén, hiệu quả để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin,Đảng ta luôn khẳng định và đề cao sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí, coi đó là một nguyên tắc, một đòi hỏi khách quan, khoa học. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.



Đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Tỉnh ủy thăm phòng vi tính Báo Nghệ An.
Ảnh: Sỹ Minh

Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, tạo ra nhiều cơ hội lớn lao và cả những thách thức không thể coi thường. Cách thức thu nhận, trao đổi thông tin (mạng internet toàn cầu, các website, các blog, weblog cá nhân, sự tương tác nhiều chiều trong thông tin); các trào lưu, các khuynh hướng tư tưởng xâm nhập, tác động vào nước ta ngày càng mạnh mẽ, nhiều chiều, dữ dội. Các thế lực cơ hội, phản động, thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, báo chí, thực hiện âm mưu "Diễn biến hoà bình" ngày càng thâm độc, nham hiểm hơn.

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí càng được đặt ra một cách cấp thiết.

Tính đến thời điểm này, cả nước có trên 730 cơ quan báo chí in, gồm 178 báo in (Trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 79 báo; các tỉnh, thành phố có 99 báo); trên 550 tạp chí (Trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 436tạp chí;địa phương 117 tạp chí); 1 hãng thông tấn quốc gia; 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài truyền hình của ngành, 63 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, trên 500 đài, trạm truyền thanh, truyền hình cấp huyện, hàng ngàn trạm truyền thanh, truyền hình cấp xã; cả nước có trên 60 báo, điện tử, gần 300 trang tin của cơ quan báo chí và trên 280 trang thông tin điện tử tổng hợp; 63/63 tỉnh, thành phố, 22/22 bộ, ngành đã có cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử. Đài Tiếng nói Việt Nam đã phủ sóng 97,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh đến nhiều nước trên thế giới. Đài Truyền hình Việt Nam phủ sóng đến gần 90% số hộ gia đình ở trong nước và phủ sóng qua vệ tinh đến nhiều khu vực ở ngoài nước.

Cả nước có hơn 17.500 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo, hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, nghệ sỹ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành, sống chủ yếu bằng dịch vụ nghề báo. So với năm 1986 - thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới thì số lượng các cơ quan báo chí, số lượng báo, đài, tạp chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng từ 3 đến 4 lần; nếu so với năm 2001, các chỉ số này tăng 1,3 đến 1,5 lần.

Trong những tháng đầu năm nay, báo chí nước ta tập trung tuyên truyền việc thực hiện nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tuyên truyền việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tuyên truyềnvề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992; tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về đổi mới chính sách đất đai; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và nhiều nội dung quan trọng, thiết thực khác. Công tác tuyên truyền của báo chí luôn được Đảng, Nhà nước coi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Báo chí nước ta đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân. Đảng, Nhà nước cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, nhất là đổi mớinội dung, tư duy, phong cách và phương thức lãnh đạo, quản lý.

Về đổi mới nội dung lãnh đạo: Đảng ta, trực tiếp là các cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác báo chí cần tích cực, chủ động, sắc bén, kịp thời trong việc dự báo, định hướng chính trị tư tưởng, nhất là trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong đời sống xã hội; vừa tuyên truyền sâu rộng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, vừa quan tâm phản ánh tâm tư, nguyện vọng người dân đến với Đảng và Nhà nước.

Về mặt phương châm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí cần kịp thời nhưng phải đảm bảo tính khoa học, tính thuyết phục, có lý có tình, tránh áp đặt, mệnh lệnh, phải đạt tới sự tuân thủ một cách tự giác, triệt để của các cơ quan báo chí và những người làm báo.

Về phương thức: Bên cạnh nhiều nghị quyết, chỉ thị, qui định quan trọng mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành như Chỉ thị 22-CT/TƯ, Thông báo Kết luận 162-TB/TƯ, Chỉ thị 52-CT/TƯ, Thông báo Kết luận 41-TB/TƯ, Thông báo Kết luận 68-TB/TƯ, Quy định 75-QĐ/TƯ, Quy định 155-QĐ/TƯ, Quy định 157-QĐ/ TƯ, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X)…, Đảng cần tiếp tục xây dựng, bổ sung thêm các qui định, quy chế tạo cơ sở chính trị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí. Tiếp tục thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng bằng việc bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí, Chiến lược thông tin quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và xa hơn, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chế tài đủ mạnh để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng hướng, vững chắc vừa xử lý kịp thời, dứt điểm các sai phạm, nhất là các sai phạm lớn, lặp đi lặp lại, kéo dài.

Trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, khẩn trương lập đề án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan báo chí cả nước, của từng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị theo hướng hợp lý, tinh gọn, thiết thực, hiệu quả. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí xét thấy không cần thiết, nội dung trùng lặp, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc để sai phạm kéo dài.

Coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng trong cơ quan báo chí vững mạnh về mọi mặt; đề cao vai trò đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo; trên cơ sở đó nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí và nhà báo. Nâng cao chất lượng tư tưởng, chính trị, văn hoá, khoa học của từng cơ quan báo chí, để báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước; các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp; diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí; đào tạo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Mở rộng nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo báo chí với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí vàcơ quan chủ quản của báo chí; sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí.Nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, khả năng chi phối thông tin của các báo, đài chủ lực. Đầu tư thoả đáng cho hoạt động thông tin đối ngoại. Tiếp tục mở rộng sóng phát thanh, truyền hình ra các nước, các khu vực bằng công nghệ thông tin hiện đại; đưa được sách, báo có nội dung tốt trong nước phục vụ đồng bào ta ở nước ngoài; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người của Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới.

Kiên quyết đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch bằng đội ngũ nhà báo và chuyên gia giàu tâm huyết, có kiến thức và kinh nghiệm, sử dụng các hình thức và phương tiện phù hợp. Ngăn chặn có hiệu quả hoạt động xâm nhập báo chí nước ta của các thế lực thù địch, phản động từ bên ngoài.

Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện hoạt động cho các cơ quan báo chí. Nghiên cứu, đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị theo hướng hiện đại; ưu tiên phủ sóng phát thanh, truyền hình, phát hành các ấn phẩm báo chí cho giới trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.