Xóa bỏ giáo điều, rập khuôn, máy móc
Thực tiễn cách mạng đã chứng minh rằng vùng miền nào, địa phương nào có cán bộ lãnh đạo vận dụng một cách sáng tạo những chủ trương, đường lối của Đảng, thì vùng miền đó có sự đột phá và có những bước phát triển vững chắc về mọi mặt. Điều đó có thể dễ dàng chứng minh với sự phát triển ngoạn mục của không ít địa phương trên cả nước trong thời gian qua, trong đó Đà Nẵng là ví dụ sinh động nhất.
(Baonghean) Thực tiễn cách mạng đã chứng minh rằng vùng miền nào, địa phương nào có cán bộ lãnh đạo vận dụng một cách sáng tạo những chủ trương, đường lối của Đảng, thì vùng miền đó có sựđột phá và có những bước phát triển vững chắc về mọi mặt. Điều đó có thể dễ dàng chứng minh với sự phát triển ngoạn mục của không ít địa phương trên cả nước trong thời gian qua, trong đó Đà Nẵng là ví dụ sinh động nhất.
Ngược lại, nếu vùng miền nào, địa phương nào để xảy ra tình trạng tụt hậu, yếu kém, chậm phát triển, trong nhiều nguyên nhân xảy ra tình trạng nói trên thì thường nguyên nhân có thể nhận thấy rõ nhất là cán bộ lãnh đạo không phát huy được vai trò, không đưa được các quan điểm, đường lối của Đảng vào cuộc sống để tạo thành các phong trào cách mạng sâu rộng, hiệu quả.
Ở trường hợp này, lại có thể xảy ra hai khả năng: Một là cán bộ lãnh đạo không đủ năng lực để phát huy được sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng; hai là cán bộ lãnh đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng một cách rập khuôn, máy móc, giáo điều, dẫn đến hẹp hòi, khắt khe trong quá trình tìm tòi và chấp nhận cái mới, cái tiến bộ, thậm chí có lúc có nơi còn thủ tiêu sự sáng tạo, cản trở những đột phá, gây khó khăn cho các nhân tố mới, do đó tất yếu sẽ dẫn đến sự trì trệ, yếu kém chung trên mọi lĩnh vực. Những ví dụ cho trường hợp sau thì vô cùng phong phú, thậm chí có những câu chuyện đã thành giai thoại, đã được dựng thành phim để làm bài học chung cho các vùng miền, địa phương.
Không nói chuyện vùng miền, chuyện địa phương, mà ngay trong mỗi cơ quan, đơn vị cũng vậy. Nếu ở nơi nào tập thể lãnh đạo có phẩm chất trí tuệ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết đoán trong việc vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, áp dụng linh hoạt tinh thần chỉđạo của cấp trên vào hoàn cảnh thực tiễn cụ thể của cơ quan, đơn vị, thì nơi đó chắc chắn sẽ gặt hái được thành công trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn, sẽ tạo được chuyển biến, đột phá tích cực của cơ quan, đơn vị mình, đồng thời có đóng góp cho phong trào chung. Còn nếu ở các cơ quan, đơn vị có cán bộ lãnh đạo yếu kém về năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn, chỉ chăm chăm thực hiện rập khuôn các văn bản chỉđạo của cấp trên, bất chấp tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị hoặc diễn biến sinh động, phong phú của thực tiễn, thì khi đó thậm chí họ còn làm cho những chủ trương, đường lối, những văn bản, ý kiến chỉđạo của cấp trên, trở thành những giáo điều xơ cứng, trở thành lực cản, gây nên sự kìm hãm và níu kéo cho phong trào, xu thế phát triển của cơ quan, đơn vị.
Trên thực tế, có không ít cơ quan, đơn vị chẳng may gặp phải những cán bộ lãnh đạo thiếu kiến thức thực tế, yếu kém trong việc tổ chức lãnh đạo, chỉđạo xử lý, giải quyết các vấn đề thực tiễn, các hoạt động thực tiễn, thì từ vai trò tiên phong họđã trở thành lực cản của phong trào, thành "đó rách ngáng trộ" của cơ quan, đơn vị. Điều bi hài là đôi khi những cán bộ lãnh đạo như vậy lại thường tìm cách che đậy, núp bóng dưới vỏ bọc của vô số các loại bằng cấp, chứng chỉ trong quá trình tiến thân, và khi bắt tay vào chỉđạo giải quyết công việc thực tiễn thì lại "dắt lưng" vô số các quy định, quy chế, văn bản hướng dẫn để yêu cầu cấp dưới hoặc cơ sở áp dụng một cách rập khuôn, cứng nhắc, không hề tính đến việc có phù hợp với thực tế hay không, có lợi cho tập thể và phong trào hay không, miễn là có lợi cho cá nhân hoặc an toàn cho bản thân. Hễ bàn bạc, thảo luận điều gì, vấn đề gì, để chứng tỏ bản thân mình, "giá trị" của mình, "hiểu biết" và "học vấn" của mình, không ít người thường xuyên tham gia ý kiến bằng cách viện dẫn đủ mọi thứ căn cứ, mọi loại văn bản, đểđi đến kết luận cuối cùng là tránh phải chịu mọi loại trách nhiệm, cốt để an toàn, không đụng chạm, không phải làm gì. Đương nhiên, nếu cơ quan nào, đơn vị nào, hoặc địa phương nào gặp phải những cán bộ lãnh đạo như thế thì cầm chắc là chỉ gặp sức ỳ, sự trì trệ, tụt hậu mà thôi!
Từ hiện thực trên, có thể rút ra bài học là nơi nào muốn bứt phá, phát triển mạnh mẽ thì nơi đó phải tấn công xóa bỏ tư tưởng giáo điều, rập khuôn, máy móc. Một mặt cần phải quan tâm đến công tác đào tạo và đào tạo lại bộ phận cán bộ lãnh đạo còn mắc nhiều yếu kém, tồn tại, trong đó có mắc bệnh giáo điều, máy móc, rập khuôn. Mặt khác, phải kiên quyết loại bỏ những cán bộ lãnh đạo có tư tưởng hẹp hòi, níu kéo, thiếu tinh thần xây dựng, thiếu sáng tạo, đổi mới, gây khó khăn và cản trởđến sự lớn mạnh mọi mặt của cơ quan, đơn vị. Thiết nghĩ, những nội dung đó là nhiệm vụ của công tác tư tưởng trong mọi thời kỳ, cũng là nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.
Giáng My