Gặp người cựu tù Phú Quốc năm xưa

20/07/2012 17:59

(Baonghean) Không mấy khó khăn, tôi đã tìm đến và gặp được ông Trương Văn Thẻ - người dân tộc Thổ ở xóm Tân Tiến xã Tam Hợp - Quỳ Hợp, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện.

Sinh năm 1949, tháng 12 năm 1967, ông tham gia bộ đội tại chiến trường Miền Nam thuộc bộ phận trinh sát ở Sài Gòn - Gia Định, đến tháng 9 năm 1969 thì bị thương và chỉ sau đó một tháng ông bị địch bắt giam, đến tháng 3 năm 1973 mới được trao trả tại sông Thạch Hãn.

Ông kể lại: “Năm đó sau khi bị bắt không lâu, ông cùng với nhiều chiến sĩ của ta bị địch chuyển ra trại giam Phú Quốc. Những năm tháng sống trong địa ngục trần gian, với muôn vàn hình thức tra tấn hết sức dã man của kẻ thù. Hòng khuất phục để chiêu hồi, chúng bắt ông uống nước xà phòng rồi treo ngược lên trần nhà, bỏ vào thùng phi đầy nước và cho lính đánh đến long cả óc. Không lấy được thông tin, chúng dùng kềm rút móng tay, rút răng, đóng đinh vào khớp xương và sau đó chúng dùng bao tải trùm lên và dội nước sôi”.

Kể đến đây ông dừng lại và rưng rưng nước mắt, ông nói tiếp: “Tôi là người chứng kiến đợt tra tấn dã man này cho đến khi chết của Tiểu đoàn trưởng Năm Bụng, cũng là người Việt mà chúng ác quá. Ngày đó nổi tiếng ác ôn nhất ở nhà tù là trung úy Hiển, thượng sĩ Nhất Nhu và thượng sĩ Hoan, riêng tên Nhất Nhu nó thường dùng dây thép buộc vào răng và lấy búa quả nhót nhổ lật từng cái răng của chiến sĩ ta. Nhưng với ý chí và lòng kiên trung của người chiến sĩ cách mạng, anh em đã đoàn kết để đấu tranh.



Ông Thẻ cùng những giấy tờ liên quan của Hội

Trong nhà tù vẫn thành lập tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn và hội đồng hương để tạo sức mạnh chống tra tấn, có những đợt tuyệt thực kéo dài cả tuần, nổi bật nhất là đợt tuyệt thực 12 ngày tại khu giam C11 đã đẩy lùi được sự hống hách, tàn bạo của chúng, nhưng sau đó chúng đã nã súng vào khu Đ4 làm chết hàng trăm người và vụ thảm sát tại khu C8 chúng đã giết hại 150 chiến sĩ của ta. Tàn khốc hơn là vào các ngày lễ, ngày tết chúng còn trộn thuốc độc vào gạo để anh em chiến sĩ bị tiêu chảy hàng loạt với mục đích là không cho chiến sĩ ta biểu tình. Trong số chiến sĩ ta người thì bị địch giết, người thì bị thương, nay về với đời thường mỗi người một nơi và cũng có người đã qua đời, số còn sống cũng có người đang giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, như anh Tư chẳng hạn. Anh Tư tức là đồng chí Trương Tấn Sang đó”.

Nói đến đây tôi thấy gương mặt ông vui vẻ hẳn lên, rồi ông kể tiếp: “Sau khi được trao trả, chúng tôi được về an dưỡng tại Đoàn 125, đến năm 1983 tôi chuyển về công tác tại Lâm trường Quỳ Châu, sau đó về nhà làm đội trưởng đội sản xuất.

Nay già rồi nhưng ước nguyện đã hoàn thành rồi chú ạ. Năm trước tôi gặp lại đồng đội ở Hà Nội, sau đó ra thăm và thắp hương tưởng niệm đồng đội ở Phú Quốc. Hiện nay chúng tôi đã được thành lập Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày rồi, huyện Quỳ Hợp ta có Hội riêng, như vậy chúng tôi đã có điều kiện để giúp đỡ nhau trong cuộc sống và góp phần vào xây dựng và bảo vệ quê hương. Đặc biệt là phải có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng.

Hỏi thăm về gia đình, ông cười: Vợ tui là cựu thanh niên xung phong, hai vợ chồng có 4 đứa con đã có gia đình cả rồi. Nói thật với chú là nhờ bà nhà tui mà tui đã tìm lại được đồng đội của mình.

Chia tay với người chiến sĩ cách mạng năm xưa, trong lòng tôi không khỏi cảm phục trước sự kiên trung của bao chiến sĩ cách mạng, đã không quản hy sinh, gian khổ để giành lại nền độc lập tự do cho Tổ quốc.


Nguyễn Đình Hiền