Cần duy trì tổng vệ sinh môi trường lớp học
(Baonghean)- Cháu Nguyễn Ngọc Tú - 5 tháng tuổi, con chị Đậu Thị Thắm ở xóm Khe Bai, xã Nghĩa Hội - Nghĩa Đàn phải...
(Baonghean)- Cháu Nguyễn Ngọc Tú - 5 tháng tuổi, con chị Đậu Thị Thắm ở xóm Khe Bai, xã Nghĩa Hội - Nghĩa Đàn phải nằm điều trị tay – chân – miệng tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc. Khi phát hiện con bị nổi mẩn đỏ, chị Thắm rất lo lắng. “Tôi thấy cháu nổi mẩn đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, lo lắng quá gia đình liền đưa cháu xuống trạm xá, họ chẩn đoán cháu bị tay – chân – miệng rồi chuyển lên điều trị ở đây, đến nay cháu đã đỡ nhiều” - Chị Thắm cho biết.
Thị xã Thái Hoà và huyện Nghĩa Đàn là một trong những địa phương xuất hiện bệnh tay – chân - miệng đầu tiên trên địa bàn tỉnh với số lượng lớn bệnh nhân. Chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 6/2012, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc đã tiếp nhận và điều trị cho gần 100 bệnh nhân tay - chân - miệng. Hầu hết bệnh nhi đến bệnh viện khám và điều trị với các triệu chứng rõ ràng của bệnh như nổi ban đỏ trong miệng, lòng bàn chân, bàn tay, nổi các bóng nước. Tuy nhiên, đa số các bậc phụ huynh lại chưa hiểu biết nhiều về căn bệnh này vì thế việc phòng bệnh cho con trẻ chưa được quan tâm đúng mức.
Cán bộ Trung tâm Y tế Thành phố Vinh hướng dẫn cho các cháu Trường Mầm non Hà Huy Tập cách rửa tay bằng xà phòng đúng cách để phòng chống bệnh tay – chân – miệng.
Bác sĩ Đặng Công Việt - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc cho biết: “Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên thời gian gần đây số trẻ mắc bệnh điều trị có giảm so với cùng kỳ năm 2011, nhưng vẫn xuất hiện rải rác với các triệu chứng điển hình. Qua điều tra cho thấy do nhiều lý do khác nhau nên một số phụ huynh chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, họ chỉ hiểu lờ mờ về căn bệnh này vì thế cần đẩy mạnh hơn nữa, đa dạng hơn các hình thức truyền thông”.
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của bệnh tay - chân - miệng, ngành Y tếđã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh trên địa bàn, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường chỉ đạo triển khai phòng chống bệnh trong trường học, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng về rửa tay bằng xà phòng đúng cách để phòng chống các bệnh lây qua đường tiêu hóa, đồngthời giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhằm phát hiện sớm tại cộng đồng, trong trường học. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay bệnh chân tay miệng đã cơ bản được kiểm soát, với số lượng bệnh nhân giảm dần. Tuy nhiên, căn bệnh này đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nhất là ở những địa bàn nông thôn, miền núi cao - nơi công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân chưa được chú trọng.
Dự báo trong thời gian tới, bệnh tay - chân - miệng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, ngành Giáo dục cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo các trường học duy trì tổng vệ sinh môi trường lớp học (lau rửa sàn nhà, lau bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch CloraminB 2% hoặc bằng xà phòng). Đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn cộng đồng, đặc biệt là học sinh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: vệ sinh răng miệng; rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống sôi để hạn chế các bệnh lây theo đường tiêu hoá trong đó có bệnh tay - chân - miệng.
Từ Thành