Những cán bộ tiền khởi nghĩa quê tôi

13/08/2012 20:06

Ngày còn công tác ở Hà Nội, tôi đã có dịp đến căn nhà C4 ở tận tầng 4 của khu tập thể Kim Liên để thăm người chú họ là Lê Văn Ngơi, hiện đang là cán bộ của Bộ Công an. Trong không khí gia đình ấm cúng, chú kể cho tôi nghe những ngày đáng nhớ về cuộc đời hoạt động để chuẩn bị cướp chính quyền năm 1945, ở quê nhà…

(Baonghean) Ngày còn công tác ở Hà Nội, tôi đã có dịp đến căn nhà C4 ở tận tầng 4 của khu tập thể Kim Liên để thăm người chú họ là Lê Văn Ngơi, hiện đang là cán bộ của Bộ Công an. Trong không khí gia đình ấm cúng, chú kể cho tôi nghe những ngày đáng nhớ về cuộc đời hoạt động để chuẩn bị cướp chính quyền năm 1945, ở quê nhà…

Năm 1948, chú giữ chức vụ Bí thư Chi bộ đảng xã Thanh Dương (gồm 2 xã Mã Thành và Lăng Thành) của huyện Yên Thành, rồi từng bước trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trở thành cán bộ của Bộ Công an. Bao nhiêu năm tham gia cách mạng cho đến lúc nghỉ hưu, chú vẫn ở trong căn hộ C4 tận trên tầng 4 của khu tập thể Kim Liên mà Nhà nước phân cho gia đình chú ở khi đang còn công tác.



Đồng chí Nguyễn Văn Linh - nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng về thăm, nói chuyện và tặng quà cho nhà truyền thống Hưng Dũng (trước kia thuộc Làng Đỏ, nay là phường Hưng Dũng, TP. Vinh) - 1990. Ảnh tư liệu: K.H

Còn thầy Phan Quang Di, vừa dạy học, vừa tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1945, thầy làm trưởng ban khởi nghĩa cướp chính quyền ở xã, năm 1949 thầy làm Bí thư chi bộ xã Thanh Dương, rồi thoát li tham gia hoạt động cách mạng. Hơn 40 năm làm nghề dạy học, thầy làm hiệu trưởng rất nhiều trường: Trường cấp 3 Nguyễn Huệ (quận Hà Đông – Hà Nội), Trường Học sinh Miền Nam, Trường Sư phạm KHXH, Trường cấp 3 Đan Phượng (Hà Nội)… Thầy sống rất giản dị, hòa đồng với giáo viên và học sinh, lại có khả năng vận động, tập hợp quần chúng và làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy và chính quyền địa phương, nên ở trường nào thầy cũng xây dựng trường trở thành trường tiên tiến xuất sắc. Học sinh theo học với thầy, nhiều người đã thành đạt. Có người trở thành người lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta như ông Trương Quang Được (nguyên là Phó Chủ tịch Quốc hội), ông Nguyễn Cảnh Dinh (nguyên là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước)… Cả cuộc đời thầy là chuỗi dài về sự hy sinh. Ngày thầy bước vào nghề dạy học với chiếc xe đạp còn mới và khi về hưu ở quê nhà, thầy vẫn đi bằng chiếc xe đạp đó.

Ông Lê Văn Luận, sinh ra và lớn lên trên quê hương Xô viết Nghệ - Tĩnh, cùng người anh ruột của mình là Lê Văn Nâm, nuôi giấu những cán bộ hoạt động cách mạng bí mật ở quê nhà và tham gia trong đội Cứu quốc quân của quê hương, rồi trở thành cán bộ chủ chốt của làng, xã. Năm 1950, ông giữ chức vụ Bí thư chi bộ đảng xã Thanh Dương, sau đó thoát li tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1954, ông là Bí thư tiểu đoàn dân công phục vụ Trung Lào, sau đó làm Trưởng Ban chỉ đạo sản xuất tỉnh Nghệ An, rồi phó quản đốc Nông trường Việt Lâm (Nghệ An).

Những năm dấn thân vào sự nghiệp vệ quốc, 2 người con gái đầu lần lượt qua đời, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông xin được về công tác ở quê nhà. Trên các cương vị chủ chốt của xã, hợp tác xã, ông luôn trăn trở làm sao đưa phong trào HTX tiến lên, làm sao biến những vùng đất khô hạn mỗi năm chỉ gieo cấy được một vụ theo kiểu nhờ trời thành những vùng lúa nước 2 vụ với xóm làng xanh tươi? Thế là ông cùng Đảng bộ xã Mã Thành quyết định phải xây dựng công trình đập thủy lợi, đưa nước về tưới cho những cánh đồng khô khát. Được huyện đồng ý thế, công trình đập Bòn Vàng ra đời, ông được Đảng bộ xã giao cho trọng trách chỉ huy công trường. Lặn lội giữa núi rừng, ông cùng nhân dân xã Mã Thành xây dựng thành công công trình thủy lợi đập Bòn Vàng, đưa nước về tưới cho vùng đất Tân Yên, biến vùng đất khô khát này thành vùng lúa nước 2 vụ mỗi năm, xóm làng xanh tươi.

Còn chú Trần Đình Đúc là người tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, cùng với nhân dân trong xã đứng lên cướp chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám 1945 ở quê nhà. Năm 1951, chú giữ chức vụ Bí thư chi bộ đảng xã Thanh Dương, rồi làm Bí thư Huyện ủy huyện Yên Thành, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An. Sau đó, chú trở thành cán bộ Trung ương và được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm làm cố vấn cho nước bạn Lào. Ngày nghỉ hưu, chú trở lại quê nhà vui cùng con cháu…

Còn biết bao nhiêu những người hoạt động tiền khởi nghĩa của quê hương Xô viết Nghệ - Tĩnh đã hiến trọn đời mình cho quê hương đất nước, để lại cho chúng ta lẽ sống làm người!


Lê Anh Chới