Hiệu quả chuyển giao TBKHKT cho các trung tâm cấp huyện

03/08/2012 21:45

Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An đã phối hợp với các tổ chức KHCN của các huyện như: Phòng NN&PTNT, các Trạm Khuyến nông, BVTV, Thú y huyện, các nông lâm trường, UBND các xã, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện... tổ chức điều tra khảo sát tình hình thực tế của địa phương để đề xuất các nhiệm vụ KHCN hàng năm trình hội đồng KHCN thẩm định.

(Baonghean) Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An đã phối hợp với các tổ chức KHCN của các huyện như: Phòng NN&PTNT, các Trạm Khuyến nông, BVTV, Thú y huyện, các nông lâm trường, UBND các xã, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện... tổ chức điều tra khảo sát tình hình thực tế của địa phương để đề xuất các nhiệm vụ KHCN hàng năm trình hội đồng KHCN thẩm định.

Chủ trì chuyển giao công nghệ trong các dự án (nếu công nghệ được ứng dụng do Trung tâm làm chủ), hoặc đơn vị phối hợp chuyển giao (là sự kết hợp của Trung tâm với các chuyên gia của các Viện, trường Trung ương có công nghệ phù hợp với dự án), hoặc là đơn vị cầu nối trong việc tìm kiếm công nghệ phù hợp cho các dự án từ hệ thống các Viện Nghiên cứu Trung ương; giúp các đơn vị chủ trì và chủ nhiệm dự án KHCN cấp huyện tổ chức điều tra, khảo sát xây dựng thuyết minh, lập dự toán dự án. Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện, viết báo cáo nghiệm thu và thanh quyết toán tài chính đối với dự án đó.



Bà con nông dân thu hoạch cà chua. Ảnh: C.S

Cho đến nay, Trung tâm đã tham gia tư vấn, chuyển giao công nghệ được trên 40 dự án. Hiện đơn vị đang tư vấn giúp xây dựng đề cương thuyết minh dự án "nấm ăn và nấm dược liệu" cho huyện Yên Thành; giúp huyện Đô Lương hoàn thiện hồ sơ dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình trồng măng tây xanh trên địa bàn huyện Đô Lương”; giúp huyện Quế Phong viết thuyết minh dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng thâm canh lúa nước trên ruộng bậc thang bằng phân viên nén NK dúi sâu" tại huyện Quế Phong, giúp huyện Con Cuông viết thuyết minh dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình trồng măng tây xanh trên địa bàn huyện Con Cuông” thuộc nhiệm vụ KHCN hàng năm của huyện.

Một số dự án có sự tham gia phối hợp hoặc thực hiện có hiệu quả như: dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm" của huyện Nghi Lộc. Sau khi triển khai thực hiện và xây dựng được mô hình cánh đồng 50 triệu/ha/năm, dự án "Xây dựng mô hình nuôi thả cánh kiến đỏ tại huyện Quế Phong" đã tạo ra cho bà con dân tộc vùng cao một ngành nghề mới phù hợp, mang lại hiệu quả cao và được đưa vào chương trình phát triển kinh tế của một số huyện vùng cao của tỉnh.

Dự án "Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình duy trì và phát triển giống bò vàng địa phương (bò H'Mông) tại huyện Kỳ Sơn” đã tạo được một đàn bò giống, mô hình đàn bò thịt , mô hình trồng cỏ và tập huấn các qui trình kỹ thuật cho bà con nông dân huyện Kỳ Sơn; Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình cải tạo vườn chanh thoái hóa tại huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An” tìm các giải pháp phát triển vườn chanh Nam Đàn; đang nạp đề cương xin thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhân giống cây cà chua múi bản địa huyện Tương Dương”.

Bên cạnh nhiệm vụ, tư vấn chuyển giao công nghệ thông qua các dự án KHCN cấp huyện hàng năm, với những tiến bộ KHKT mà đơn vị nghiên cứu làm chủ, Trung tâm đã tổ chức tư vấn chuyển giao, tập huấn được nhiều tiến bộ vào sản xuất tại các địa phương trong tỉnh thông qua các hợp đồng dịch vụ với các đối tác (đó là các nông lâm trường, các trung tâm đào tạo nghề, các tổ chức KHCN cơ sở...) như: Chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu; công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh quy mô hộ; công nghệ sản xuất cây có múi sạch bệnh, sản xuất cây nguyên liệu; bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý ô nhiễm môi trường,...

Trung tâm có công nghệ sản xuất chế phẩm compost maker và phân vi sinh: Đến nay đã có 4 huyện đăng ký với số lượng trên 30 tấn.

Trung tâm đã ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm, nuôi trồng nấm và tổ chức tập huấn cho các huyện Yên Thành, Nam Đàn, Quỳnh Lưu,...

Đưa sản phẩm cây giống công nghệ nuôi cấy mô vào sản xuất trên địa bàn như chuối ở Đô Lương, Quỳnh Lưu, Anh Sơn,.. mía ở Con Cuông, Hưng Nguyên,…hoa ở Hưng Đông, nhân giống các loại cây như cà chua Tương Dương,.... Trung tâm còn là đơn vị đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xử lý ô nhiễm môi trường nước thải Trại tạm giam Nghi Kim, bãi rác Hưng Đông, nước thải sản xuất nước mắm Cửa Hội, kho thuốc bảo vệ thực vật xóm Mẫu 2 - Kim Liên (Nam Đàn). Hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa bàn có nhu cầu phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể,...

Thực hiện thành công công nghệ nuôi thả cánh kiến đỏ: ở Quế Phong và có thể tiếp tục mở rộng ở Quế Phong hay Kỳ Sơn; thực hiện nhiều dự án về đa dạng sinh học và bảo tồn qũy gen động vật qúy như hươu sao, lợn mẹo, vịt bầu Qùy Châu, gà ác Kỳ Sơn...

Với những kết quả đạt được như trên, công tác tư vấn chuyển giao công nghệ cho cấp huyện của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An đã có những đóng góp không nhỏ trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh.


Phạm Hồng Hải