Tạo việc làm bền vững cho nông dân sau khi thu hồi đất

13/08/2012 18:27

Ngày 20/9/2006 UBND TP.Vinh đã ra Quyết định số 20/QĐ.UBND ban hành Đề án: “Giải quyết việc làm cho nông dân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp giai đoạn 2006-2010”. Sau hơn 5 năm thực hiện đề án, vấn đề giải quyết việc làm cho nông dân sau khi thu hồi đất trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

(Baonghean) Ngày 20/9/2006 UBND TP.Vinh đã ra Quyết định số 20/QĐ.UBND ban hành Đề án: “Giải quyết việc làm cho nông dân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp giai đoạn 2006-2010”. Sau hơn 5 năm thực hiện đề án, vấn đề giải quyết việc làm cho nông dân sau khi thu hồi đất trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, kết quả giải quyết việc làm cho nông dân sau khi thu hồi đất vẫn chưa bền vững. Trong tổng số 3.121 lao động nông nghiệp được giải quyết việc làm, chỉ có 320 lao động vào làm việc tại các cụm công nghiệp và nhà máy với mức thu nhập từ 1,8 triệu đến 2,5 triệu đồng; có 575 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài với mức thu nhập khá cao, nhưng khi trở về địa phương, số lao động này khó có điều kiện đầu tư sản xuất tạo việc làm lâu dài, hay rồi chỉ làm nhà, mua tiện nghi để hết tiền lại thất nghiệp.

Mặc dù thành phố có chính sách khuyến khích nhưng cũng chỉ có 436 lao động tham gia đào tạo nghề, chủ yếu là đào tạo ngắn hạn với các nghề: điện, điện tử, cơ khí, may mặc, sửa chữa xe máy, tin học, nấu ăn. Do tỷ lệ lao động đào tạo nghề quá thấp nên giải quyết việc làm rất khó khăn; hầu hết lao động đều làm nghề phổ thông; có 1.440 lao động phải tự kiếm việc làm.

Theo dự kiến của UBND TP.Vinh từ nay đến năm 2015, diện tích đất nông nghiệp của thành phố tiếp tục bị thu hồi là 1.352 ha, sẽ có 11.590 lao động nông nghiệp mất việc làm. Vấn đề việc làm cho nông dân sau khi thu hồi đất càng gay gắt. Để tạo việc làm “ổn” cho nông dân, có nhiều vấn đề đang đặt ra cần được nghiên cứu để có giải pháp tích cực.

Theo số liệu thống kê của thành phố: Trong tổng số 6.512 lao động bị thu hồi đất, độ tuổi từ 18 đến 30 chỉ có 662 người, từ 31 tuổi đến trên 56 tuổi có 5.864 người. Với độ tuổi cao như vậy nên sức khỏe và khả năng học nghề đều hạn chế, lại nặng gánh gia đình, do đó việc đào tạo nghề dài hạn vô cùng khó khăn. Bởi vậy, hướng giải quyết việc làm qua đào tạo nghề chỉ phù hợp với một số đối tượng ít tuổi. Với đối tượng nhiều tuổi, khó tạo việc làm bền vững bằng con đường đào tạo nghề mà phải chuyển từ lao động nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ.

Sau khi thu hồi đất, nếu chỉ tạo việc làm trước mắt như làm nghề tự do, buôn bán lẻ thì hiệu quả sẽ không bền vững. Để tạo việc làm lâu dài bền vững cần có kế hoạch chuyển lao động nông nghiệp sang lao động dịch vụ kinh doanh đa ngành. Khuyến khích những gia đình nông dân có vốn mạnh dạn mở các cơ sở kinh doanh, hùn vốn thành lập doanh nghiệp tư nhân phù hợp với khả năng. Đối với lực lượng lao động trẻ, cần có kế hoạch đào tạo nghề dài hạn đáp ứng thị trường lao động trong tương lai để tạo việc làm lâu dài.

Về thực hiện chính sách, khi thu hồi đất không nên trả trực tiếp tiền đền bù đất và hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho từng hộ nông dân mà chuyển số tiền đó thành cổ phần xây dựng chợ hoặc HTX kinh doanh dịch vụ. Tất nhiên để làm theo cách này chính quyền phải đứng ra vận động nông dân, tự giác thực hiện và phải có sự thống nhất tập thể. Nơi nào có điều kiện xây dựng chợ cần công bố sớm chủ trương và quy hoạch để bà con nông dân có ý thức tích lũy vốn góp cổ phần.

Để giải quyết việc làm bền vững cho nông dân sau khi thu hồi đất thì đào tạo nghề là nhiệm vụ lâu dài. Nhưng hướng đào tạo nghề chủ yếu nên dành cho con em nông dân không thi đậu các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc không vào được các trường THPT. Cách đào tạo nghề tốt nhất cho đối tượng này là đưa vào các trường dạy nghề của tỉnh đào tạo dài hạn.

Giải quyết việc làm cho nông dân sau khi thu hồi đất còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp sử dụng số đất đã thu hồi. Bởi vậy, UBND tỉnh cần có cơ chế bắt buộc các doanh nghiệp được giao đất phải tiếp nhận, đào tạo và bố trí việc làm cho số lao động bị thu hồi đất theo tỷ lệ nhất định.


Trần Hồng Cơ