Đặc sắc bút tích 10 Vua triều Nguyễn trên Châu bản

20/08/2012 20:44

Sau thời gian dài "ngủ yên” trong kho lưu trữ, lần đầu tiên những bút phê của 10 Vua triều Nguyễn đã được công bố tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước qua triển lãm “Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn 1802-1945” tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội, với những giá trị đặc biệt được khẳng định.

Những giá trị đặc biệt


Châu bản là các văn bản hành chính của triều Nguyễn, do các cơ quan chính quyền triều Nguyễn từ Trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua nhà Vua “ngự lãm” hay “ngự phê” bằng mực màu son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội… dưới thời nhà Nguyễn.

Triển lãm giới thiệu Châu bản triều Nguyễn thu hút sự quan tâm của công chúng.
Ảnh: Châu Xuyên

Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, trải qua 143 năm triều Nguyễn, số lượng Châu bản sót lại còn khoảng 1/5, hiện Trung tâm đang bảo quản trên 700 tập Châu bản triều Nguyễn, với khoảng 400.000 trang tài liệu. Trên khối Châu bản còn lưu bút tích của các Vua triều Nguyễn. Việc ngự phê của các Vua triều Nguyễn là một trong những đặc điểm độc đáo của Châu bản. Ngoại trừ 3 vua: Dục Đức, Hiệp Hòa và Hàm Nghi vốn có thời gian trị vì rất ít trong lịch sử nên không có trong danh mục triển lãm, 10 vị vua triều Nguyễn còn lại đều có Châu bản được trưng bày và chia thành 10 khu vực tương ứng. Kèm theo đó là một số bức ảnh tư liệu về các nhân vật lịch sử này.

Trước khi có cuộc trưng bày các tư liệu Châu bản triều Nguyễn, dịp cuối năm 2011, Trung tâm đã tổ chức trưng bày “Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn”, giới thiệu những hình dấu, con dấu được đóng trên Châu bản. 128 phiên bản tài liệu của 10 vị vua từ hơn 700 tập Châu bản được lựa chọn trưng bày triển lãm lần này, in trên giấy dó, giới thiệu đến công chúng những hình thức ngự phê của các Vua triều Nguyễn, đây là một đặc điểm độc đáo của Châu bản. Ngự phê thường có các hình thức: Châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ và châu cải. 10 phần giới thiệu ngự phê của 10 vị Vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.



Ngự phê của Vua tự Đức (ngự trị 1847-1883) trên Châu bản trưng bày tại triển lãm.

Nổi bật trong đó là nội dung ngự phê của Vua Gia Long (thời gian ngự trị 1802-1820) trong Châu bản chú trọng đến việc học hành thi cử tuyển chọn nhân tài. Ông cho thành lập Quốc Tử Giám ở Phú Xuân để dạy con quan, tổ chức thi Hương, lấy đạo Nho làm quốc giáo làm nền tảng cho chế độ Trung ương tập quyền. Đất nước dần yên ổn, dân chúng được hưởng cảnh sống thanh bình. Vua Minh Mệnh (ngự trị 1820-1840) trên Châu bản ngự phê với nội dung tập trung chỉ đạo các chính sách khuyến nông nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, hy vọng đến cảnh dân an, nước thịnh. Lời ngự phê thể hiện những cải cách trên các lĩnh vực hành chính, giáo dục, tuyển chọn nhân tài, đề cao pháp trị, củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền. Nội dung ngự phê của Vua Thiệu Trị (ngự trị 1840-1847) tập trung sâu vào các lĩnh vực văn hóa, chính trị, quân đội, nông nghiệp và đê điều. Ngự phê của Vua Thành Thái (ngự trị 1889-1907) thể hiện việc đào tạo nhân tài có trình độ về văn minh phương Tây khi ông cho mở trường Quốc học (năm 1896) và ngự phê đồng ý cho đặt mua báo bằng tiếng nước ngoài, góp phần chứng minh tư tưởng tiến bộ của vị Vua này…

Hướng tới danh hiệu Di sản tư liệu thế giới

Sau kho tài liệu Mộc bản triều Nguyễn quý giá đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư lưu trữ nhà nước đang tiến hành các thủ tục cần thiết để có thể trình UNESCO công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới. Theo ông Hà Văn Huề, ở các nước vốn được khẳng định là có bề dày lịch sử, văn hóa như Nhật Bản, Hàn Quốc… không có Châu bản. Đời nhà Thanh (Trung Quốc) chỉ lác đác có một số bản, không xuyên suốt chiều dài qua 10 đời Vua như ở Việt Nam. Nên có thể khẳng định, Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam gần như độc nhất vô nhị trên thế giới.

Nhận thức sâu sắc giá trị và tầm quan trọng của sử liệu Châu bản triều Nguyễn, từ cuối năm 1991 sau khi được Trung tâm Lưu trữ quốc gia II ở TP Hồ Chí Minh chuyển giao ra Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã cho tu bổ và sử dụng những phương pháp bảo quản tối ưu, nhằm tăng tuổi thọ của tài liệu. Ngoài ra, Trung tâm đã tiến hành số hóa toàn bộ số Châu bản trên. Sau triển lãm với thời gian dài (từ 15-8 đến 30-12-2012), Trung tâm sẽ tiến hành in thành sách để giới thiệu đến độc giả, qua đó dễ dàng tiếp cận sâu và đa chiều hơn về quốc bảo Châu bản.

Năm 2010, trong quá trình nghiên cứu Châu bản triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã phát hiện những thông tin quan trọng liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Sau đó ông đã tặng lại Châu bản cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Tờ Châu bản thứ nhất đề năm Bảo Đại, ngày 3-2-1939 truy tặng Huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Liuis Pontan, Chánh cai đội thượng hạng nhất của đội lính khố xanh, trú đóng tại đảo Hoàng Sa qua đời do bệnh nặng trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa. Tờ Châu bản thứ hai có chữ ký và ngự phê của vua Bảo Đại, ghi lại sự kiện: Ngày 10-2-1939, Tòa khâm sứ Trung Kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung Kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn ở miền núi và lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa. Đến ngày 15-2-1939, Vua Bảo Đại đã phê "Chuẩn y”.


Theo QĐND - MD