Kỳ 1: Chuyện buồn không muốn kể

28/06/2012 18:57

(Baonghean) “Họ ăn của dân nhiều, nhiều lắm chú ạ! Người có công chết hàng năm trời rồi mà vẫn không thấy có chế độ chi. Nhà có người đi đây đi đó còn biết đường mà hỏi, chứ dân bầy tui nỏ biết chi, đến hỏi không có thì về chứ có dám kêu ca chi mô”.

Lời phàn nàn của bà Nguyễn Thị Bốn ở xóm 2 xã Cát Văn đã dẫn chúng tôi theo đường 46, rẽ qua bãi dâu, xuống bến đò Cung vượt qua sông Lam tới xã Cát Văn - một xã miền núi của huyện Thanh Chương-nơi người dân đang bức xúc về chuyện chi trả tiền chế độ chính sách.

Đây là một xã có bề dày truyền thống lịch sử, đã đóng góp một phần không nhỏ về người và của trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 và qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Cát Văn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cát Văn cũng là một trong những xã có số lượng người hưởng chế độ chính sách đãi ngộ cao nhất huyện Thanh Chương (hiện có trên 500 người đang hưởng chế độ với trên 500 triệu đồng chi trả hàng tháng). Có thể nói, đây là một sự tri ân, “uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với đất nước.

Điều đáng buồn là quá trình thực hiện việc chi trả chế độ chính sách cho những người có công ở xã Cát Văn đã xảy ra nhiều hiện tượng bất bình thường.



Bà Nguyễn Thị Bốn với lá đơn trình bày sự việc của gia đình.

Bên căn nhà chênh vênh ở mép sông Lam, bà Nguyễn Thị Bốn (xóm 2 xã Cát Văn) bức xúc: “Chồng tôi là Nguyễn Văn Toàn thương binh, mất ngày 23/5/2011, ngay sau đó gia đình đã lên xã báo tử, tưởng vài tháng sau sẽ được nhận tiền hỗ trợ mai táng phí để trang trải nợ nần, nhưng đợi mãi vẫn không thấy. Thấy lâu quá, đầu năm 2012, tôi lên xã hỏi thì cán bộ chính sách xã lúc thì bảo bận quá chưa làm xong thủ tục, lúc thì bảo về đi chưa có. Quá bức xúc, con tôi đã đi chất vấn khắp nơi và bảo sẽ viết đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng thì bất chợt ngày 2/6/2012, ông Trần Hữu Vinh-nguyên cán bộ chính sách xã mới đến đưa tiền (8.300.000 đồng) bảo tôi ký nhận. Tôi hỏi: “Tiền này thuộc khoản nào đây ông?”. Ông Vinh nói trống không: “Tiền chưa có đâu, đây là bà cần tiền, nể bà tôi dàn xếp xoay xở tạm cho thôi”. Tôi thấy có điều gì đó bất minh lắm chú ạ, sao chồng tôi chết lâu rồi mà họ vẫn không chịu giải quyết chế độ? Mới hôm trước họ còn bảo chưa có, hôm sau đã đến bảo tôi ký nhận tiền?! Đó là con tôi có hiểu biết nên hỏi chứ ở đây nhiều nhà đợi hai, ba năm mà vẫn chưa có chú ạ”.

Men theo lối mòn đầy cỏ tranh, chúng tôi tìm đến nhà gia đình Liệt sỹ Hoàng Đình Đức ở xóm 6B xã Cát Văn. Trên đường đi, “người dẫn đường” nhắc tôi: “Anh đừng giới thiệu là nhà báo, họ sợ không dám trả lời đâu”. Tôi hỏi: Sao lại thế? “Người dẫn đường” bảo: “Trước đây có người đến nói với các gia đình này là ai hỏi chuyện chế độ chính sách thì đừng nói chi cả, nói ra họ bắt đi xuống dưới tỉnh làm chứng thì rắc rối to đấy, nên bây giờ những gia đình này ngại tiếp xúc với người lạ”.

Tới nơi, cảnh nhà quạnh quẽ, cỏ mọc kín lối vào. Gọi mãi chúng tôi mới thấy một người phụ nữ gầy gò, chậm chạp bước ra mở cổng. Đó là chị Hoàng Thị Mậu, em ruột của Liệt sỹ Hoàng Đình Đức, chị Mậu trông quá già so với cái tuổi 45, chị giờ là hộ nghèo của xã Cát Văn. Nhìn vào chiếc bàn thờ rất đơn sơ đặt ở góc nhà lẫn đầy ngô khoai ngổn ngang, chị Mậu cho biết, mẹ chị là bà Hoàng Thị Tâm mất từ tháng Giêng năm 2011. Nhà giờ chỉ còn chị và một người chị gái cũng ở trong xóm này, cả hai chị em đều “mẹ goá con côi”, làm nghề nông nên hoàn cảnh rất khó khăn. Từ khi mẹ chị mất, nghe nói là mẹ liệt sỹ nên sẽ được nhận tiền hỗ trợ mai táng phí, nhưng chờ mãi mà không hề nhận được một khoản tiền nào. Mãi đến Tết Nhâm Thìn vừa qua, quá túng quẫn, hai chị em lên xã kêu mãi thì cán bộ chính sách xã mới cho “tạm ứng” 5 triệu đồng.

Hai chị em cầm tiền về trang trải nợ nần chứ không biết mình có còn được nhận khoản gì nữa không (?!) Chị Mận còn cho biết: Năm 2008, 2 mẹ con chị sống trong ngôi nhà dột nát, mẹ có làm đơn gửi xã và huyện đề nghị xây nhà tình nghĩa để mẹ con chị có chỗ “tránh mưa tránh nắng”. Cán bộ xã, bảo cứ về làm nhà đi rồi sẽ có tiền hỗ trợ. Nghe lời hứa đó, chị và mẹ đã vay mượn tiền để cất ngôi nhà cấp 4, nhưng mãi đến khi mẹ mất cũng chỉ nhận được vẻn vẹn 4 triệu đồng hỗ trợ xây nhà. Chị bảo, có lên Phòng LĐTBXH huyện hỏi mấy lần rồi nhưng được trả lời không tìm thấy hồ sơ hỗ trợ xây nhà tình nghĩa của gia đình chị! Vừa nói, chị Mận vừa lau vội những giọt nước mắt tủi thân rồi bước đến bên chiếc bàn thờ ở góc nhà thắp hương cho mẹ.

Còn rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm nữa như: ông Nguyễn Bá Duyệt ở xóm 2 (nạn nhân chất độc da cam), bà Nguyễn Thị Đệ ở xóm 11 (con là Liệt sỹ Giản Tư Xuân) đều chết từ đầu năm 2011, đến nay gia đình vẫn chưa nhận được tiền mai táng phí… Rồi nhiều người được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước nữa ở Cát Văn đã chết cách đây mấy năm rồi nhưng mãi mà người thân của họ vẫn phàn nàn là không hề nhận được một khoản tiền trợ cấp nào, và không hiểu sao lại chậm trễ như thế (?!) Khi chúng tôi hỏi chuyện thì nhiều người vẫn e ngại: Nói để anh biết vậy, đừng nêu tên ra rồi họ làm khổ chúng tôi!

Tuy nhiên, ở Cát Văn không phải ai cũng như vậy mà vẫn có những trường hợp người dân phản ánh và một số người vô tình buột miệng “khoe” rằng người thân của mình chết rồi nhưng nhờ có “quen biết” nên vẫn được cho “sống” để được hưởng chế độ trợ cấp! Chính vì thế nên có chuyện cách đây vài tuần, một vị đại tá về hưu ở xã Cát Văn đã bức xúc lập ra một bản danh sách dài những trường hợp chi trả chế độ thiếu minh bạch đưa lên xã, cán bộ xã phải “lạy như tế sao” và xin ông đừng làm to chuyện.

(Còn nữa)


Nhóm P.V