Vệ tinh nhỏ "made in Việt Nam" vào vũ trụ

07/07/2012 06:52

Ngày 21/7 tới, vệ tinh F-1 do Phòng nghiên cứu không gian - FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, Đại học FPT chế tạo...

Ngày 21/7 tới, vệ tinh F-1 do Phòng nghiên cứu không gian - FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, Đại học FPT chế tạo sẽ được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản. Dự kiến sau F-1, nhóm nghiên cứu sẽ cho ra đời vệ tinh F-2 với nhiều công nghệ hiện đại hơn F-1.


Từ cầu Thăng Long... lên vũ trụ


Ông Vũ Trọng Thư, đại diện FSpace cho biết, trên thế giới, việc chế tạo vệ tinh không mới vì thế khi chế tạo vệ tinh này, nhóm nghiên cứu chưa tính đến việc làm cho F-1 khác biệt với các vệ tinh của nước ngoài, mà quan trọng hơn là làm sao để cho F-1 sống được trong vũ trụ.


Trong quá trình làm đã có rất nhiều khó khăn đặc biệt là những thiết bị để thử nghiệm. Ví dụ như máy đo tần số, máy thử nghiệm rung động... Đây là những chiếc máy đắt tiền và ở Việt Nam không có đầy đủ. Đó là lý do F-1 phải đi rất nhiều nơi từ trong nước tới nước ngoài mới có thể hoàn thiện.


Mốc đầu tiên là ngày 18/6/2009 khi lần đầu tiên nhóm FSpace mang F-1 từ phòng thí nghiệm ra ngoài trời để thử nghiệm liên lạc khoảng cách xa. Nhóm mang F-1 ra cầu Thăng Long (khoảng cách 7km), sân bay Nội Bài (20km) và lên đỉnh núi Tam Đảo (50km). F-1 đã phát tín hiệu, liên lạc thành công với hệ thống trung tâm. FSpace đã ra lệnh được từ xa cho F-1 chụp ảnh, đo đạc các thông số.


Mốc thứ 2 là khi F-1 lần đầu tiên "xuất ngoại" sang Nhật Bản vào ngày 14/3/2011 để thử nghiệm rung động (vibration test). Mốc thứ 3 là tháng 11/2011, khi F-1 được chuyển sang Mỹ cho công ty đối tác là NanoRacks ở Houston, Texas chuẩn bị kỳ đánh giá an toàn bay. Mốc cuối cùng là tháng 6/2012, F-1 được chuyển sang Trung tâm Vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản để sẵn sàng phóng.


Nhóm chế tạo vệ tinh cho hay, hiện nay các công đoạn đã được hoàn thiện. Thực tế, một hệ thống không gian không chỉ có vệ tinh mà còn có trạm điều khiển dưới mặt đất. Trong giai đoạn này, FSpace tập trung đảm bảo cho trạm mặt đất sẵn sàng để thu tín hiệu cũng như gửi lệnh điều khiển lên vệ tinh. Hiện, FSpace đã thành công trong việc phát tín hiệu điều khiển vệ tinh.


Ngoài ra, FSpace đang chuẩn bị vận hành vệ tinh sau khi phóng. Đầu tiên là phải kiểm tra tình trạng pin. Trước lúc gửi F-1 sang Nhật, nhóm đã sạc đầy pin, nhưng cũng có rủi ro vì nhóm không thể theo sát vệ tinh cho đến lúc được đặt lên tên lửa nên rất khó đoán biết có chuyện gì xảy ra.


Thêm nữa là kiểm tra đồng hồ điện tử trên vệ tinh, trước khi chuyển vệ tinh, FSpace đã chỉnh giờ theo hệ giờ quốc tế. Khi gửi lệnh lên, sẽ có một số lệnh là lệnh "delay" (hẹn giờ), nghĩa là sẽ ra lệnh đến ngày này, giờ này mới thực hiện. Có một số lệnh thực hiện luôn nhưng có một số lệnh phải chờ đúng thời điểm mới thực hiện. Ví dụ, muốn ra lệnh F-1 chụp ảnh ở địa điểm mong muốn, bản thân vệ tinh không biết được vị trí của nó, do đó chúng ta sẽ tính toán thời điểm F-1 bay qua nơi mình cần chụp.



Thực hiện trong 4 năm, tổng chi phí cho vệ tinh F-1 gồm nghiên cứu, chế tạo vệ tinh, nghiên cứu chế tạo trạm mặt đất, thuê phóng... khoảng 4 tỷ đồng.


Sau F-1 sẽ tới F-2


Ông Vũ Trọng Thư cho biết, trên thế giới hiện nay đang hình thành một xu hướng mới dần thay thế các vệ tinh cỡ lớn (nặng hàng trăm kg hoặc hàng tấn) bằng các vệ tinh nhỏ để giảm chi phí chế tạo cũng như chi phí phóng. Ngoài ra, thời gian chế tạo các vệ tinh nhỏ này cũng được rút ngắn đáng kể chỉ còn 2, 3 năm.


Trong kế hoạch sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu vệ tinh. Hiện tại nhóm đã có những ý tưởng cho vệ tinh F-2 và đã viết bản đề xuất. Điểm khác biệt đầu tiên của F-2 là sẽ to hơn F-1, kích thước dự kiến là 10x10x20cm và nặng 2kg, tức là bằng 2 lần F-1.


Dự kiến, một công nghệ mà F-2 sẽ thử nghiệm đó là công nghệ xác định và điều khiển tư thế vệ tinh ADCS, bởi vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo sẽ bị tác động bởi rất nhiều lực nhiễu động trong không gian làm cho vệ tinh sẽ quay trong quá trình bay. Vì vậy, cần một hệ thống xác định và điều khiển tư thế vệ tinh để xoay vệ tinh về một tư thế cần thiết để phục vụ một mục đích nào đó như chụp ảnh một vùng nào đó trên Trái Đất hay theo dõi các vật thể trên mặt đất...

Thời gian vệ tinh trên quỹ đạo phụ thuộc vào độ cao của tên lửa phóng lên (do nhiều yếu tố trên quỹ đạo, vệ tinh sẽ bị giảm dần độ cao, đến khi rơi xuống khoảng 90km thì ma sát mạnh với bầu khí quyển và bốc cháy). Nhiệm vụ của F-1 là sống và phát tín hiệu về Trái Đất. Tiếp theo là F-1 thu thập những dữ liệu về "sức khoẻ" của vệ tinh trong quỹ đạo: Điện áp của pin; chụp ảnh Trái Đất, thử nghiệm cảm biến từ trường; thử nghiệm tính nâng cao cấp của vệ tinh...


Theo Kienthuc-M