Người Việt béo phì vì thích ăn thịt, ngại món cá

21/09/2012 18:09

"Xu hướng ngày càng thích ăn thịt, khẩu phần thịt trong bữa ăn tăng vọt trong khi lượng cá ăn vào tăng rất ít là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì, thừa cân của người Việt hiện nay", các chuyên gia Viện Dinh dưỡng cảnh báo.

Ngày càng nhiều người béo phì

Tại hội thảo Xây dựng các Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý giai đoạn 2011 - 2020, Tiến sỹ Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ngoài việc đối mặt với tình trạng SDD trẻ em thì hiện nay, vấn đề thừa cân, béo phì ở lứa tuổi này cũng khiến các nhà dinh dưỡng đau đầu.

Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi quá mức 5% (trong đó béo phì là 2,8%) - mức đặt ra khống chế trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010. Ở các vùng thành thị, tỉ lệ này còn cao hơn, với mức trung bình là 6,5%.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM cho biết, trước kia chủ yếu chỉ người trưởng thành trên 40 tuổi bị thừa cân thì nay trẻ bị nhiều hơn, tăng nhanh hơn trước (tăng 85% so với 1 thập kỷ trước). Hiện khoảng 1/4 trẻ tiểu học tại TPHCM đang bị thừa cân béo phì.

Bà Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết, ước tính hiện cả nước có khoảng 460.000 trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ này gia tăng rất nhanh, đặc biệt ở TPHCM và Hà Nội. Không chỉ trẻ thành phố và cả trẻ nông thôn cũng bị thừa cân. Hậu quả là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như tiểu đường, cao huyết áp, một số bệnh ung thư...

Không chỉ ở trẻ em, mà nhóm từ 5-60 tuổi, tình trạng béo phì cũng rất cao. Cụ thể, năm 2010, thừa cân ở nam giới lứa tuổi 54-59 chiếm tới 7,8%, còn nữ là 10,7%.

Nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng có tới 8,2% người có tình trạng thừa cân, béo phì. Trong 10 năm, từ năm 2000 - 2010, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng chỉ giảm rất chậm (6,5%) thì tỷ lệ thai phụ quá khổ lại tăng hơn gấp đôi (lên 6,4%).

Ăn nhiều thịt - “vết xe đổ” của các nước phương Tây

Xu hướng bữa ăn truyền thống người Việt ngày càng thay đổi. Trước chúng ta ăn gạo, ăn rau là chính thì hiện nay tiêu thụ các loại thịt, cá tăng lên. Đây là một dấu hiệu tốt vì cơ cấu bữa ăn như vậy cung cấp được các loại protein cần thiết, chất khoáng trong các loại thịt cá cho cơ thể. Tuy nhiên, tại một số vùng, nhất là các vùng thành phố, mức tiêu thụ thịt tăng quá mức, đặc biệt là xu hướng xuất hiện loại thức ăn nhanh, xu hướng ăn nhiều thực phẩm chất béo.

Xu hướng ăn nhiều thịt, nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo... là một phần nguyên nhân gây béo phì cho nhiều người Việt.

Theo TS Lê Doanh Tuyên, lượng thịt người Việt dùng ngày càng có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, lượng cá tăng lên không nhiều trong khẩu phần ăn. Cụ thể, giai đoạn 1091 - 1985, lượng thịt tiêu thụ một ngày là 11,1g, năm 2000 đã tăng gần 5 lần và đến năm 2010 là tăng gần 8 lần. Trong khi đó, lượng cá mỗi ngưởi tiêu thụ trong giai đoạn 1981 - 1985 là 35 gram/ngày lại chỉ tăng rất chậm (45,5g/người/ngày năm 2000 và đến 2010 tăng chưa được gấp đôi).

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, 10 năm qua, khẩu phần ăn của các gia đình Việt Nam có biến đổi đáng kể. Đến nay, gạo chỉ chiếm 66,4% khẩu phần ăn, giảm gần 20%; thay vào đó thịt, sữa, trứng chiếm gần 25% khẩu phần ăn, tăng gần 17% so với 10 năm trước. Trong đó, trung bình mỗi người Việt Nam ăn hơn 30 kg thịt một năm, thấp hơn 16kg so với mức trung bình của thế giới, nhưng do chế độ dinh dưỡng có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo; đặc biệt chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý nên tỷ lệ người béo phì có chiều hướng tăng.

So với thế giới, mức tiêu thụ thịt của Việt Nam còn thấp, trung bình hơn 30kg/năm, trong khi ở Trung Quốc là 54,2kg, Mỹ là 84kg, Australia là 109,9kg. Những nước có mức tiêu thụ thịt cao này đều có tỉ lệ dân số béo phì đến mức báo động. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc có mức tiêu thụ thịt rất thấp, họ ăn nhiều cá. Như tại Nhật, trung bình mỗi năm một người chỉ tiêu thụ khoảng 26,9kg thịt.

“Hiện chúng ta đang ở ngưỡng bước vào giai đoạn tăng nhanh tỉ lệ người thừa cân, béo phì. Những nhà khoa học thế giới ở các nước có tình trạng béo phì nhiều khi làm việc với Việt Nam đều cảnh báo cần tránh "vết xe đổ" này. Chúng ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp về kinh tế, bữa ăn thay đổi. Các nước này cũng đã từng như vậy. Và việc thiếu kiểm soát đã dẫn đến tỉ lệ béo phì tăng vọt, không thể khắc phục được như Mỹ, Trung Quốc…", TS Tuyên nói.

Ông Tuyên khẳng định không nói toàn bộ người dân Việt ăn nhiều thịt vì có nhiều vùng còn thiếu nhưng quả thực mà một bộ phận dân chúng thành phố tiêu thịt cao hơn. Để chặn trước nguy cơ, theo ông Tuyên, tấm gương thành công trong việc khống chế số lượng thịt trong bữa ăn của người Nhật Bản, Hàn Quốc… đặc biệt giá trị. Khống chế mức thịt vừa phải sẽ giúp giảm béo phì, từ đó phòng chống được một loạt bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao, tim mạch...

Dinh dưỡng hợp lý cho từng giai đoạn

TS Hoàng Kim Thanh,Viện Dinh dưỡng cho biết, kết quả đánh giá việc tuyên truyền và áp dụng 10 lời khuyên dinh dưỡng giai đoạn 2006 - 2010 tại 3 tỉnh (Hà Nội, Cao Bằng và Kiên Giang) của Viện Dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ người dân áp dụng 10 lời khuyên này tại gia đình chiếm từ 20,1 - 74,2%. Tỷ lệ này cũng không đồng đều giữa các vùng đánh giá. Một số người dân tuy đã có kiến thức về 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý nhưng chưa áp dụng được vì nhiều lý do như tập quán ăn uống của gia đình và địa phương, điều kiện về kinh tế và thời gian để đầu tư cho bữa ăn...

Trong việc chăm sóc trẻ, hiểu biết và thực hành ăn dặm của nhiều người chăm sóc trẻ còn kém. Trẻ tròn 6 tháng mới được khuyên cho ăn dặm nhưng thực tế nhiều trẻ 3 - 4 tháng đã cho ăn thức ăn cứng. Hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, ăn đồ cứng sớm sẽ khiến đường tiêu hóa bị trục trặc, dễ suy dinh dưỡng, béo phì...


Theo Dantri - MD