Nâng cao chất lượng giám sát của HĐND các cấp

17/08/2012 16:51

Giám sát là 1 trong 2 chức năng quan trọng của HĐND các cấp. Thông qua hoạt động này để kiểm chứng lại tính đúng đắn, phù hợp của các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước các cấp đã ban hành nói chung và các vấn đề đã được HĐND quyết nghị tại các kỳ họp. Mặt khác, hoạt động giám sát nếu được thực hiện có chất lượng, hiệu quả, sẽ có tác dụng nâng cao vai trò, vị thế của HĐND trong đời sống chính trị - xã hội, thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương.

(Baonghean) Giám sát là 1 trong 2 chức năng quan trọng của HĐND các cấp. Thông qua hoạt động này để kiểm chứng lại tính đúng đắn, phù hợp của các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước các cấp đã ban hành nói chung và các vấn đề đã được HĐND quyết nghị tại các kỳ họp. Mặt khác, hoạt động giám sát nếu được thực hiện có chất lượng, hiệu quả, sẽ có tác dụng nâng cao vai trò, vị thế của HĐND trong đời sống chính trị - xã hội, thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương.

Song thực tế, hoạt động giám sát của HĐND còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Đó là việc tổ chức các cuộc khảo sát, giám sát do Thường trực, các Ban, Tổ và đại biểu HĐND tham gia còn hạn chế, chủ yếu mới giám sát tại kỳ họp; nội dung còn dàn trải, hình thức, đơn điệu. Một số kết luận sau giám sát chưa cụ thể, thiếu rõ ràng, chưa sử dụng các chế tài được pháp luật quy định để xử lý giải quyết. Nguyên nhân của những hạn chế này trước hết do nhận thức chưa đúng, chưa đủ về chức năng giám sát, khảo sát; về vai trò, vị trí của Thường trực HĐND, các ban và từng cá nhân đại biểu HĐND trong hoạt động của mình. Tiếp đến là những hạn chế về năng lực, trình độ và sự thiếu bản lĩnh, trách nhiệm của một số đại biểu và thành viên của các Ban HĐND.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, trong những năm qua, đặc biệt là ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011 – 2016, Thường trực HĐND Thành phố Vinh tập trung mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND thành phố và các phường, xã về cách lựa chọn những vấn đề để giám sát. Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về chương trình giám sát, trong đó tập trung vào các vấn đề được cử tri và đại biểu HĐND quan tâm.

Cụ thể đó là giám sát chất lượng khối, xóm, gia đình văn hóa theo Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT, ngày 23/6/2006 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) ban hành quy chế công nhận gia đình văn hóa, khối xóm văn hóa; giám sát việc thực hiện quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; giám sát công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri đối với UBND thành phố; việc thu chi các loại quỹ, phí và huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; việc tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; quy chế dân chủ cơ sở…

Sau khi thống nhất chương trình, kế hoạch giám sát, Thường trực, các Ban, các đại biểu HĐND tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, lập kế hoạch, đề cương chi tiết từng cuộc giám sát. Lưu ý đoàn giám sát phải có đủ số lượng, thành phần cơ cấu, đặc biệt là trưởng, phó đoàn và thư ký, các thành viên phải có năng lực chuyên môn, bản lĩnh công tác, nếu cần thiết phải mời các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm. Kết luận của các đoàn giám sát được gửi đến các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan đài, báo để công khai rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, thường xuyên rà soát, theo dõi các cơ quan chức năng thực hiện kết luận của các đoàn giám sát.

(Ý kiến của ông Nguyễn Đình Cát – Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Vinh)


Minh Chi (ghi)