Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

27/07/2012 20:20

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh, khóa XVI, diễn ra những ngày giữa tháng 7 vừa qua, thông qua các đại biểu HĐND tỉnh, nhiều cử tri ở các địa phương đã bày tỏ những băn khoăn về tình trạng có quá nhiều công trình thi công đang bị ngừng trệ, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, trong đó có các công trình giao thông.

(Baonghean) Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh, khóa XVI, diễn ra những ngày giữa tháng 7 vừa qua, thông qua các đại biểu HĐND tỉnh, nhiều cử tri ở các địa phương đã bày tỏ những băn khoăn về tình trạng có quá nhiều công trình thi công đang bị ngừng trệ, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, trong đó có các công trình giao thông.

Vấn đề được nhiều cử tri đề cập là 2 tuyến giao thông: Đại lộ Vinh – Cửa Lò và đường Châu Thôn – Tân Xuân. Bà Lê Thị Hương, ở xã Nghi Đức (Thành phố Vinh), phản ánh: “Dự án xây dựng Đại lộ Vinh – Cửa Lò đã “rục rịch” nhiều năm rồi, nhưng đến thời điểm này cử tri chúng tôi không biết dự án này có được triển khai tiếp không? Nhiều gia đình muốn sửa sang hay làm nhà mới cũng không dám làm mà chỉ… “án binh bất động”. Còn các cử tri ở các địa phương Quỳ Hợp, Tân Kỳ phản ánh tiến độ triển khai tuyến đường giao thông Châu Thôn – Tân Xuân quá chậm, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân nằm trên tuyến đường này và người tham gia giao thông. Nhiều cử tri kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ triển khai công trình này, đảm bảo giao thông thông suốt dọc tuyến.

Ông Hoàng Phú Hiền – Giám đốc Ban Quản lý Dự án công trình giao thông Nghệ An chia sẻ những khó khăn cũng như những băn khoăn của nhiều người dân. Ông Hiền cũng cho biết: Liên tiếp trong mấy năm qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong nước và của tỉnh dẫn đến nhiều công trình đầu tư công bị cắt giảm hoặc đình hoãn, hoặc không có vốn để thực hiện. Dự án đường Châu Thôn – Tân Xuân có chiều dài 89 km, nối từ xã Châu Thôn (Quế Phong) đến xã Tân Xuân (Tân Kỳ) đi qua huyện Quỳ Hợp; với tổng đầu tư 737 tỷ đồng. Đến thời điểm này từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Trung ương đã bố trí được 443 tỷ đồng và cơ bản hoàn thành xong giai đoạn I, đoạn từ Châu Thôn (Quế Phong) đến Thị trấn Quỳ Hợp với chiều dài 39 km.

Giai đoạn II, triển khai đoạn từ xã Châu Thành (Quỳ Hợp) đến xã Tân Xuân (Tân Kỳ), nhưng trong năm 2012 này Trung ương chỉ bố trí được 30 tỷ đồng; 194 tỷ đồng còn lại thì 90 tỷ đồng sẽ được bố trí trong giai đoạn 2013 – 2015 và hơn 100 tỷ đồng cho bố trí sau năm 2015 (đó là chưa tính khoảng hơn 100 tỷ đồng nữa để bù giá) Do nguồn vốn để thực hiện dự án này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn Trung ương nên hiện tại, ngành Giao thông Vận tải Nghệ An đang kiến nghị giãn và đình hoãn tiến độ; đồng thời có kế hoạch đảm bảo giao thông an toàn cho người dân. Do đó, việc đẩy nhanh thi công, hoàn thành đúng tiến độ là không thể thực hiện được.

Đối với Dự án Đại lộ Vinh – Cửa Lò có tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, trong đó tổng kinh phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng là hơn 1.200 tỷ đồng. Trong bối cảnh thắt chặt đầu tư công của Chính phủ, trong thời gian qua, tỉnh đã cân đối ngân sách bố trí cho dự án này 141 tỷ đồng (trong 2 năm 2010, 2011) để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, cộng thêm Trung ương hỗ trợ 15 tỷ đồng trong năm 2012.

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVI được tổ chức vào tháng 4/2012 vừa qua, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua phương án sử dụng vay vốn nhàn rỗi từ Kho bạc Nhà nước Nghệ An để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và được Bộ Tài chính chấp thuận, với tổng số tiền vay hơn 400 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng và tập trung chỉ đạo thực hiện để khi có nguồn vốn là có thể triển khai ngay.

Đến thời điểm này, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các địa phương Nghi Lộc, TX. Cửa Lò, Thành phố Vinh kiểm kê tài sản, đất đai đền bù ở 7,9 km/10,8 km toàn tuyến; áp giá cụ thể được 6,6 km/10,8 km toàn tuyến và đã ra quyết định phương án đền bù giải phóng mặt bằng ở 5,9 km/10,8 km. Đồng thời tổ chức đấu thầu 1 gói thầu để thi công vào trung tuần tháng 9 này, với độ dài 3,1 km, giao nhau với đường Bình Minh (Thị xã Cửa Lò).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một đồng kinh phí nào để thực hiện phần xây lắp, mà mới chỉ dựa vào sự cam kết của đơn vị thi công là ứng vốn để làm. Mặc dù vậy, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, đơn vị thi công cũng chỉ đảm bảo được 10 – 15% nguồn vốn. Vấn đề này đang đặt ra cho tỉnh là tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư; bám sát các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các nguồn hỗ trợ; cố gắng cân đối ngân sách hàng năm để bố trí cho dự án; đồng thời vận động các nhà đầu tư chuyển đổi hình thức BT hoặc BOT…

Có thể nói, các cấp, các ngành và người dân đều đang rất mong muốn công trình đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh và đảm bảo chất lượng. Để đạt được mục tiêu đó, về phía Nhà nước đang cố gắng thu hút các nguồn vốn và thực hiện có chất lượng; về phía người dân cũng cần thấy những khó khăn để chia sẻ và đồng thuận, ủng hộ, nhất là khi có nguồn vốn cần tích cực giải phóng mặt bằng để các công trình giao thông được đẩy nhanh hơn nữa.


Mai Hoa