Cần quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thông tin và thể thao

14/08/2012 15:25

Với đặc điểm của huyện miền núi vùng cao khó khăn nhất tỉnh nên việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thiết chế - Văn hóa - Thông tin - Thể thao đồng bộ” ở Kỳ Sơn còn nhiều hạn chế, cần sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư thường xuyên, có hiệu quả của các cấp chính quyền và ban, ngành liên quan.

(Baonghean) Với đặc điểm của huyện miền núi vùng cao khó khăn nhất tỉnh nên việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thiết chế - Văn hóa - Thông tin - Thể thao đồng bộ” ở Kỳ Sơn còn nhiều hạn chế, cần sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư thường xuyên, có hiệu quả của các cấp chính quyền và ban, ngành liên quan.

Hiện nay, Kỳ Sơn có 19/21 xã/thị trấn có nhà văn hóa kiêm hội trường. Trong số đó chỉ mới 7 xã có nhà văn hóa đạt chuẩn quốc gia (gồm Na Ngoi, Na Loi, Mỹ Lý, Chiêu Lưu, Hữu Lập, Mường Ải), còn lại 14 xã/thị (chiếm 66,6%), chưa có nhà văn hóa hoặc đã có nhưng chưa đạt đầy đủ các tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Điều đáng nói là ngay Thị trấn Mường Xén, trung tâm của huyện nhưng vẫn chưa có nhà văn hóa. Ở cấp thôn bản, hiện tại toàn huyện mới có 68/189 bản (chiếm 36%) có nhà văn hóa, trong đó 2 nhà văn hóa đạt tiêu chí của Bộ, còn lại đạt tiêu chí của tỉnh. Số xã có sân bóng đá hiện cũng chỉ mới ở mức 3/21 (chiếm 14,2%), còn 2 xã chưa có sân bóng chuyền. Số làng bản chưa có sân thể thao vẫn đang ở mức 46/189 (chiếm 24,3%).



Bà con bản Hạt Tà Vén, xã Keng Đu (Kỳ Sơn) đón nhận danh hiệu Làng văn hóa.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã chưa đáp ứng ảnh hưởng đến công tác tham mưu và thực hiện quá trình đưa thông tin về cơ sở.

Những con số nêu trên chứng tỏ rằng kết quả triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thiết chế - Văn hóa - Thông tin - Thể thao đồng bộ” ở Kỳ Sơn vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Moong Thái Nhi - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho rằng, bên cạnh khó khăn trong công tác quy hoạch đất thì nguồn ngân sách đầu tư cho xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở còn hạn chế. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực phục vụ công tác xã hội hóa để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao có thể nói gần như không thể. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức của chính quyền cơ sở. Do đó, một số nhà văn hóa, sân vận động vừa làm xong đã bị hư hỏng, xuống cấp như sân vận động các xã Huồi Tụ, Mường Lống. Đa số các công trình không phát huy tốt hiệu quả vì thiếu đồng bộ, xây dựng nhà văn hóa nhưng thiếu bàn ghế, loa máy, sân thể thao và khuôn viên... Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án từ cấp huyện đến cơ sở chưa đồng bộ, việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo mới dừng lại ở văn bản của tỉnh và Trung ương.

Cũng theo ông Moong Thái Nhi, để thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng thiết chế - Văn hóa - Thông tin - Thể thao đồng bộ” ở Kỳ Sơn cần coi trọng công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của đề án. Nguồn vốn để xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cần được quan tâm gắn với các dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điều không thể thiếu là sự chú trọng trong tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án ở huyện và cấp cơ sở.


Tường Anh