Bàn thêm về "khung" nào cho đám cưới?

18/10/2012 18:16

Phong tục tập quán Việt Nam đặc biệt coi trọng lễ nghĩa, hễ làm gì cũng phải biết trước sau, trên dưới, có đầu có đuôi. Ngày nay, xã hội có không ít đổi mới và giao thoa với nhiều nền văn hoá thế giới, nhưng vết tích của những lề thói cũ vẫn còn lưu lại ít nhiều, đặc biệt là sự cầu kì, tỉ mỉ, lễ nghi trong cưới hỏi, ma chay. Giữ gìn, phát huy truyền thống là một nét đẹp văn hoá, nhưng làm biến chất, bóp méo truyền thống lại là một thảm hoạ. Nhất là khi sự thoái hoá đó không chỉ xuất hiện ở một, hai cá nhân...

(Baonghean) - Phong tục tập quán Việt Nam đặc biệt coi trọng lễ nghĩa, hễ làm gì cũng phải biết trước sau, trên dưới, có đầu có đuôi. Ngày nay, xã hội có không ít đổi mới và giao thoa với nhiều nền văn hoá thế giới, nhưng vết tích của những lề thói cũ vẫn còn lưu lại ít nhiều, đặc biệt là sự cầu kì, tỉ mỉ, lễ nghi trong cưới hỏi, ma chay. Giữ gìn, phát huy truyền thống là một nét đẹp văn hoá, nhưng làm biến chất, bóp méo truyền thống lại là một thảm hoạ. Nhất là khi sự thoái hoá đó không chỉ xuất hiện ở một, hai cá nhân...

Nếu như ở nước ngoài, đám cưới hay đám ma ít khi được tổ chức rùm beng, ồn ào, phần vì tránh tốn kém không cần thiết, phần vì để giới hạn những người tham gia đều là bạn bè, họ hàng thân thuộc thì ở Việt Nam, dân mình quan niệm cưới xin, ma chay là dịp để phô trương thanh thế với thiên hạ gần xa. Chẳng thế mà mỗi dịp đám cưới con ông này, bà nọ, dân tình lại ùn ùn kéo nhau đi xem siêu xe, siêu sao đến dự đám cưới, chứ mấy ai quan tâm cô dâu chú rể mặt mũi ra sao, tên tuổi, gốc gác như thế nào. Tương tự như trên, có tình huống oái oăm xảy ra khi một anh nọ đi dự đám ma phụ mẫu của ông to bà lớn nào đó, lúc ra về còn hỏi "Xin lỗi, cụ ông hay cụ bà nhà mình mất thế ạ?".

Nói thế để biết, các đám ma chay, cưới xin ở ta người ra vào đông như trẩy hội, nhưng phần lớn người đến dự thực ra chẳng có quan hệ gì với người tổ chức, hay ít ra là quan hệ xã giao, đến vì phép lịch sự, vì "nợ miệng" hay thậm chí nhân cơ hội hợp lí hoá việc quà cáp, biếu xén mà thôi. Chính sự ham hố hư danh hão huyền và tâm lí "thà mời thừa còn hơn bỏ sót" của người tổ chức đã tiếp tay cho sự suy thoái của văn hoá cưới xin, giỗ chạp, đẩy người được mời vào thế bị động, đi cũng khổ, đến cũng chẳng xong. Song song với cuộc chạy đua thanh thế của gia chủ, người đến dự cũng tranh đua quyết liệt xem phong bì ai to, phong bì ai nhỏ, quà ai đắt tiền hơn ai chứ tấm lòng họ gửi gắm trong đó không biết có to hơn được cái đầu móng tay hay không?


Đám cưới, đám ma là những dịp trọng đại, đánh dấu những sự kiện quan trọng của đời người. Việc chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người thân thuộc là điều cần thiết, nhưng có phải bạ ai ta cũng đem chuyện nhà, chuyện cửa ra mà diễn thành tấn kịch cho người ta cưỡi ngựa xem hoa như thế không? Không biết người tổ chức những đám cưới, đám ma dăm bảy trăm người tham dự, biết mặt đặt tên được cho bao nhiêu người trong số khách mời? Và đến cuối ngày, họ có thấy được chia vui, được thông cảm hơn chút nào không, khi mà khách mời chỉ chăm chăm đút được phong bì vào tay gia chủ, sau đó khách ăn đường khách, khách đến khách đi khi nào tuỳ ý, mặc kệ gia chủ vui buồn ra sao? Từ một nét đẹp văn hoá với mục đích thể hiện sự tôn trọng, quan tâm lẫn nhau trong cộng đồng, cưới xin, ma chay ngày nay trở thành gánh nặng cho cả chủ nhà lẫn khách mời, khiến đôi bên mệt mỏi mà sự tôn trọng và tình cảm dành cho nhau thì chẳng thấy đâu.


Không chỉ người trong cuộc mà cả người ngoài cuộc cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự bất hợp lí trong quy mô, quy trình tổ chức đám cưới đám ma. Những ngày cao điểm, trên địa bàn thành phố, thậm chí là trong một phường, một xóm, có đến hai, ba đám cưới, đám ma, người đến dự đông nườm nượp gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến người dân, nhất là những người sống trên địa bàn lân cận. Người ra kẻ vào đông đúc, trong đó có cả những vị khách không mời mà đến, những phường trộm cắp, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh khối phố, khiến mọi người vui đâu chưa thấy đã phải méo mặt kêu trời. Việc hát hò, chúc tụng, nhậu nhẹt thái quá, gây phiền phức cho nề nếp sinh hoạt của bà con láng giềng cũng là một điểm trừ xấu xí của đám cưới, đám ma ở ta. Những hiện tượng trên đều xuất phát từ suy nghĩ thiển cận và ích kỉ của dân ta, muốn áp đặt hỉ, nộ, ái, ố của mình lên mọi người mà không bận tâm xem người ta muốn gì, cần gì và quan hệ giữa mình và người đang ở mức độ nào. Âu cũng vì người được mời thường cả nể, không dám từ chối, mặc dù thực chất họ đang bằng mặt mà không bằng lòng một cách xã giao.


Đám cưới, đám ma Việt ngày nay tất nhiên có nhiều thay đổi, du nhập những điều mới từ các nền văn hoá nước ngoài như trang phục, đồ ăn thức uống,... và... nhưng đâu phải cái gì mới cũng hay và cái gì thái quá cũng tốt. Cái dở của dân mình là ở chỗ, cái cần tiến bộ, cần đổi mới thì không đổi mới, còn những cái nhặt nhạnh, học mót được ở đâu về lại máy móc làm theo, không biết vận dụng cho phù hợp với văn hoá, phong tục của người Á Đông. Thiết nghĩ, những thứ phù phiếm, hình thức như xe đưa đón, xe hộ tống, số lượng khách mời, nếu có thể tiết giảm đến mức vừa đủ, chắc sẽ có ý nghĩa mà tiết kiệm hơn nhiều. Còn những chuyện như chọn ngày, chọn giờ, nên làm theo ở mức độ vừa phải, tránh tình trạng tổ chức đám ma, đám cưới giữa trời nắng bốn mươi độ, vừa khổ vừa mệt, làm mất hết tâm trạng của người tổ chức lẫn khách mời.


Cưới xin là việc cả đời, bạn muốn ngày vui ấy được vẹn tròn, chia sẻ với những người quan trọng của mình hay biến nó thành một sân khấu kịch quần chúng, nơi người qua kẻ lại, lấy câu chuyện làm quà, nói vài câu sáo rỗng đãi bôi? Tương tự như thế, với những việc riêng tư như ma chay, giỗ chạp, hãy để hương hồn người đã khuất được yên chứ đừng lấy đó làm cái cớ để mua lợi bán danh, khiến cho các bậc tổ tiên cũng phải rùng mình khiếp sợ trước cảnh ồn ào, náo loạn như chợ phiên của bậc con cháu. Có bấy nhiêu đó thôi mà với dân mình sao quá khó? Phải chăng vì những giá trị văn hoá, đạo đức, tâm linh thực thụ đã bị mai một từ lâu, nhường chỗ cho chữ lợi, chữ danh? Nếu đúng là thế thật thì xã hội ngày nay đáng buồn, đáng trách lắm, vì đến tâm tư, tình cảm của mình người ta còn có thể đem ra buôn bán được, thì thử hỏi còn điều gì đáng quý trọng nữa đây?!


Hải Triều (Mail từ Paris)