Bài 2: Những người thoát khỏi “bóng vọng phu”
Người dân xã Diễn Hải, Diễn Châu không thể nào quên được nỗi đau cách đây hơn 20 năm, khi cơn lốc xoáy bất ngờ trên biển đã cướp đi sinh mạng của 36 người đàn ông - trụ cột của những mái ấm nhỏ bé. Nghề đi biển đời nào cũng vậy, nguy hiểm, bất trắc có thể xảy ra lúc nào. Trải qua bao nhiêu năm, những nỗi đau, nỗi mất mát và cả những khó khăn chất chồng trong cuộc sống đã dạy cho người phụ nữ vùng biển ngày càng cứng cỏi, vững vàng và chủ động hơn. Thậm chí, những người phụ nữ có chồng ra khơi còn âm thầm chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng làm chủ gia đình trong trường hợp xảy ra "tình huống xấu". Họ cần việc làm và thu nhập để ổn định cuộc sống, để đỡ đần chồng trong cái nghề bám biển mưu sinh nhọc nhằn ấy.
Chị em các xã ven biển Quỳnh Lưu tham gia dịch vụ tiêu thụ hải sản. Ảnh: Mỹ Hà
Gặp chị Nguyễn Thị Ngân (38 tuổi) ở xóm 4, xã Diễn Hải, Diễn Châu lúc chiều về, bà chủ đại lý cá, tôm, cua, mực… đang thoăn thoắt “miệng nói tay làm” bán hàng tấp nập người mua. Chị kể: Gia đình khó khăn, mình cũng phải nai lưng ra làm chứ ngồi không sao được. Cái đại lý bé bé này chẳng làm ra giàu có, nhưng cũng được mỗi tháng 3 – 4 triệu đồng, tạo nên hậu phương vững chắc, để chồng có thể yên tâm hơn mỗi khi đánh lưới ra khơi”.
Cũng như chị Ngân, những người phụ nữ vùng biển nơi đây đều tìm cho mình một công việc, người thì làm nông, người thì buôn bán, có người đi học rồi làm y tế, giáo viên… không có việc nữa thì đi làm thuê, làm mướn. Gánh nặng kinh tế gia đình, họ không thể để một mình chồng gánh vác.
Về huyện Quỳnh Lưu, nơi có tới 14 xã vùng ven biển, tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Liên (54 tuổi) ở thôn Quang Trung, xã Quỳnh Phương. Nhìn người phụ nữ với dáng người đậm, làn da ngăm đen rắn rỏi với nụ cười hiền hậu, ít ai có thể ngờ đây lại là bà chủ của một trong 3 doanh nghiệp chế biển hải sản lớn nhất ở Quỳnh Lưu. Bà bắt đầu câu chuyện về sự nghiệp của mình vào những năm tháng khó khăn nhất. Đó là vào năm 1980, khi đó hợp tác xã giải thể, hai vợ chồng chỉ có 2 bài tay trắng. Bà vừa sinh con, vừa phải làm kinh tế, 9 người con với 8 gái, 1 trai, nếu không nghĩ cách mà làm ăn, thì cả nhà chịu đói.
Ban đầu bà chế biến nước mắm. Suốt thời gian từ 1987 đến 2004, nước mắm của bà đi khắp các nơi trong huyện, rồi chiếm lĩnh thị trường miền Tây Thanh Hóa. Nhưng càng ngày, đời sống kinh tế cạnh tranh khốc liệt, hàng ứ đọng nhiều, quay vòng vốn chậm, người đàn bà vùng biển lại nghĩ cách xoay xở tìm một hướng đi mới. Bà quyết định vẫn bám lấy những gì địa phương đang có, là nguyên liệu và lao động, chuyển sang chế biến thủy hải sản, mở lò hấp cá với khoảng 40 nhân công. Năm 2006, bà chính thức thành lập Doanh nghiệp Chế biến hải sản Kim Liên. Bà Liên cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi hiện nay có khoảng 100 lao động, trong đó 90 người là nữ. Bởi tính chất công việc phù hợp với phụ nữ, hơn nữa cũng là cách tận dụng nguồn nhân lực dôi dư, tạo việc làm cho chính bà con mình. Thật sự, tôi không muốn nói mình thành công, mà chỉ là cuộc sống đã dạy mình làm những công việc như thế”.
Chị Hồ Thị Hoa (36 tuổi) công nhân Doanh nghiệp Chế biến hải sản Kim Liên tâm sự: “Tôi làm ở đây được hơn 1 năm rồi, công việc chủ yếu là nhặt đầu cá cơm, cá đốm sau khi đã qua công đoạn hấp sấy rồi hong cá trên các sân phơi, vì các công đoạn khác đã có máy làm. Công việc không nặng nhọc lắm, nhưng thu nhập khá ổn định để trang trải phần nào cuộc sống gia đình”.
“Phụ nữ bây giờ họ không như ngày xưa, cứ chiều chiều là chị em cắp thúng ra biển đón chồng về, bây giờ họ đều tìm cho mình một công việc nhất định, thu nhập ít hoặc nhiều nhưng chẳng ai ở không. Họ đã biết chủ động hơn trong cuộc sống, không quá phụ thuộc vào những chuyến đi may rủi của chồng con, thậm chí có người rất thành công”. Lê Thị Mai - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quỳnh Phương cho biết.
Tự sản xuất kinh doanh, hay làm công nhân cho các cơ sở chế biến, làm đá lạnh, cung cấp dầu cho thuyền đi biển, làm muối, cào ngao, vá lưới…, người phụ nữ vùng biển, tự bao giờ đã thoát khỏi cái bóng “vọng phu”. Giờ đây họ cũng lăn mình vào cuộc sống, vào cuộc mưu sinh, “thuận vợ, thuận chồng” xây dựng một gia đình no đủ.
Người mẹ, người vợ vùng biển bây giờ còn rất chú trọng đến việc học hành của con, xây dựng kế hoạch hóa gia đình. Chị Nguyễn Thị Huyền (42 tuổi) ở Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu chia sẻ: “Ngày xưa, con em dân biển nghỉ học sớm lắm, cứ học đến hết cấp 2 là bỏ học, con gái đi lấy chồng, con trai lại theo bố, theo anh em ra biển. Nhưng bây giờ, chúng tôi cố cho con học hành đến nơi đến chốn. Rồi sau này, có kiếm cái nghề chi đó đi làm, chứ đi biển cả bố, cả con vất vả lắm, ở nhà cứ lo thấp thỏm”. Gia đình chị có 3 người con, đứa lớn bây giờ đang học đại học, 2 đứa sau, đứa học cấp 3, đứa lên lớp 8, đều ngoan ngoãn và học giỏi.
Rời những vùng quê biển lúc chiều đầy gió, dáng hình những người phụ nữ với làn da sạm nắng vẫn lam lũ, vất vả nhưng nụ cười lại rạng ngời, tươi rói. Thấy trong đó có những niềm tin mới mẻ vào cuộc sống khi họ tự mình làm chủ cuộc sống. Và những cơn bão biển, hay giông bão cuộc đời có lẽ rất khó đánh gục được những con người rắn rỏi, vững vàng ấy.
(Còn nữa)
Hồ Lài