Cây chè mở hướng thoát nghèo

07/10/2012 15:16

Theo kết quả khảo sát của UBND huyện Thanh Chương, 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn có trên 500 ha đất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây chè. Trong 2 năm qua, bằng việc sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2, trên 50 ha chè được đồng bào trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với đó, một dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng nhằm “biến” khu TĐC Thủy điện Bản Vẽ thành vùng nguyên liệu chè công nghiệp đã được UBND huyện Thanh Chương trình UBND tỉnh chờ phê duyệt.

(Baonghean) - Theo kết quả khảo sát của UBND huyện Thanh Chương, 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn có trên 500 ha đất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây chè. Trong 2 năm qua, bằng việc sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2, trên 50 ha chè được đồng bào trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với đó, một dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng nhằm “biến” khu TĐC Thủy điện Bản Vẽ thành vùng nguyên liệu chè công nghiệp đã được UBND huyện Thanh Chương trình UBND tỉnh chờ phê duyệt.

Về Thanh Chương đã 6-7 năm nay, nhưng cuộc sống trên 2.000 hộ đồng bào khu TĐC vẫn còn nhiều khó khăn với gần 90% hộ nghèo. Trong tình thế loay hoay sinh kế, khi cây chè được đưa vào trồng, nhiều hộ dân phản đối bởi học cách trồng chè công nghiệp không dễ. Cây chè sau 2-3 năm mới bắt đầu cho thu hoạch, nếu bỏ sắn trồng chè, trong thời gian đó, đồng bào lấy đâu ra thu nhập để trang trải cuộc sống? Nhiều hộ dân thiếu tin tưởng, dù được nhận hỗ trợ từ Chương trình 135 nhưng làm lấy lệ nên không ít diện tích chưa được quan tâm chăm sóc đúng mức, bị chết hoặc phát triển không đều. Nhưng cũng có nhiều hộ, nhờ chăm chỉ, chăm bón đúng kỹ thuật nên cây chè phát triển tốt, sắp cho thu hoạch.



Đất đai tại Khu TĐC Thủy điện Bản Vẽ rất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây chè

Tại vùng đồi chè của gia đình, anh Lô Văn Cả (bản Lạp, xã Ngọc Lâm) cho biết: “Năm 2010, nhà được hỗ trợ giống, phân, kỹ thuật…trồng 3,5 sào chè. Cây chè đã gần 2 năm tuổi, tốt lắm, nhưng cán bộ nói phải tạo tán rồi mới thu hoạch nên nhà chưa hái. Cả bản có 66 hộ tham gia trồng chè và đều sắp cho thu hoạch. Nghe cán bộ nói cây chè dễ bán, giá cao, cả bản rất vui. Một số hộ chưa tin tưởng nhưng gia đình ta tin là cây chè có thể giúp gia đình thoát nghèo…”. Gia đình anh Lô Văn Cả chỉ là 1 trong số gần 400 hộ tại xã Ngọc Lâm tham gia trồng chè theo hướng công nghiệp từ Chương trình 135. Từ năm 2010 đến nay, Ngọc Lâm đã trồng được trên 40 ha chè, trong đó có 161 hộ tự đầu tư trồng với diện tích 13,7 ha. Giống chè được lựa chọn trên vùng đất TĐC chủ yếu là LDP1 và chè bản địa. Để lấy ngắn nuôi dài, trong 2 năm đầu, các hộ dân đều trồng xen sắn cao sản, vừa tạo bóng vừa có nguồn thu trước mắt. Hiện toàn xã có 200 ha đất thích hợp với cây chè, nếu mở rộng diện tích và đầu tư chăm bón đúng kỹ thuật, trong tương lai người dân Ngọc Lâm sẽ có nguồn thu ổn định.

Ông Lô Huy Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết: “Khó nhất vẫn là đả thông tư tưởng cho đồng bào. Cả xã chỉ có 22 ha ruộng lúa nước ven suối nhưng mưa lũ đã làm xói mòn gần hết diện tích, lấy gì để đảm bảo cuộc sống cho bà con dân bản nếu chỉ trông chờ vào cây sắn, cây keo vốn đã không có đầu ra ổn định? Xã đã họp quân dân chính, nói rõ mục đích, lợi ích của việc trồng chè cho cán bộ thôn bản, tổ chức tuyên truyền cho bà con. Cây chè có thể lưu gốc trên 30 năm, đầu tư ban đầu tuy lớn nhưng cho thu nhập cao, đầu ra ổn định. Nhiều hộ đã tự đầu tư trồng, đến nay sắp cho thu hoạch. Chúng tôi đã đưa việc mở rộng diện tích trồng chè vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, khóa 2. Một số diện tích trồng keo, sắn hiệu quả kinh tế thấp sẽ đưa vào trồng chè. Nghe tin sắp có dự án huyện đầu tư trồng chè ở đây, bà con dân bản đang chờ!”.

Phong trào trồng chè không chỉ diễn ra ở xã Ngọc Lâm mà còn lan rộng sang xã Thanh Sơn. Nhiều hộ dân tự đầu tư trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hộ ông Vi Tuyền Quynh tại bản Tân Lập là một ví dụ. Sau 2 năm mày mò, học hỏi kỹ thuật thông qua các đợt tập huấn, gia đình ông Quynh đã trồng được gần 2 ha. Đến nay, từ cây chè, trừ các chi phí đầu tư, công chăm bón…mỗi tháng gia đình ông có nguồn thu trên 2 triệu đồng, cuộc sống gia đình dần đi vào ổn định. Ông tin tưởng, khi cây chè được 6 - 7 năm tuổi có thể đem lại nguồn ổn định hàng chục triệu đồng/ha/năm cho gia đình mình. Thấy ông Quynh trồng chè và đem lại hiệu quả, một số hộ trong bản cũng học hỏi, tìm về Thanh Đức, Hạnh Lâm… mua cây giống, làm đất trồng chè. Đến thời điểm này, toàn xã đã trồng được trên 25 ha. Đến khu TĐC những ngày này, màu xanh đồi chè xen sắn cao sản bên những khe suối thay dần những diện tích cây keo kém hiệu quả. Theo thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương, trên địa bàn toàn huyện hiện có 3,6 nghìn ha chè, 63 nhà máy, xưởng chế biến chè (trong đó có 8 dây chuyền có công suất lớn). Mỗi ngày, các nhà máy, xưởng chế biến này cần gần 6 nghìn tấn chè nguyên liệu. Nguyên liệu chè có đầu ra ổn định, được giá, nhà máy luôn trong tình trạng “khát hàng” nên nông dân trồng chè yên tâm sản xuất, đời sống ngày càng được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây chè. Nếu biến khu TĐC Thủy điện Bản Vẽ thành vùng nguyên liệu chè, không những sẽ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy, xưởng chế biến mà còn giúp ổn định đời sống cho đồng bào. Ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương cho biết: “Khu TĐC Thủy điện Bản Vẽ có nhiều ưu thế về giao thông, chất đất, khí hậu để phát triển thành vùng nguyên liệu chè trong tương lai.


Võ Dũng