Bài cuối: Cần chính sách đủ mạnh
Quyết định 484/QĐ-UBND ngày 18/2/2009 về điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020 và Kết luận 07- KL/T.U ngày 14/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình phát triển kinh tế thủy sản thời kỳ 2011 - 2015, có tính đến năm 2020, đều chủ trương chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề nghiệp khai thác, phát triển đội tàu xa bờ với trang thiết bị hiện đại, giảm dần đội tàu khai thác gần bờ và vùng lộng. Muốn vậy, ngư dân cần thêm các chính sách mạnh hơn để không "đứt hơi" trong quá trình chuyển đổi.
(Baonghean) Quyết định 484/QĐ-UBND ngày 18/2/2009 về điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020 và Kết luận 07- KL/T.U ngày 14/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình phát triển kinh tế thủy sản thời kỳ 2011 - 2015, có tính đến năm 2020, đều chủ trương chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề nghiệp khai thác, phát triển đội tàu xa bờ với trang thiết bị hiện đại, giảm dần đội tàu khai thác gần bờ và vùng lộng. Muốn vậy, ngư dân cần thêm các chính sách mạnh hơn để không "đứt hơi" trong quá trình chuyển đổi.
Theo thống kê của bộ phận đăng kiểm tàu cá, đến nay, không ít các tàu đánh cá đều được đóng bằng gỗ, máy tàu phần lớn dùng máy thủy cũ đã qua sử dụng hoặc máy ôtô vận tải hạng nặng đã cũ. Riêng kết quả điều tra các tàu khai thác hải sản xa bờ cho thấy, gần như 100% tàu đóng mới lẫn cải hoán đều lắp máy thủy cũ (hàng bãi từ Nhật Bản); trang thiết bị khai thác từ máy dò cá, máy quét hay hầm bảo quản chưa hiện đại đã hạn chế nhiều đến hiệu quả khai thác. Hạn chế nữa cho quá trình phát triển nghề đánh bắt xa bờ là nguồn lao động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh vừa yếu lại vừa thiếu. Hiện nay, một số địa phương ven biển như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc đang thiếu lao động trầm trọng. Các chủ tàu ở Diễn Ngọc (Diễn Châu) phản ánh, từ quý 2 năm 2012 đến nay, do chi phí sản xuất cao trong lúc nguồn lợi giảm nên tàu cứ ra khơi là lỗ nhưng vẫn phải bám biển để giữ lao động.
Ngư dân cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ.
Theo thống kê, số lượng lao động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đến nay có khoảng 23.000 người, nhưng học vấn của ngư dân còn thấp với 60% chưa tốt nghiệp trung học cơ sở. Với trình độ học vấn như vậy thì ngư dân rất khó khăn trong việc tiếp thu kỹ thuật mới; nhất là kỹ thuật khai thác, tìm kiếm ngư trường xa bờ, bảo quản sản phẩm sau khai thác. Hệ quả tất yếu là dù sản lượng khai thác hải sản liên tục tăng, nhưng chất lượng sản phẩm khai thác được thường thấp, cá tạp chiếm tỷ lệ cao.
Hệ thống luồng lạch, cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá cùng các khu neo đậu tránh trú bão cũng đang là vấn đề phải bàn. Nhiều chủ tàu ở Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long phản ánh, tình trạng Lạch Quèn bị bồi lắng nên tàu lớn ra vào rất khó khăn, các điểm neo đậu của các địa phương nhỏ hẹp nên không an toàn cho tàu khi bão lũ đến.
Theo số liệu đăng kiểm tàu cá, đến nay, trong tổng số 4.178 tàu cá các loại của tỉnh chỉ mới có 1.017 tàu công suất trên 90CV, đáp ứng điều kiện đánh bắt xa bờ, nghĩa là còn rất nhiều trong số 3.161 tàu dưới 90CV phải tiến hành chuyển đổi.
Chị Phạm Thị Đào, cán bộ phụ trách thủy sản thuộc phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ tiền dầu, tiền lãi suất 12 tháng cho đóng mới tàu trên 90CV nhưng từ năm 2008 đến năm 2011, toàn huyện không đóng mới được tàu nào do kinh phí quá lớn trong khi các ngân hàng không cho vay... Chủ tàu Trương Công Tuấn ở Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) cho biết ngư dân phải chung nghề mà làm ăn vì ngân hàng họ không mặn mà với cái nghề đi biển có độ rủi ro lớn. "Năm 2011, chúng tôi có 10 người, mỗi người góp 350 triệu đồng để đầu tư 3,5 tỷ đồng mua tàu 500CV mà có vay được đồng nào đâu. Ngân hàng họ đóng cửa vì chủ trương thắt chặt tín dụng gì đó", Tuấn nói.
Đối với các ngư dân vùng biển muốn có tàu cá công suất lớn trên 500CV để khai thác thì cần số tiền từ 3 - 4,5 tỷ đồng với 8 - 10 hộ tham gia góp vốn. Thực tế thì ngư dân chỉ có một phần nhỏ so với chi phí đầu tư trên nên đa phần phải thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng. Song, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi rất khó khăn nên phần lớn họ phải vay ngoài với lãi suất cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
"Đề nghị Nhà nước có chính sách riêng cho ngư dân vay ưu đãi để đầu tư phát triển với lãi suất thấp, thời hạn dài chứ như hiện nay mỗi hộ chỉ được vài ba chục triệu thì không ăn thua. Một vấn đề nữa là tỉnh cần hỗ trợ thêm về bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên (cỡ 10 triệu đồng/tàu) bởi khai thác thủy sản là nghề đặc thù, rủi ro lớn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu - Nguyễn Xuân Dinh đề xuất.
Theo Quyết định 09/2012/QĐ-UBND ngày 4/2/2012 của UBND tỉnh về "Ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015" thì bình quân cho mỗi tàu xa bờ đóng mới chỉ được hỗ trợ 46 triệu đồng - con số ít ỏi so với 3,5 - 4,5 tỷ đồng giá trị một tàu xa bờ công suất cỡ 400CV.
Ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Khi tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách cho nghề khai thác thủy sản, ngành đã cân nhắc kỹ, nhưng do ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp có hạn nên khó nâng cao mức hỗ trợ đóng mới tàu hơn được. Ngành cũng nghe nhiều phản ánh về việc vay vốn ngân hàng của ngư dân nhưng khó gỡ lắm. Chính sách không thể điều chỉnh Luật Ngân hàng được. Vấn đề hiện nay là định hướng cho ngư dân liên kết đầu tư, tăng cường bảo quản sản phẩm để qua đó tăng giá trị nguồn hàng nhằm nâng cao thu nhập cho nghề đánh bắt xa bờ".
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin thêm vừa qua, Liên Bộ NN&PTNT - Tài chính đã tổ chức đoàn khảo sát nhằm xây dựng chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ với kinh phí đóng mới cho mỗi tàu cỡ 500 triệu đồng.
Hy vọng, chính sách có tính đột phá này sớm được thực thi để nghề khai thác thủy sản xa bờ nước ta nói chung và một tỉnh trọng điểm như Nghệ An nói riêng được tiếp thêm sức mạnh để ngư dân có điều kiện vươn ra khơi xa làm giàu, làm chủ biển - đảo quê hương.
Xuân Hải