Người của rừng

20/08/2012 18:30

(Baonghean) Họa hoằn lắm người ta mới thấy Vi Văn Nọi rời khỏi rừng về bản. Ông có hộ khẩu tại bản Sơn Khê - Chi Khê (Con Cuông - Nghệ An) nhưng gần 30 năm nay, nơi "thường trú" của người đàn ông 50 tuổi này là một khu rừng cách bản hàng chục cây số. Theo trí nhớ của Vi Văn Nọi thì từ năm 1985 đến nay chỉ có vài lần về bản ăn Tết với họ hàng, còn nữa ông chọn cuộc sống chẳng giống ai: làng bản là rừng, chim muông là bạn, còn nhà ở là chiếc chòi nhỏ xíu lọt thỏm giữa rừng cây như tổ bìm bịp.


Người dân bản Sơn Khê dường như đã quên mất người đàn ông kỳ lạ như "người rừng" này. Lũ trẻ lau nhau trong bản nhỏ chưa đầy sáu chục hộ dân này thì có lẽ không biết trong cộng đồng có một con người như thế. Một người bạn cùng trang lứa ông Nọi kể lại: "Ngày trước, hồi mớimười sáu, mười bảy tuổi anh ta khỏe nhất làng này. Một khúc gỗ kẻ khác phải dùng đến trâu kéo, thế mà Nọi vác trên vai băng qua mấy quả đồi, về bán cho đầu nậu. Ấy thế mà chỉ sau một đợt ốm, anh ta liệt hẳn một chân, cả mấy chục năm nay ở miết trong rừng".


"Sống vậy là thành người rừng rồi." - Tôi góp chuyện. Quả là không dễ tìm được một người hay chuyện trong cái bản nhỏ mà phần lớn bà con phải tận dụng mọi lúc rỗi để lo kiếm gạo vì mấy chục hộ chung nhau chỉ vài hecta ruộng nước, năng suất lại thấp nên mỗi năm có vài ba tháng thiếu ăn. Người đối diện với tôi nói: "Người rừng, chứ răng nữa? Tuy liệt một chân vậy thôi nhưng không có góc rừng nào mà anh ta chưa đặt chân đến. Tổ o­ng có ở cao mấy cũng lấy xuống được."


Tôi lấy làm lạ, bởi không biết đến một "kỳ nhân" như thế mặc dù bản của ông chỉ cách bản tôi có một quả đồi. Tôi liền lội bộ ngót chục cây số đường núi mong sẽ gặp được "người rừng" ngay giữa "sào huyệt" của ông ấy. Sau đợt mưa, trời đã tạnh ráo nhưng đường thì vẫn rất trơn và lầy lội. Mất hơn 2 giờ đồng hồ tôi đã đến được khu rừng thưa có tên gọi Huồi Liu, nơi có chiếc chòi nhỏ xíu của ông Nọi. Căn chòi được dựng cao cốt chỉ đủ cho một người có thể chui ra chui vào, mái lợp lá cọ, phên vách cũng bằng lá cọ. Nhìn từ ngoài, chiếc chòi như một con ác điểu khổng lồ, lông cánh xác xơ đang thả bộ giữa rừng cây.


Vi Văn Nọi đáp lại tiếng tôi gọi rồi thò đầu ra khỏi chòi. Ông ấy nhận ra tôi không phải người quen. Ngần ngừ một lúc, ông nói: "Mời anh lên nhà uống nước." Dù không xa lạ gì chòi nương, nhưng chiếc chòi của ông Nọi khiến tôi có một ấn tượng đặc biệt. Nó như một chiếc hang đá treo lơ lửng trên không trung hay chiếc miệng con mãng xà trong truyện cổ tích. Tôi khom người bước vào và thấy gai gai sau gáy. Chiếc chòi kêu lên lét két dưới từng bước đi, tưởng như có thể đổ sập...


Khi biết tôi là người làm báo, ông tròn mắt nhìn rồi phân trần: "Tui thì có chi mà lên báo." Ông cho biết bản thân cũng có học qua lớp hai, thi thoảng cũng đọc báo. Thường là những tờ báo cũ gói thịt cá, muối, bột ngọt người quen gửi biếu hoặc ông gửi tiền nhờ người các làng bản lân cận mua hộ. Theo ông thì chỉ có những người thực giỏi giang mới đáng lên báo thôi. Tôi giải thích rằng ông ở trong rừng gần 30 năm cũng đã là một "kỳ tích" rồi.


Vi Văn Nọi là con trai út trong một gia đình có 8 anh chị em. Năm 1983, lên 21 tuổi có tham gia quân đội ở nước bạn Lào một thời gian ngắn. Giải ngũ chưa được bao lâu, ông dính trận sốt rét ác tính kéo dài gần nửa năm. Mũi tiêm của một vị cán bộ y tế thôn bản vào bắp chân đã khiến ông liệt giường 8 tháng liền. Ngày ấy, chỉ có bà mẹ đã 70 tuổi chăm sóc con trai, bởi các anh chị đều đã lập gia đình riêng. Mọi sinh hoạt của ông đều phải nhờ đến mẹ giúp, từ ăn uống, đến giặt giũ lẫn vệ sinh cá nhân. "Tui chỉ muốn nhảy từ trên nhà xuống đất cho chết đi. Mẹ tui già quá rồi còn phải khổ vì con. Nhưng tôi không trở nổi mình nữa thì làm sao mà... Chỉ biết khóc thôi." - Vi Văn Nọi chua xót tâm sự.


Đến tháng thứ 8 thì ông trở mình được, sau đó ngồi dậy cầm đũa ăn cơm được, nhưng cái chân trái thì không thể duỗi thẳng được nữa. Ông mất hơn 2 tháng để tập di chuyển với chiếc gậy gỗ. Cuối cùng thì ông cũng có thể tự đi lại nhưng luôn cặp kè chiếc gậy gỗ bên mình. Ông hiểu rằng, chiếc gậy rồi đây sẽ thành người bạn ăn đời ở kiếp với mình. Ông Nọi khỏe lại một thời gian ngắn thì bà mẹ đã quá già yếu cũng qua đời. Ông Nọi chỉ còn lại một mình với căn nhà lá vắng hắt, các anh chị đều bận bịu với cuộc sống gia đình nhiều vất vả. Ngày ấy, còn chưa khoán Mười, đời sống kinh tế trong cộng đồng vô cùng khó khăn. Mất mùa thiếu đói triền miên. Tuy vậy, tình cảm chòm xóm thì hết mực chan hòa, không có ai phải chịu nhịn đói. Nhưng đối với một kẻ tật nguyền lại không còn nơi nương tựa, cái đói có thể chịu được, nỗi cô đơn thì không thể khỏa lấp. Một ngày ông Nọi quyết định trốn vào rừng dựng chòi phát rẫy và từ đó, họa hoằn lắm ông mới về bản. Có khi mấy năm liền, ông không bước chân ra khỏi khu rừng. Hồi mới vào rừng còn có chiếc radio làm bạn. Sau đó, vì không có tiền mua pin nên chiếc radio cũng han gỉ. Đêm về, chỉ còn nghe tiếng con mang tác trên núi, tiếng cú rúc buồn thẳm khi khuya vắng và tiếng gà rừng gáy sáng, những âm thanh quen thuộc nhất đối với ông.


Nhiều khi cả tuần liền không nói một câu. Giữa rừng già lấy ai mà nói chuyện? Ông giải khuây bằng cách lội vào rừng sâu đặt bẫy bắt lũ sóc, chồn, hoΩng, mùa hè thì tìm mật o­ng, mùa mưa hái măng đem bán, đón củi bán cho các lò vôi, cuộc đời cứ vậy lần hồi qua năm hết tháng.


Đầu thập niên 90, vùng núi Con Cuông bắt đầu cấm rừng, bãi bỏ tục phát nương làm rãy. Lúc này ông Nọi khai hoang được một diện tích đất bãi khá rộng để trồng lạc. Không có trâu cày, ông cuốc sạch cỏ rồi trỉa hạt bằng chiếc que gỗ táu vót nhọn. Tưởng như trời sẽ không phụ lòng người, cây lạc phát triển rất tốt, mỗi gốc cho vài chục củ. Ai dè sắp đến ngày thu hoạch thì xuất hiện lũ chuột rừng, rồi lợn lòi đến phá hoại. Ông mất nhiều đêm ngồi gõ mõ xua lũ thú nhưng cũng chẳng ăn thua. Sau gần một tháng, bầy chuột rừng cũng phá sạch vườn lạc. Cuối năm đó, có người hỏi mua mảnh đất, ông liền bán đivới suy nghĩ là mình sẽ có thêm một người hàng xóm. Có bạn cùng làm, lũ thú rừng cũng đỡ phá phách hơn. Sau đó ông lại khai hoang một mảnh đất khác. Vào thời điểm đó, có nhiều người tìm đến khu rừng khai khẩn đất sản xuất. Rồi người ta hỏi mua mảnh đất mới khai hoang. Nghĩ rằng khai hoang đất đem bán có thể giúp mình kiếm tiền, từ đó ông chỉ chuyên tâm cho công việc này. Trong vòng gần 10 năm, chỉ với con dao, chiếc cuốc, ông đã khai khẩn và bán cho người dân trong vùng trên chục hecta đất bãi.


Sau mỗi lần bán đi một mảnh đất, ông Nọi lại lùi sâu hơn vào trong rừng, tiếp tục khai khẩn. Cho đến một ngày, người đàn ông đã chạm ngưỡng tuổi ngũ tuần nhận thấy rằng mình không thể lùi sâu hơn được nữa bởi phía sau ông là núi. Lúc này, ông mới nghĩ đến chuyện phải khai hoang cho riêng mình một mảnh đất, nhưng tất cả đất và rừng nơi đây đều đã có chủ. Ông chỉ còn lại một góc nhỏ dựng lên chiếc chòi lấy chỗ tránh mưa, tránh nắng.


Từ 10 năm nay, cả thung lũng hình thành một vùng nguyên liệu mía trên 100ha. Rừng cây nay được thay thế bằng "rừng mía". Những vườn mía cũng vắng lặng như một khu rừng. Người ta chỉ đến vườn vào vụ trồng mía hay mùa thu hoạch, hoặc thỉnh thoảng đến bóc lá phát cỏ đến tối lại về làng...


"Vậy sao chú không về bản ở với bà con?" - Tôi hỏi ông Nọi. Ông rít một hơi thuốc lào rồi tiếp tục kể: Thật ra ở bản Sơn Khê, vào năm 2008, chính quyền địa phương có xây dựng cho ông một căn nhà tình thương, ông đã nhường lại nó cho một người em họ cũng đang phải sống cảnh "gà trống nuôi con". Ông bảo: "Tui về bản thì sống bằng chi? Có nhà nhưng không có đất cày. Ở rừng còn biết kiếm măng, kiếm củi mua gạo. Cũng may, nhà nước thương, mỗi tháng cũng cấp cho ít tiền đủ để mua hơn yến gạo. Nhưng từng nớ cũng chỉ đủ ăn 2 tuần. Còn lại phải tự đi kiếm."


Mặt trời xế bóng, trời sang thu, nắng cũng đã bớt gay gắt. Ông Nọi bảo với tôi sắp đến lúc ông phải đi làm. Tôi ngỡ ông sắp lên rừng hái măng thì thấy ông cầm chiếc xẻng, chống chiếc xà beng làm gậy lóc cóc xuống suối. Những ngày này, ông đang cải tạo con khe nhỏ gần chòi ở thành chiếc ao nhỏ thả cá và cấy lúa nước. Con khe này có năm vẫn xảy ra lũ ống. Ông vẫn lo "thủy thần" có thể đến cuốm đi tất cả và công sức bỏ ra coi như về với sông với biển. Đã không dưới vài lần, ông nếm trải điều này.



Ông Nọi đang gắng cải tạo con khe nhỏ thành ao cá


"Nhưng còn hơn mình không làm gì cả, chú ạ. Sống chui rúc trong rừng gần 30 năm, thấy chán rồi." - Ông nói khi bắt đầu một buổi làm việc mới. Chiếc xẻng đào đất cũng là chiếc gậy giúp cho ông đứng vững. Tôi tin rồi đây, những sự gắng gỏi của người đàn ông tật nguyền này sẽ được đền đáp!


Hữu Vi