Bước đột phá ở Đồng Dành

20/10/2012 20:07

(Baonghean) Anh bạn ở xóm núi, xã Bài Sơn (Đô Lương) nói với tôi: "Ông về đây, không vào thăm làng trang trại ở Đồng Dành, thì coi như chưa hiểu hết chuyển động kinh tế của miền quê này đâu".

Đồng Dành, vùng đồi hoang khô khát, miên man hoa Dành cùng lau sậy, sim mua... thuở nào, giờ đã đổi khác đến ngỡ ngàng. Những ngôi nhà lô nhô bên đồi, vây quanh là màu xanh của lúa. Những ao chuôm xôn xao cá bên những khu vực chăn thả trâu, bò, lợn, gà và những đàn vịt cứ ùa lên như sóng trắng xóa cả trời trưa.


Ông Trần Ngọc Thạn, tổ trưởng các hộ dân ở đây giãi bày: "Chúng tôi gồm những lao động chính của 9 gia đình ở trong làng, xa đến 4 cây số, đã mấy năm vào đây làm kinh tế trang trại. Cánh đồng này diện tích 20 ha, đất từ thuở cha ông vào dựng trại khai hoang những năm 50 của thế kỷ trước. Đến thời hợp tác xã, diện tích đồng đất được chia cho các hộ của 12 xóm trong xã. Hàng trăm thửa ruộng manh mún, khô khát bởi không có nước tưới. Cây lúa, cây màu sống lay lắt giữa nắng mưa nên đạt sản lượng mỗi mùa thu hoạch rất thấp, năng suất mỗi sào có 50 kg thóc, có những mùa mất trắng. Đến năm 2001, thực hiện Nghị quyết 02 dồn điền đổi thửa, giao khoán cho 17 hộ trồng mía, nhập nguyên liệu cho Nhà máy đường Sông Con. Qua mấy mùa, tính ra cây mía không cho nguồn lợi kinh tế, nên lại bỏ. Từ năm 2005 đến nay, mấy hộ chúng tôi nhận toàn bộ diện tích làm mô hình kinh tế trồng trọt và chăn nuôi...".




Người dân thu hoạch cá.

Theo ông Thạn, chúng tôi đi thăm các gia đình. Hiện tại còn nhiều vất vả, nhưng kinh tế của người dân đã thật sự khởi sắc, mang tính bền vững của mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Gia đình tổ trưởng với diện tích 3 ha, trong đó có 0,5 ha ao cá, còn lại lúa và cây màu cùng đàn trâu bò 10 con, đàn gia cầm trên 100 con cho thu nhập 60 triệu đồng/năm. Hộ anh Khuyến, diện tích 4ha (3,5 ha ruộng lúa, trồng trọt, còn lại dùng phát triển chăn nuôi) chăn nuôi cho thu nhập 100 triệu đồng/ năm. Riêng về lúa, gia đình anh thu hoạch 17 tấn/ vụ. Những hộ khác như gia đình anh Năm, anh Ngọc, anh Châu... đều có thu nhập 50 triệu đồng/ năm.


Hiện tại, từng hộ độc lập phát triển theo nguồn lực lao động và đầu tư theo khả năng của từng gia đình, nhưng nhìn tổng thể là một tổ hợp sản xuất. Mọi người đoàn kết giúp nhau khi mùa màng, đau ốm. Chung vốn làm đường đến từng nhà, xây trạm bơm nước gần 100 triệu đồng...


Đứng trên đồi nhìn chung quanh, mới thấy sự thiết kế quy hoạch mô hình trang trại thật công phu: Những chiếc ao như treo trên đỉnh đồi cùng vườn và cây màu (đậu, lạc, rau). Những thửa ruộng bậc thang nối nhau tít tắp. Chúng tôi ngạc nhiên, giữa mùa khô hạn mà những cái ao vẫn đầy ắp nước. Độ cao chênh lệch giữa ao và ruộng đến 2 mét mà bờ ao không rò rỉ. Mấy ông chủ trang trại cho biết: "Diện tích ao nuôi cá đến 4 ha cũng là những bể chứa nước trời, mùa hạn bơm từ khe đập vào từng ao. Chúng tôi chủ động xả nước vào ruộng khi cây lúa thiếu nước vừa thay được nước bẩn ao cá. Lúa được bồi dưỡng nguồn phân hữu cơ từ cá, vịt nên năng suất đạt 3 tạ/ sào. Đất màu mỡ lên, con cá ở đây chóng lớn lắm, mè, trắm có con đến 8 kg...".


Thấy khách có chút băn khoăn trước diện tích ruộng lớn của mỗi hộ, làm sao cày cấy, thu hoạch kịp thời vụ? Những người nông dân trầm tĩnh giải thích: "Nhà nào cũng mua sắm máy cày, máy tuốt lúa, máy bơm nước, máy nổ... Ngày trước 1 sào ruộng 5 lao động cật lực cũng phải mất nửa ngày. Bây giờ 1 người lia máy gặt được cả mẫu lúa trong 1 ngày. Gặt xong phơi tại ruộng vài ngày, sau đó đưa máy tuốt đến chỉ còn việc đóng lúa vào bì. Còn mùa cấy, chúng tôi thuê thêm lao động trong và ngoài xã...".


Sau một ngày được xắn quần theo các ông chủ trang trại lội khắp đồng, khắp các ao và chuồng trại chăn nuôi là những phút thảnh thơi ngồi trò chuyện với họ trong những ngôi nhà dựng bên bờ ao. Chúng tôi nghe niềm tâm sự: Được trăn trở buồn vui trên từng tấc đất là điều hạnh phúc của những người nông dân. Nhưng không có sự quan tâm của các cấp, các ngành từ chuyện xã kéo điện lưới ra đồng phục vụ sinh hoạt và sản xuất, ngân hàng cho vay vốn, xây dựng đường giao thông, hệ thống thủy lợi, tập huấn kỹ thuật, công tác thú y... thì dẫu siêng năng, tài giỏi đến mấy cũng phải bó tay...


Các bác có những dự định gì mới? Trả lời: "Nếu được hỗ trợ vay vốn chúng tôi sẽ xây bờ ao, mua thêm trâu, bò, lợn và trồng cây trám đen, hồ tiêu thay diện tích cây màu hiệu quả kinh tế thấp" - Họ nói trong niềm vui mong đợi.


Từ sắc mới Đồng Dành, khởi sắc về mô hình kinh tế hộ làm trang trại, tạo tiền đề cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông sản hàng hóa ở một xã miền núi. Đã bao đời độc canh cây lúa trong điều kiện luôn bị hạn hán. Mấy năm gần đây, hệ thống hồ, đập thủy lợi được đầu tư nâng cấp với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Từ đập lớn Đá Bàn, Năm Khe, đến các hồ đập nhỏ, cho khối lượng nước tưới diện tích lúa, màu ổn định. Các mô hình VACR của các hộ dân ngày càng phát triển, mà Đồng Dành là bước đột phá đầu tiên!


Võ Văn Vinh