Chung tay bảo vệ môi trường
Bằng những mô hình nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, các cấp Hội phụ nữ đã góp phần từng bước nâng cao ý thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng về bảo vệ môi trường bắt đầu từ sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ đến sạch thôn, xóm, sạch môi trường sống xung quanh.
(Baonghean) - Bằng những mô hình nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, các cấp Hội phụ nữ đã góp phần từng bước nâng cao ý thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng về bảo vệ môi trường bắt đầu từ sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ đến sạch thôn, xóm, sạch môi trường sống xung quanh.
Phụ nữ Nghi Liên (TP. Vinh) ra quân vệ sinh môi trường thôn xóm.
Trước thực trạng rác thải dân sinh luôn trong tình trạng quá tải do dân số đông, mật độ dân cư cao, nhất là một số xã thuộc vùng biển, vùng trung tâm, Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu đã phát động phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng mái nhà xanh”. Thu gom và xử lý rác thải ngay tại gia đình, đưa về đúng bãi tập trung theo quy định, phụ nữ nói không với vứt rác, xác súc vật chết bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường; các loại vốn vay từ các tổ, nhóm tiết kiệm cho hội viên vay không lấy lãi để duy trì hoạt động xây dựng và hoàn thiện hơn các công trình vệ sinh đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng “nông thôn mới”... Đến nay, 100% tổ chức hội đã đăng ký các tiêu chí xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; 20/43 xã, thị trấn có tổ thu gom rác do tổ, hội phụ nữ đảm nhận, một số xã đã duy trì thu gom rác đều đặn 3 ngày/ tuần từ 6h sáng đến 9h tối như Thị trấn Hoàng Mai, xã Quỳnh Lương…; 95% gia đình phụ nữ được dùng nước hợp vệ sinh. Chị Lê Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN Quỳnh Lưu cho biết: Phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng mái nhà xanh” đã tạo chuyển biến rõ nét và thay đổi nhận thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp, đảm bảo sức khỏe cộng đồng trong các tầng lớp hội viên phụ nữ.
Tại Đô Lương, dưới sự chủ trì của hội phụ nữ các cấp, tổ thu gom rác thải ở từng thôn, xóm được thành lập. Thứ 7, Chủ nhật được xem là ngày vệ sinh môi trường, chị em tiến hành quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, tập kết rác thải sinh hoạt ra đầu ngõ để đội thu gom chở vào bãi rác tập trung của xã. Còn xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ có mô hình chỉ đạo điểm “Phân loại rác tại nguồn và hạn chế sử dụng túi ni lông” được các cấp hội phụ nữ triển khai hiệu quả. Từ khi CLB Vì môi trường của phụ nữ đi vào hoạt động đã từng bước thay đổi được thói quen, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi người về công tác bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, đường làng, ngõ xóm, vườn nhà đã trở nên phong quang, sạch đẹp hơn.
Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường đã trở thành phong trào sôi nổi rộng khắp ở các cấp hội trong toàn tỉnh. Với lực lượng hơn 460 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 5.951 chi hội, Hội LHPN các cấp đã tham gia tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chị em giữ gìn bảo vệ môi trường thông qua các hình thức như: thành lập các mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ với môi trường”, ngõ phố Xanh - sạch - đẹp; tổ chức các hội thi “Tìm hiểu về môi trường”, “Hãy bảo vệ trái đất”, “Văn minh đô thị”… Tổ chức hàng trăm diễn đàn tuyên truyền sâu về Luật Bảo vệ môi trường, nhiều lớp tập huấn về VSATTP, VSMT. Tính đến tháng 6/2011, trên địa bàn toàn tỉnh có 15 câu lạc bộ “Phụ nữ với môi trường”, “Vệ sinh môi trường”, hơn 600 “Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải”..., thông qua đó chuyển tải các nội dung về hoạt động bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi nhận thức, từ thái độ đến hành động về bảo vệ môi trường. Hội LHPN tỉnh cũng đã trực tiếp chỉ đạo các mô hình bảo vệ môi trường và vận hành hiệu quả ở các địa phương như: quỹ quay vòng vốn vệ sinh, bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường; tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải; các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; sử dụng khí sinh học (Biogas) và Ngày Chủ nhật sạch... góp phần nâng số gia đình ở nông thôn có công trình phụ hợp vệ sinh đạt 65%.
Khánh Ly