Y tế cơ sở: Bao giờ hết khó?

17/09/2012 18:34

Từ trước đến nay, các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác y tế luôn khẳng định: Y tế cơ sở là nền tảng của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, là xương sống của nền y tế nước nhà. Vai trò quan trọng là thế, và trên thực tế, y tế cơ sở những năm qua đã được quan tâm, củng cố, song những khó khăn, bất cập thì vẫn chồng chất. Trước đây, Báo Nghệ An đã có loạt bài phản ánh thực trạng ở các trung tâm y tế tuyến huyện, bài viết này xin được nói thêm về y tế tuyến xã và phòng khám đa khoa khu vực để có một cái nhìn toàn diện hơn.

(Baonghean) - Từ trước đến nay, các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác y tế luôn khẳng định: Y tế cơ sở là nền tảng của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, là xương sống của nền y tế nước nhà. Vai trò quan trọng là thế, và trên thực tế, y tế cơ sở những năm qua đã được quan tâm, củng cố, song những khó khăn, bất cập thì vẫn chồng chất. Trước đây, Báo Nghệ An đã có loạt bài phản ánh thực trạng ở các trung tâm y tế tuyến huyện, bài viết này xin được nói thêm về y tế tuyến xã và phòng khám đa khoa khu vực để có một cái nhìn toàn diện hơn.

Thiếu và yếu - chuyện thường ở... xã


Xin được bắt đầu bài viết bằng sự việc đau lòng mới xảy ra hồi đầu tháng 8 tại xã Nam Thành (Yên Thành). Sản phụ Phan Thị Tâm (SN 1989) quê ở xóm Lộc Thành đến sinh tại Trạm Y tế xã. Tại đây, sau 10 tiếng đồng hồ chuyển dạ, sản phụ và cháu bé đều tử vong. Nguyên nhân được xác định do sản phụ bị vỡ tử cung, chảy máu ồ ạt nhưng Trạm Y tế không có phương tiện cấp cứu. Theo phản ánh của người nhà, bên cạnh việc thăm khám của đội ngũ nhân viên y tế không đảm bảo, không theo sát diễn biến của sản phụ thì có chuyện khi bệnh nhân mất sức cần thở bình ô xy song trạm xá có bình mà... không còn ô xy. Khi đi “mượn” bình ô xy ở trạm y tế khác về thì đã quá muộn, sản phụ đã tử vong. Cái chết của sản phụ Tâm không chỉ khiến người nhà bất bình mà nhiều người dân xã Nam Thành cũng qua đây kiến nghị cần nâng cao trình độ và trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc và xem xét lại thiết bị, cơ sở vật chất tại Trạm Y tế xã.

Không chỉ ở trạm y tế xã, từ phản ánh của người dân, chúng tôi cũng có chuyến khảo sát tới Phòng khám Đa khoa khu vực phía Nam huyện Yên Thành (nằm trên địa bàn xã Công Thành). Phòng khám được xây dựng 2 tầng khá khang trang, bề thế, nhưng điều ngạc nhiên là rất ít người đến khám và điều trị. Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với Bệnh viện Đa khoa huyện luôn trong tình trạng quá tải. Hỏi chuyện một số bệnh nhân, chúng tôi được biết, do ở phòng khám không có thiết bị chẩn đoán bệnh nên người dân không muốn tới đây mà thường tới thẳng Bệnh viện huyện. Ở đây, người dân chỉ đến khám và điều trị khi mắc bệnh giản đơn như cảm cúm, hoặc tai nạn cần sơ cứu ban đầu. Chị Nguyễn Thị Hương đến từ xã Nam Thành cho hay: “Tui nghe nói xã Công Thành có Phòng khám Đa khoa khu vực lâu rồi nên hôm nay sức khỏe có vấn đề mới đến đây để khám. Tui muốn được siêu âm, song bác sỹ trả lời hiện Phòng khám chưa có máy siêu âm, đành phải ra phòng khám tư nhân ở Bảo Thành”.



Cơ sở vật chất Trạm Y tế Hạnh Dịch (Quế Phong) xuống cấp

Trao đổi với bác sỹ Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng khám, được biết: Phòng khám này được thành lập năm 1984 với nhiệm vụ khám và điều trị cho nhân dân 10 xã phía Nam của huyện Yên Thành. Năm ngoái, phòng khám được Tập đoàn Thái Bình Dương và Tổng Công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí tài trợ xây dựng nhà làm việc 2 tầng, có bố trí cả phòng điện tim, phòng siêu âm... “Cái vỏ” đẹp là thế, song bên trong lại chưa được đầu tư các trang thiết bị nên chất lượng khám, chữa bệnh vẫn không thay đổi. Hiện nay, Phòng khám chỉ có một số thiết bị thông thường như: máy hút đờm, máy điện tim (cũ), lò sưởi điện, máy sấy dụng cụ... Đội ngũ y, bác sỹ cũng thiếu, hiện chỉ mới có 1 bác sỹ chuyên khoa 1; 2 y sỹ và 9 y tá, điều dưỡng..., không khá hơn trạm y tế xã là bao. Chính vì thế, theo thống kê 6 tháng đầu năm nay, lượng bệnh nhân tới khám chỉ có 2.753 lượt, trong đó có 261 ca điều trị nội trú, còn lại là... cấp thuốc về.

Y tế cơ sở tại một huyện đồng bằng như Yên Thành đã nhiều bất cập là thế, những huyện miền núi thì chuyện khó khăn là không thể nói hết.

Trong chuyến công tác lên Quế Phong, chúng tôi có dịp khảo sát xã Hạnh Dịch, là một trong những xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế của huyện. Trạm Y tế xã được xây từ năm 1996 và từ đó đến nay vẫn nguyên trạng. Tất cả 6 phòng của trạm đều có hiện tượng sụt lún, đặc biệt, phòng Sản Nhi đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập mái bất cứ lúc nào. Toàn trạm dùng nguồn nước tự chảy chung với dân bản, nhưng khi đầu nguồn có mưa thì toàn hệ thống nước tự chảy tắc nghẽn. Phòng sơ cấp cứu được gắn biển “tiệt trùng”, tuy nhiên trần mái loang lổ những vết nứt, qua một trận mưa, nền nhà lênh láng nước. Trang thiết bị hầu hết đều cũ kỹ, tủ thuốc chỉ có những loại thuốc thông thường trong danh mục bảo hiểm y tế. Y sỹ Võ Khánh Sơn cho biết: “Hễ có mưa là chúng tôi lại phải di dời số thuốc trong kho đến nơi khô ráo nhất để tránh ảnh hưởng đến chất lượng thuốc”. Bên cạnh đó, hiện Hạnh Dịch cũng là 1 trong 4 xã của Quế Phong chưa có bác sỹ.

Bao giờ hết khó?

Công bằng mà nói, trong vòng 10 năm qua, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về việc chăm sóc sức khỏe đã có những bước tiến rõ rệt. Y tế cơ sở được coi trọng bởi đây chính là tuyến gần gũi nhất với người dân. Thực hiện Chỉ thị 06 ngày 22/1/2002 của Ban Bí thư về “Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở”, đến nay, toàn tỉnh đã có 480 trạm y tế xã, 17 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 22 phòng khám đa khoa khu vực với 2.520 giường bệnh, 20 trung tâm y tế, 20 trung tâm dân số và 20 phòng y tế đang hoạt động. Không thể không nói đến những nỗ lực của ngành Y tế trong xây dựng, thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã khi mà từ năm 2004 trở về trước, toàn tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn, thì đến hết năm 2011 đã có 80,8% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế là xã Diễn Vạn (Diễn Châu) cũng là đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Song, cũng cần nhìn thẳng vào thực tế: Mặc dù đã có cơ chế chính sách đầu tư cho y tế cơ sở, song các chính sách ấy chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt tại các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa. Hầu hết y tế tuyến dưới cũng mới chỉ nhận được sự đầu tư ban đầu và sau đó thả nổi, hoặc đầu tư không đồng bộ, thiếu tính bền vững. Vì vậy, chuyện thiếu thốn, chắp vá, thậm chí hoạt động cầm chừng, mang tính hình thức ở các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực vẫn là chuyện thường thấy.



Cán bộ Y tế đến tận nhà để thăm, khám cho dân bản Ảnh: T.N.L

Đáng buồn là con số 80,8% xã đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2011, sau khi rà soát theo căn cứ Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế thì hết quý I năm 2012, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 43% xã đạt. Thậm chí có những huyện, con số xã đạt chuẩn còn rất thấp như Kỳ Sơn (mới có 2/21 xã đạt chuẩn), Tương Dương (10/18 xã đạt chuẩn)… mà nguyên nhân chính là do thiếu đầu tư, trong khi điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên đang rất khó khăn. Chỉ tính riêng trong số các trạm y tế của những xã đạt chuẩn thì vẫn còn nhiều bất cập: 59,8% (232/388) trạm còn có tình trạng phòng khám nhỏ, thiếu diện tích, thiếu phòng chức năng hoặc phòng hoạt động chuyên môn hay nhà trạm cũ, dột nát, thiếu trang thiết bị yêu cầu của Bộ Y tế. 56,9% (221) trạm không có vườn thuốc nam hoặc có nhưng không đủ diện tích, không đủ cây thuốc theo quy định, tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt thấp. 53,35% (207) trạm không có bác sỹ, không có cán bộ y dược học cổ truyền. 36% (143) trạm chưa có nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh... Như vậy, có thể thấy việc xây dựng xã đạt chuẩn đã khó, việc duy trì bền vững còn khó khăn hơn nhiều. Một số xã tuy được công nhận nhưng đang “nợ chuẩn” hoặc “chấm gượng”. Một số chỉ tiêu tuy đạt nhưng thiếu tính bền vững như tỷ lệ trạm có bác sỹ về công tác (do điều kiện công tác ở xã khó khăn, chưa có chế độ thu hút, tình trạng bác sỹ trạm y tế bỏ việc ra làm tại các cơ sở y tế tư nhân ngày càng tăng). Một bác sỹ trẻ về xã tâm sự: “Tăng cường bác sỹ về cơ sở, nhưng về đến trạm y tế xã thấy chẳng có phương tiện, trang thiết bị để phục vụ công tác chuyên môn, vì thế nhiều khi chúng tôi cũng không biết hoạt động thế nào. Không lẽ có bác sỹ về xã mà lúc nào cũng phải “chuyển tuyến” cho người bệnh, vì tại đây thiếu cả thuốc lẫn dụng cụ. Vậy việc tăng cường liệu có hiệu quả không hay thậm chí tay nghề của bác sỹ còn bị kém đi?”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 22 phòng khám đa khoa khu vực thì có tới 18 phòng khám đa khoa nằm tại các huyện miền Tây. Hầu hết các phòng khám đều đã được đầu tư xây dựng nhưng cũng lâm vào tình trạng thiếu trang thiết bị, máy móc. Chính vì vậy, ngành Y tế e ngại nhiều chỉ tiêu đặt ra cho ngành sẽ khó đạt. Hiện một số chỉ số về chăm sóc sức khỏe ở tuyến xã còn ở mức cao: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi, tỷ suất tử vong mẹ và trẻ em, mức sinh, đặc biệt tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh rất đáng báo động, môi trường sống chưa được cải thiện, ô nhiễm chất thải còn trầm trọng; tỷ lệ dân số được dùng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp, vấn đề xử lý chất thải y tế ở hầu hết các trạm còn hạn chế…

Nguyên nhân về điều kiện kinh tế - xã hội thì đã rõ, nhưng bên cạnh đó có thể kể ra một vài nguyên nhân khác khiến cho y tế cơ sở vướng mắc mà gỡ mãi chưa xong, ấy là chuyện một số chủ trương, chính sách chưa sát thực tiễn (như chủ trương chia tách, phân tán mô hình y tế tuyến huyện); chế độ cho cán bộ y tế chưa đủ thu hút, động viên; cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa thường xuyên chăm lo đến công tác y tế cơ sở; hệ thống y tế công lập chậm đổi mới; công tác tham mưu của ngành Y tế có lúc chưa bắt kịp với hàng loạt các vấn đề nảy sinh ở mạng lưới y tế tuyến xã; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tăng nhanh…

Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành giám sát chất lượng khám, chữa bệnh của các trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn. Có thể hy vọng từ cuộc giám sát này, những khó khăn sẽ được nhìn nhận một cách sâu sát, để từ đó tỉnh, ngành sẽ có những giải pháp tháo gỡ. Nhưng những việc làm cần thiết và không cần chờ đợi, bây giờ là phải nâng cao trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế xã, bản để người dân có niềm tin.


Nhóm phóng viên