Hành trình đòi công lý cho nạn nhân da cam

08/08/2012 19:25

Thật khó tin ở độ tuổi ngoài 50, một bệnh binh từng vào sinh ra tử tại tuyến lửa khốc liệt Quảng Trị, mất 61% sức khỏe lại có thể đi bộ gần 2.000 km từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh năm 2008 thăm chiến trường xưa. Hai năm sau đó, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, dấu chân người cựu chiến binh ấy lại trải khắp 63 tỉnh/ thành trên cả nước, vượt hơn 7.000 km để đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam. Người đó là bác Trần Ngọc Sơn (thôn 4, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Thật khó tin ở độ tuổi ngoài 50, một bệnh binh từng vào sinh ra tử tại tuyến lửa khốc liệt Quảng Trị, mất 61% sức khỏe lại có thể đi bộ gần 2.000 km từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh năm 2008 thăm chiến trường xưa. Hai năm sau đó, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, dấu chân người cựu chiến binh ấy lại trải khắp 63 tỉnh/ thành trên cả nước, vượt hơn 7.000 km để đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam. Người đó là bác Trần Ngọc Sơn (thôn 4, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).



Ông Trần Ngọc Sơn và cuốn sách gần 21 triệu chữ ký lên tiếng ủng hộ
các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn

Đi bộ 71 ngày về thăm chiến trường xưa

Dù đã ở tuổi “lục tuần” nhưng bác Trần Ngọc Sơn vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, hoạt bát lạ thường. Bác kể: “Năm 1972, bác 16 tuổi người còm nhom cao 1m 58 nặng 43 kg, gia đình chính sách lại con một, thuộc diện không phải ra mặt trận. Nhìn cảnh làng xóm bị đánh bom dữ quá, chàng trai Trần Ngọc Sơn khai “lận” lên 3 tuổi để được trúng tuyển đi lính. Được xã cho 2 kg thịt lợn, bác mang nhà và "nói dối tiếp" là được cho mà không dám nói là suất đi nghĩa vụ.

Giữa lúc miền Bắc bị bom đạn dữ dội năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, người thanh niên trẻ xã Vũ Quý lên đường ra trận trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình và làng xóm. Năm 1973 - 1974 bác Sơn tham gia lực lượng bổ sung cho tổng đội 67 thuộc Tổng cục hậu cần đóng quân tại tuyến lửa Quảng Trị, chuyên làm nhiệm vụ giao xe - đạn phục vụ chiến đấu.

Đến năm 1979 được điều ra công tác tại đặc khu Quảng Ninh. Năm 1984 bác Sơn xuất ngũ, vì sức khỏe yếu đi nhiều, phải lo cùng vợ chăm sóc bốn con nhỏ, nhất là khi người con trai thứ ba sinh ra bị dị tật, không có hậu môn, việc nhà lại càng chồng chất. ..

Hai vợ chồng nuôi bốn người con đang tuổi ăn, tuổi học chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, kinh tế gia đình trở nên khó khăn. Bác tâm sự: “Ngày nào cũng vậy, như thói quen hành quân thời còn lính tráng, từ 4 giờ sáng đến 8 giờ sáng bác đi bộ 30 km. Dần dần thành quen, có lúc cao nhất tốc độ đến 9 km/giờ”. Ý định hành trình đi bộ vào thăm chiến trường xưa cũng bắt nguồn từ đó.

Nhớ lại những ngày đầu của cuộc hành trình, bác chia sẻ “Ban đầu mọi người trong gia đình ai cũng phản đối vì tuổi bác cao, đi đường một mình đau ốm biết cậy nhờ ai”. Hàng xóm láng giềng cũng căn ngăn, có người còn gọi là “hâm”.

Nhưng để thỏa mãn ước nguyện của mình, gạt những trắc trở, dị nghị, lần thứ hai trong đời bác phải nói dối gia đình về cuộc hành trình từ Bắc vào Nam “có một không hai” ấy. Bác đem tất cả tư trang chuẩn bị cho cuộc bộ hành gồm quần áo, thuốc men, võng gửi nhà bạn bè - những nơi mà gia đình không thể biết được, chờ ngày lên đường. Ngày 18/02/2008 cuộc hành trình về thăm lại nơi chiến trường xưa, một thời “nếm mật nằm gai” chính thức được bắt đầu từ Hà Nội.

Dọc đường đi, bác nghỉ lại tại ủy ban nhân dân xã, có khi tại hội cựu chiến binh, lúc cơ nhỡ trời đã muộn mà không tìm được chỗ trú chân, bác thuê nhà trọ nghỉ. Có những lúc tưởng như bước chân người cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn không thể bước tiếp. Bác bộc bạch “Đến Nghệ An, hai bàn chân phồng rộp hết, phải bỏ dép thay bằng giầy. Vào đến Quảng Bình, bàn chân nứt nẻ cả, phải chọc gót rồi mới tiếp tục đi được. Cả chặng đường đi, chỉ có một tâm nguyện là cố gắng vào đến Dinh Độc lập cho đúng ngày hội thống nhất của đất nước 30/4”.

Sau gần 30 năm trở lại chiến trường Quảng Trị năm xưa bác không khỏi xúc động trước sự thay da đổi thịt của đất nước. Nơi chiến tranh tàn phá khốc liệt năm xưa, nay bừng dậy tràn đầy nhựa sống. Sau 71 ngày bộ hành gian nan, đến 29/4 bác đặt chân đến TP. HCM đúng như tâm nguyện ban đầu.

Hành trình 7.000 km đạp xe vì công lý

Sau chuyến đi 2.000 km về nhà bác lại tiếp tục tập luyện và vẫn nung nấu ý định cho cuộc hành trình dài ngày hơn. Bác chia sẻ: “Thấy đồng đội của mình và con cái họ mang nỗi đau da cam từ thế hệ này sang thế hệ khác nên mình nghĩ cần phải làm điều gì đó cho họ”. Từ đó ngọn lửa nhiệt huyết nhen nhóm dần, bác đưa suy nghĩ của mình trình bày với Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình. Sự ủng hộ của Hội chính là động lực để bác bước tiếp trên “con đường da cam” đòi công lý cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng của thảm hỏa này. Tháng 1/2010 cuộc hành trình được bắt đầu cùng chiếc xe đạp xuất phát từ Thái Bình, ngược các tỉnh phía bắc, trở về quê sau đó tiếp tục “nam tiến”.

Hành trang đi theo bác là chiếc ba lô của quân đội, ba chiếc săm, lốp, vài mảnh vá. Cũng như lần đi trước, bác giản dị trong trang phục màu xanh áo lính. Qua các địa phương, bác tìm đến cơ quan như hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh, tỉnh đội, huyện đội, mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… để lấy chữ ký và con dấu của đơn vị đó như một bức “tâm thư” của người dân Việt Nam đòi công lý cho đồng bào của mình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

Chia sẻ về cuộc hành trình lần này, bác nói: “Đi như thế cũng nhiều vui buồn, lắm lúc cũng cực lắm. Không phải làm dâu trăm họ mà là nghìn họ. Đến nhiều địa phương, nhiều cơ sở họ không tiếp. Có nơi chưa kịp giới thiệu, họ đã nghĩ mình đi… bán sách cho Hội nên từ chối. Nhưng sau khi giới thiệu và nói về nguyện vọng của mình chỉ muốn xin tiếng nói của đơn vị, tổ chức thì người ta mới vỡ lẽ và nhiệt tình giúp đỡ”. Không kể mưa nắng bóng dáng người cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn đổ dài khắp các tỉnh/thành. Trung bình mỗi ngày 90- 100 km không ngừng nghỉ vì nếu dừng lại một ngày là số kilomet sẽ dồn ứ lại, không thể cán đích như đã dự kiến. Đạp nhiều đến nỗi lột cả da chân da tay- bác Sơn tâm sự.

Tất cả những nơi bác qua đều có dấu xác nhận của chính quyền địa phương và tâm sự của những người bác gặp. Cả hai chuyến đi bác đều có những cuốn sổ ghi chép cẩn thận. Riêng cuộc hành trình bằng xe đạp có dấu và chữ ký của gần 400 cơ quan, đơn vị, ghi nhận sự đồng tình ủng hộ của gần 21 triệu cán bộ, công viên chức cho cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam/ dioxin Việt Nam đã được giao lại cho Trung ương hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Chiếc xe đạp đồng hành chặng đường hơn 7.000 km suốt 6 tháng ròng rã được bác trao tặng lại cho Hội nạn nhân chất độc da cam Thái Bình như một kỷ vật.

Lật dở cuốn sổ ghi chép đã sờn màu ghi lại những kỷ niệm của hai cuộc hành trình, bác nói “Kỷ niệm thì nhiều nhưng nhớ nhất vẫn là cuộc gặp rất tình cờ với phái đoàn da cam Quốc tế ngày 14/04/2008 tại Vĩnh Hảo, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận”. Ông Bernie Duff - một người trong phái đoàn ấy đã viết những dòng đầy cảm phục như sau: “... Ngày hôm nay trên những con đường chúng tôi lại gặp nhau trong hòa bình. Hai chiến binh già đã tham gia cuộc chiến như là những người đồng hành và đồng thời cũng là những người bạn của các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Chào anh - người luôn mãi là bạn. Chúc anh thượng lộ bình an và tâm trí luôn sáng ngời!”.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng những di chứng của cuộc chiến khốc liệt ấy vẫn để lại hậu quả nặng nề cho đến hôm nay. Trên cuộc hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân của thảm họa da cam luôn ghi dấu bước chân của người cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn. Mong rằng những cuộc hành quân vì công lý của người lính giữa thời bình ấy sẽ góp tiếng nói giành quyền lợi cho những nạn nhân da cam, bù lại những đau thương, mất mát mà họ đã và đang hàng ngày chịu đựng.


Theo (baotintuc)-T.N