"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng..."

19/10/2012 15:19

Cuộc sống của mỗi con người chúng ta đều phải tuân theo quy luật của tạo hóa, dòng đời cứ thế trôi, cuốn đi mọi thứ về với cát bụi. Nhưng có một thứ sẽ đọng lại mãi mãi, đó là tình thương - điều mà ta sẽ cho đi và nhận lại. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ hiện nay lại đang đánh mất đi giá trị đáng quý ấy. Họ dường như vô cảm trước nỗi đau của người khác, dửng dưng trước những bất công hay tệ nạn xã hội; vô cảm, hay nói cách khác, con tim đã không còn yêu thương.

(Baonghean) Cuộc sống của mỗi con người chúng ta đều phải tuân theo quy luật của tạo hóa, dòng đời cứ thế trôi, cuốn đi mọi thứ về với cát bụi. Nhưng có một thứ sẽ đọng lại mãi mãi, đó là tình thương - điều mà ta sẽ cho đi và nhận lại. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ hiện nay lại đang đánh mất đi giá trị đáng quý ấy. Họ dường như vô cảm trước nỗi đau của người khác, dửng dưng trước những bất công hay tệ nạn xã hội; vô cảm, hay nói cách khác, con tim đã không còn yêu thương.

Chúng ta đã từng sửng sốt bởi đoạn video với những cảnh tượng nữ sinh đánh nhau, cởi đồ xé áo bạn mình được tung trên các trang mạng vô lễ với thầy cô, cha mẹ... Thế nhưng, thứ khiến chúng ta đau lòng, kinh ngạc hơn cả là khi chứng kiến những sự việc trên, hầu hết các bạn đều bàng quan và không có phản ứng. Thậm chí, không ít các bạn thay vì can ngăn lại cổ vũ hết mình cho những hành vi thiếu đạo đức đó bằng việc quay video và phát tán trên mạng Internet như một thứ để giải trí... Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Sự thật đáng buồn là tình trạng giết người đang được "trẻ hóa" khi mà rất nhiều kẻ sát nhân là thế hệ 8x, 9x nổi bật gần đây nhất là tên sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện, kẻ vô tâm tước đi 3 mạng người... Như vậy, có thể thấy vô cảm chưa phải là tội ác, nhưng nó chính là con đường dẫn đến tội ác.


Câu hỏi đặt ra là: Giới trẻ vô cảm, do đâu? Sẽ là không công bằng nếu cứ kết tội giới trẻ mà không xem xét dưới nhiều góc độ. Ngoài nguyên nhân cốt lõi là lối sống, là sự tha hóa, lệch lạc về phẩm chất, nhân cách thì trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội còn nhiều điều phải bàn. Đã đến lúc phải xem lại về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong các nhà trường khi mà việc nhồi nhét kiến thức được đặt lên hàng đầu và số một, còn đâu nữa quan điểm "Tiên học lễ hậu học văn" từ ngàn đời của ông cha? Không chỉ phải học chính khóa, đa số thời gian còn lại học sinh phải đến các lớp học thêm, lò luyện thi,... khiến thời gian cho những hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, từ thiện hầu như không có.

Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ. Các vị phụ huynh đã bao giờ tự hỏi mình đã dạy con biết sống hay chưa, mình đã hiểu con hay chưa? Có chăng, họ đã vô tình trở thành chiếc đồng hồ báo thức, nhắc việc của con mình. Suốt ngày với một điệp khúc: phải làm thế này thế nọ và cần phải đến mọi lớp học thêm để... trưởng thành! Và có mấy vị phụ huynh sΩn sàng dành thời gian để nghe con tâm sự, than vãn hay bàn về những vấn đề mà nó cho là "đại sự, cao siêu". Như vây, sự vô cảm của con trẻ phải chăng bắt đầu từ những "vô cảm" của người lớn trước những vấn đề mà giới trẻ quan tâm. Bên cạnh những nguyên nhân trên, còn một yếu tố nữa là sự phát triển của Internet và các mạng xã hội như Facebook, Tweeter,.. đã tạo nên những thế giới ảo, cuốn giới trẻ vào và trở nên thờ ơ với cuộc sống thực xung quanh...


Một chuyên gia tâm lý đã ví bệnh vô cảm như là căn bệnh "ung thư tâm hồn", gây bao hậu quả khôn lường. Đẩy lùi căn bệnh này, trước tiên cần có những thay đổi trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh. Cùng với đó, là sự thấu hiểu và sát sao của người lớn, hãy dành thời gian cho con mình, cháu mình và học trò của mình, hãy cho nó hiểu thế nào là yêu thương, trách nhiệm. Những người lớn sẽ là tấm gương để giới trẻ soi vào. Và các bạn trẻ, mỗi người hãy cất lên câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng..."!


Minh Anh ( Lớp 11A2- Trường THPT chuyên Phan Bội Châu)