Những vấn đề đặt ra

29/10/2012 18:09

(Baonghean) - Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên đã được các cấp ủy, chính quyền...

(Baonghean) - Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên đã được các cấp ủy, chính quyền và các cấp Đoàn quan tâm, tuy nhiên hiệu quả thực sự trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nhất là lao động trong độ tuổi thanh niên, đang còn nhiều điều phải suy nghĩ.

Ví dụ, thanh niên trong độ tuổi của huyện Thanh Chương có khoảng 39 ngàn người, trong đó số đi làm ăn xa khoảng trên 20 ngàn người. Thử làm một phép tính đơn giản đó là mức chênh lệch về thu nhập giữa lao động đã qua đào tạo và lao động chưa qua đào tạo là từ 500.000-1.000.000 đồng/người/tháng, thì mỗi năm thanh niên Thanh Chương tự lãng phí ít nhất là 120 tỷ đồng-một con số thực sự lớn nếu so với tổng thu ngân sách hàng năm của huyện.



Đào tạo nghề sửa chữa ô tô ở Yên Thành Ảnh: Đức Chuyên

Thực tế là vậy, song trong công tác vận động thanh niên đến với nghề nghiệp việc làm hiện nay gặp không ít khó khăn. Thanh niên ta nói chung vẫn đang mang nặng tâm lý tự do, hướng ngoại, đa số sau khi tốt nghiệp phổ thông đều theo tiếng gọi của bạn bè và sự quyến rũ của các thành phố lớn mà “lên đường”. Hành trang của họ thường là vài bộ hồ sơ cá nhân, vài mối quan hệ bạn bè. Ra đi với hai bàn tay trắng, thiếu định hướng, lẽ dĩ nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình lập nghiệp nơi xứ người. Nguyên nhân khiến các bạn trẻ chưa thật sự mặn mà với đào tạo nghề, giới thiệu việc làm thì nhiều, song tựu trung lại là: Bản thân người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, chưa nhận thức được việc đào tạo nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân, cho gia đình nên chưa quan tâm đến việc học nghề. Hơn nữa, thời gian qua, một số doanh nghiệp nhận lao động nhưng chỉ kéo dài thời gian hợp đồng từ 3 đến 6 tháng, sau đó lấy lý do chưa đáp ứng được yêu cầu công việc để chấm dứt hợp đồng. Việc lợi dụng lao động phổ thông với danh nghĩa thử việc sau đó thải loại và tuyển mới như thế tồn tại đã lâu nhưng chưa có chế tài ngăn chặn hợp lý. Điều đó tạo tâm lý e ngại cho người lao động khi cân nhắc tham gia các chương trình đào tạo nghề giới thiệu việc làm. Mặt khác, hiện nay yêu cầu về nghề nghiệp của các doanh nghiệp ngày càng cao trong khi năng lực của nhiều trung tâm dạy nghề còn hạn chế, chỉ đang tập trung đào tạo nghề mình có chứ chưa phải đào tạo nghề xã hội cần.

Để người lao động, đặc biệt là thanh niên nâng cao nhận thức về nghề nghiệp và đến với trường nghề như là một nhu cầu tự giác của bản thân, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Ngay từ khi còn là học sinh trong các trường trung học, thanh niên cần phải được định hướng một cách bài bản, nghiêm túc về nghề nghiệp, tránh tình trạng nặng về tâm lý khoa cử, xem nhẹ vai trò của người thợ đặc biệt là người thợ có tay nghề trong xã hội hiện nay. Trong vấn đề này, sự vào cuộc của cấp ủy chi bộ và là sự định hướng của gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Hệ thống chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người lao động chưa thật sự đến với quần chúng nhân dân, dẫn tới nhiều bậc phụ huynh thiếu quan tâm trong việc định hướng cho con cái lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn con đường lập nghiệp.

Cần cải tiến về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo tại trung tâm đào tạo nghề. Trong đó quan tâm đào tạo các ngành nghề xã hội đang cần. Đồng thời tập trung đào tạo các nghề gắn liền với sản xuất, chế biến và bảo quản các loại nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong giai đoạn hiện nay, đồng thời thu hút thanh niên ở lại lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng tại quê nhà.

Các tổ chức trong hệ thống chính trị cần thực sự vào cuộc, vừa đưa cơ chế chính sách đến với người lao động, vừa góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện. Tổ chức Đoàn tiếp tục phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, là nòng cốt trong việc vận động đoàn viên thanh niên đến với nghề nghiệp, việc làm. Chủ động trong việc phối hợp với các doanh nghiệp để làm tốt công tác giới thiệu việc làm ổn định cho người lao động sau đào tạo, để Đoàn-Hội thực sự là cầu nối giữa chính sách với thanh niên.


Phan Sỹ Đức (Huyện đoàn Thanh Chương)