Hiệu quả vốn vay ưu đãi ở Tương Dương

08/10/2012 14:28

(Baonghean) Tương Dương là một huyện nghèo của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo là hơn 60%. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hành Chính sách Xã hội mà nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Gia đình anh Lô Văn Mằn cách đây 3 năm là một trong những hộ nghèo nhất của bản Con Mương (Lưu Kiền, Tương Dương). Nhờ có vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội mà hiện nay, gia đình anh đã thoát diện hộ nghèo của xã. Anh vay 8 triệu đồng, mua 2 con lợn và cây xoan giống về trồng. Chỉ hơn 1 năm sau, gia đình đã trả hết nợ cho ngân hàng và dần có tích lũy.



Nhiều hộ ở Tương Dương sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế có hiệu quả.

Bản Con Mương còn có gia đình anh Lương Văn Thoong hiện có 11 con lợn. Mỗi năm, anh xuất chuồng khoảng 10 con lợn, thu về từ 50 - 60 triệu đồng. “Nếu không có 15 triệu đồng gia đình vay của ngân hàng với lãi suất ưu đãi thì chắc gì bây giờ đã thoát được nghèo”, anh Thoong khẳng định . Hiện toàn xã Lưu Kiền có 585/922 hộ tham gia vay vốn. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm được 10%. Hầu hết, người dân sử dụng vốn vay vào việc chăn nuôi và trồng rừng. Chính vì thế mà cho đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã lên tới hơn 18.000 con, trong đó gia súc chiếm một nửa. Diện tích trồng rừng của xã không ngừng tăng lên, mỗi năm trồng được từ 100-150 ha. Riêng diện tích xoan đâu của xã hiện nay gần 10.000 ha.

Xã Tam Quang, địa phương có tổng dư nợ vốn vay ưu đãi lớn nhất huyện Tương Dương. Nói về số tiền hơn 35 tỷ đồng dư nợ, ông Hồ Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã cho rằng, thấy tổng dư nợ lớn thì vừa mừng, vừa lo. Nhưng dù gì đi nữa, mừng vẫn nhiều hơn vì dư nợ nhiều là chứng tỏ người dân có ý thức vay vốn làm ăn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện nay, cả xã có 1.480 hộ, thông qua 17 tổ tham gia vay vốn. Trong đó, 2 tổ chức ủy thác có số dư nợ lớn nhất là Hội Phụ nữ và Hội Nông dân. Hầu hết, các hộ đã sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả cao.

Bằng chứng là năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tam Quang giảm từ 59,85% xuống còn 50,45%. Mà động lực lớn nhất vẫn chính là nhờ vào nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Điển hình trong việc sử dụng vốn vay ưu đãi có hiệu quả có gia đình chị Lô Thị Thiệp, ở bản Bãi Xa. Năm 2009, chị Thiệp vay của Ngân hàng CSXH 38 triệu đồng, mua 5 đôi lợn và nhận đất trồng rừng. Hiện nay, kết hợp với vốn tự có của gia đình, chị Thiệp đã xây dựng được trang trại chăn nuôi trâu bò kết hợp với trồng rừng. Hiện gia đình chị Thiệp có 8 con trâu, 14 con lợn, 300 con gà và 4 ha rừng. Hay như hộ chị Lô Thị Thu, bản Tam Bông, xã Tam Quang, cũng vay 38 triệu đồng và đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt. Sau khi đàn lợn phát triển trên 30 con, chị quyết định đầu tư mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, gia đình chị có thu nhập từ 70-100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Cảnh Thảo - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tương Dương cho biết: So với các huyện miền núi trong tỉnh, Tương Dương là địa phương có tổng dư nợ lớn nhất. Hiện nay, tổng dư nợ là 251 tỷ đồng. Trong đó có 178 tỷ đồng vốn cho hộ nghèo, hơn 2 tỷ đồng giải quyết việc làm, 2,5 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc khó khăn... góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng ngàn lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết, các hộ dân vay vốn đã sử dụng đúng mục đích và tỷ lệ nợ xấu thấp, bình quân khoảng 0,2%.

Đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi của người dân trên toàn huyện, ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Người dân trong huyện, nhất là các hộ nghèo rất phấn khởi khi được Nhà nước tạo điều kiện trong vay vốn, phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, mỗi năm huyện Tương Dương có hàng trăm hộ thoát nghèo, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu trở thành những ông chủ, bà chủ lớn của các trang trại, cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ có tâm lý ngại vay vốn vì sợ sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Thêm vào đó là ý thức, tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cán bộ. Ví dụ như xã Nhôn Mai và Mai Sơn, hiện số vốn giải ngân đang còn thừa nhưng nhiều hộ nghèo không dám vay vốn. Để các hộ nghèo mạnh dạn vay vốn làm ăn, UBND huyện tiếp tục tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, tăng cường tư vấn, dạy nghề và hướng dẫn người dân làm ăn. Mặt khác, huyện sẽ huy động cộng đồng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo bằng việc đóng góp ngày công để các hộ nghèo này phát huy hiệu quả nguồn vốn.


Phạm Bằng