Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Dự trữ quốc gia
Các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí việc thu hẹp quy định về mục tiêu của dự trữ quốc gia.
Một buổi thảo luận tại Hội trường
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH và chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Chiều 24/10, sau khi nghe Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dự trữ quốc gia, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Thu hẹp mục tiêu dự trữ quốc gia
Nhiều ý kiến đồng tình với giải trình của UBTVQH cần thiết phải có điều khoản quy định về mục tiêu của DTQG trong luật. Bởi lẽ, việc xác định mục tiêu DTQG gắn liền với việc bố trí nguồn lực tương ứng để thực hiện mục tiêu đề ra. Do đó, cần thiết phải có điều khoản xác định rõ mục tiêu nhằm tạo căn cứ pháp lý cho việc bố trí NSNN cho DTQG.
Các ý kiến đại biểu Quốc hội cũng nhất trí đề nghị chỉ tập trung vào mục tiêu phòng, chống và khắc phục những bất trắc, hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.
Báo cáo giải trình của UBTVQH nêu rõ, ngay cả ở những nước phát triển, có tiềm lực DTQG mạnh thì nguồn lực DTQG cũng chỉ được sử dụng nhằm ứng phó với những vấn đề quốc phòng, an ninh, tình huống khẩn cấp, đặc biệt nghiêm trọng.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm phù hợp với bản chất của DTQG, tránh dàn trải, UBTVQH chỉnh lý nội dung theo hướng thu hẹp mục tiêu của DTQG. Theo đó, tại Điều 1 của Dự thảo Luật quy định: “Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc sử dụng cụm từ “nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước”. Theo đại biểu Ngô Văn Hùng (đoàn Lào Cai), nếu không nêu được cụ thể nhiệm vụ “khác” là gì thì không nên đưa cụm từ này vào. Cùng chung ý kiến, đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho rằng, việc để cụm từ “nhiệm vụ cấp bách khác của Nhà nước” vô hình chung đã mở rộng mục tiêu.
Chính sách với người làm công tác DTQG
Về chế độ chính sách đối với người làm công tác dự trữ quốc gia, dự thảo Luật quy định: Người làm công tác dự trữ quốc gia được hưởng phụ cấp thâm niên; tùy theo lĩnh vực nghề, công việc đảm nhiệm được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.
Nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ đồng tình với quy định này, bởi người làm công tác này có tính đặc thù, phải làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại. Do đó, việc quy định được hưởng phụ cấp thâm niên sẽ thể hiện đúng sự quan tâm, chế độ đối với người làm công.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) đề nghị xem xét không nên quy định quá cụ thể về chế độ đối với người làm công tác dự trữ quốc gia trong luật này để thuận lợi hơn khi thực hiện chính sách tiền lương./.
(Theo vov.vn)-L.T