Bài cuối: Vốn ít, thực hiện chậm
Đến hết năm 2012, chương trình 135 giai đoạn 2 kết thúc (kéo dài thêm 2 năm so với kế hoạch). Tuy nhiên, ở Nghệ An và nhiều tỉnh thành khác, mục tiêu của chương trình chưa đạt được. Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ Tiêu chí mới và phê duyệt Chương trình 135 giai đoạn 3 , Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao vốn thực hiện năm 2011 chuyển sang thực hiện năm 2012 theo Quyết định số 2318/QĐ - TTg ngày 02/12/2011 với 5 tiểu dự án. Song bất cập là nguồn vốn đầu tư ít ỏi nên nhiều xã, thôn lúng túng trong triển khai dự án.
(Baonghean) - Đến hết năm 2012, chương trình 135 giai đoạn 2 kết thúc (kéo dài thêm 2 năm so với kế hoạch). Tuy nhiên, ở Nghệ An và nhiều tỉnh thành khác, mục tiêu của chương trình chưa đạt được. Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ Tiêu chí mới và phê duyệt Chương trình 135 giai đoạn 3 , Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao vốn thực hiện năm 2011 chuyển sang thực hiện năm 2012 theo Quyết định số 2318/QĐ - TTg ngày 02/12/2011 với 5 tiểu dự án. Song bất cập là nguồn vốn đầu tư ít ỏi nên nhiều xã, thôn lúng túng trong triển khai dự án.
>>Bài 1: Những mô hình cần nhân rộng
Nguồn vốn đầu tư manh mún
Kết thúc giai đoạn 2 của Chương trình 135, mới có 6/87 xã hoàn thành mục tiêu. Một số chỉ tiêu so với chương trình chưa đạt như: 85% số xã có công trình thuỷ lợi nhỏ (kết quả thực hiện: 75%); 100% số xã có trạm y tế đạt chuẩn (thực hiện 41%); 100% số xã có đủ trường học (thực hiện: 90%); 80 thôn bản có điện (thực hiện:70%); tỷ lệ hộ có hố tiêu hợp vệ sinh đạt thấp (40% trên 50% kế hoạch). Một trong những hạn chế của chương trình là do nguồn vốn để thực hiện chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương, chưa phát huy tối đa sức sáng tạo, ý thức tự lực tự cường của cộng đồng.
Đường giao thông ở Đôn Phục (Con Cuông) xuống cấp nghiêm trọng,
đang cần vốn đầu tư. Ảnh: Châu Lan
Đến 2012, Tân Kỳ là huyện miền núi có 3 xã đặc biệt khó khăn (135) là Tân Hợp, Phú Sơn, Tiên Kỳ và 36 thôn thuộc Chương trình 135 nằm ở các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Phúc, Giai Xuân, Hương Sơn, Nghĩa Bình, Đồng Văn, Tân Hương, Tân Xuân... Đời sống của bà con các thôn bản 135 còn rất nhiều khó khăn, giao thông hư hỏng, xuống cấp, nhiều xã chưa có mét đường nhựa nào như xã Tiên Kỳ... Theo Quyết định 101/2009 của Thủ tướng Chính phủ về định mức đầu tư cho công trình, Dự án 135, đối với xã 135: 1 công trình/1 tỷ đồng/năm, còn đối với thôn bản 135 thuộc các xã khu vực II được đầu tư 1 dự án cơ sở hạ tầng 200 triệu đồng/năm, nếu đầu tư dự án hỗ trợ sản xuất là 50 triệu đồng/năm. Ông Phạm Công Lý - Chủ tịch xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ cho biết: “Nguồn vốn đầu tư cho 1 xóm 200 triệu đồng xây dựng công trình quá ít. Nếu triển khai thì dở dang, manh mún. Vừa qua ở Đồng Văn, 4 xóm đã góp vốn lại để cùng làm một công trình là nhà mầm non Đồng Văn 2. Việc này xã thấy hợp lý và đồng tình”. Hạn chế nhất của chương trình 135 hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho các xóm quá ít. Ví như xã Đồng Văn (Tân Kỳ) có 6 xóm 135, thế nhưng nguồn vốn cấp chỉ cho 4 xóm, 6 xóm thường phải họp bốc thăm và đương nhiên 2 xóm còn lại không được thụ hưởng. Nguồn vốn đầu tư công trình cho xóm 200 triệu đồng/năm, theo bà con hiện nay không làm được công trình gì, kể cả nhà trẻ, nhà văn hóa, đường giao thông, cầu, tràn... nếu làm đường cũng được một đoạn khoảng 200m. Sở dĩ dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn là do chương trình đưa ra mục tiêu phấn đấu quá cao. Định mức vốn cho xã (khoảng 1 tỷ đồng/xã), thôn bản quá thấp, chưa cân đối với mục tiêu và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế nên chưa phát huy hết hiệu quả. Như tại xã Mường Nọc - Quế Phong, hiện vẫn còn khoảng 4 ha đất canh tác phải chịu cảnh khô hạn nhưng vốn của công trình quá ít nên không đủ để xây dựng hết chiều dài mương để tưới cho cánh đồng lúa.
Công trình triển khai chậm
Năm 2012, Quế phong được đầu tư 13 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó có 15 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống phát triển sản xuất cho đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn đã được xây dựng, gồm: 4 công trình giao thông, 3 công trình điện sinh hoạt, 2 công trình trường học, 5 công trình thủy lợi và 1 công trình nhà văn hóa.
Theo đánh giá ban đầu thì cho đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện nhiều công trình của CT 135 trên địa bàn huyện còn chậm. Trong 15 công trình thì mới chỉ 6 công trình đã thi công xong và trong đó chỉ mới 3 công trình đã lập hồ sơ quyết toán. 9 công trình còn lại hiện đang dang dở. Theo ông Phạm Ngọc Nghĩa - Trưởng phòng Công thương cho biết: ngoài nguyên nhân do địa hình miền núi phức tạp, không thuận lợi thì thời gian qua, thời tiết mưa nhiều cũng khiến cho quá trình thi công bị gián đoạn. Một số nhà thầu triển khai tập kết vật tư, vật liệu còn chậm, năng lực chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác bàn giao mặt bằng tại một số địa phương còn chậm trễ do nhận thức của người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước...
Ví dụ như công trình thủy lợi Phai Pìn tại bản Đon của xã Tiền Phong. Đây là dự án có số vốn 1,350 tỷ đồng, gồm 2 hạng mục chính là xây đập đá hộc, bọc bê tông cốt thép dài 8m và hệ thống kênh dẫn nước bê tông có chiều dài 1.000 m. Công trình này sẽ cung cấp nước tưới cho 15 ha diện tích lúa tại 2 bản Bon và bản Tảng. Công trình đã được khởi công vào tháng 7/2012 nhưng đến nay, đơn vị thi công mới tập kết được vật liệu?!
Thực hiện chủ trương một số xã làm chủ đầu tư là nhằm mục đích tăng tính dân chủ, giám sát của người dân, nhưng một số công trình đạt kết quả không cao. Nguyên nhân do một số xã vùng sâu khi làm chủ đầu tư đã lúng túng trong chọn đơn vị tư vấn, thiết kế, chọn nhà thầu hoặc bị “phân tán” trong việc chọn nhà thầu do huyện “chỉ huy”, dẫn đến tiến độ công trình bị chậm. Mặt khác, thủ tục hồ sơ, nghiệm thu và quyết toán chậm nên giải ngân chậm. Ban giám sát xã chủ yếu kiêm nhiệm, thiếu nghiệp vụ chuyên môn về XDCB nên gặp nhiều khó khăn trong khâu giám sát. Công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình chưa được chú trọng nên nhiều công trình chưa phát huy hết hiệu quả phục vụ nhân dân, tuổi thọ của công trình thấp.
Hiện nay tại một số huyện, danh mục đầu tư dự án công trình khá nhiều, vì vậy “135” không còn được huyện quan tâm mặn mà như trước, nhất là đối với công trình, dự án do xã làm chủ đầu tư. Vì vậy, sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của các cấp, các ngành… cần tiếp tục và có biện pháp mạnh để Chương trình 135 có thể hoàn thành mục tiêu.
Châu Lan - Phạm Bằng