Cần đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giao thông
(Baonghean) Mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ… Những bất cập này đã gây nên sự phức tạp về tình trạng vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ta.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh ta đã đăng ký mới 4.401 ô tô, 44.797 mô tô, di chuyển 298 ô tô, 22 mô tô, sang tên 639 ô tô và 3.089 mô tô. Cộng dồn những con số đó, thì trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số phương tiện đang quản lý là 50.947 ô tô và 972.118 mô tô.
Tại Thành phố Vinh, thời gian qua với sự gia tăng rất mạnh về phương tiện giao thông, trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật lại chưa đáp ứng được yêu cầu, nên vào giờ cao điểm tại một nhiều tuyến đường chính như: Quang Trung, Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Minh Khai, Trần Phú, Hồng Bàng, Đinh Công Tráng, Đặng Thái Thân, Ngư Hải… thường xẩy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, gây bức xúc cho người dân.
Tìm hiểu được biết, thời gian qua, do thực hiện việc thắt chặt đầu tư và nguồn thu ngân sách của tỉnh, Thành phố Vinh gặp khó khăn, nên vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất hạn hẹp.
Đường Đinh Công Tráng (Thành phố Vinh) luôn ách tắc giờ cao điểm.
Có thể thấy rằng, tại Thành phố Vinh, việc quy hoạch, thực hiện quy hoạch và đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật giao thông chưa hợp lý, thể hiện rõ nhất là triển khai chậm trễ các điểm dừng, đỗ xe, di dời bến xe ra khỏi trung tâm thành phố. Hay ở một số nút giao, cắt, đường giao thông chưa phân làn, phân luồng, thiếu thiết bị giám sát tự động, đèn tín hiệu, đèn cảnh báo tai nạn giao thông, hệ thống chiếu sáng, cọc tiêu, biển báo… Sự bất cập đó, cộng với ý thức chấp hành chưa cao về Luật Giao thông của người dân làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, xử lý mặt đường êm thuận, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các “điểm đen” thường xẩy ra tai nạn giao thông, hoặc nơi có nguy cơ xẩy ra tai nạn giao thông. Với sự hỗ trợ tích cực của ngành đường sắt và các cấp, ngành của tỉnh, “điểm đen” trên Quốc lộ 1 cắt ngang đường sắt (địa phận Nghi Liên - TP. Vinh) đã được đầu tư, nâng cấp lắp đặt các tín hiệu giao thông, mở rộng lòng đường, phân luồng phương tiện tham gia giao thông…, hạn chế được tình trạng lấn chiếm đường, vượt ẩu khi dừng chờ tàu đi qua.
Lãnh đạo ngành Giao thông - Vận tải cho biết: “Để bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc và hạn chế được tình trạng vi phạm giao thông tại địa bàn Thành phố Vinh, ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc di dời bến xe Vinh ra khỏi trung tâm thành phố; quy hoạch lại, di dời các chợ ven đường giao thông, các công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông; thực hiện quy hoạch hệ thống cầu vượt, bãi đỗ xe, điểm dừng đỗ xe trên địa bàn thành phố và lập phương án tổ chức giao thông như: kẻ vạch sơn dừng, đậu xe; phân làn, phân luồng mở lối rẽ trước ngã 3, ngã 4; lắp đặt biển chỉ dẫn đường và địa danh, biển báo hiệu phân làn, phân luồng trên địa bàn Thành phố Vinh. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người dân…”
Thành phố Vinh là đô thị loại 1 và là trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ, nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng. Vì vậy, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông rất cần được quan tâm, đầu tư hợp lý và nhất là công tác này không chỉ thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà cần sự tham gia của cả cộng đồng, xã hội.
Hoàng Vĩnh