Vai trò quan trọng của công tác vận động quần chúng

31/08/2012 17:37

­Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942) là người con xứ Nghệ, người chiến sỹ cách mạng kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng chí là người chủ trì công việc của Đảng trong giai đoạn nặng nề nhất, phức tạp nhất vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX.

(Baonghean) ­Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942) là người con xứ Nghệ, người chiến sỹ cách mạng kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng chí là người chủ trì công việc của Đảng trong giai đoạn nặng nề nhất, phức tạp nhất vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX.

Được đào tạo bài bản về lý luận quân sự, chính trị, cộng với môi trường hoạt động thực tiễn sôi động, có quá trình gắn bó, làm việc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Lê Hồng Phong nhận thức sâu sắc vai trò của quần chúng trong đấu tranh cách mạng và vai trò công tác vận động quần chúng của Đảng. Trong báo cáo đánh giá “Vai trò của giai cấp vô sản trong cách mạng Đông Dương”, đồng chí nhận định: “Tăng cường hạt nhân vô sản trong các hàng ngũ của Đảng, lôi cuốn số nhiều nhất các phần tử vô sản vào các cơ quan lãnh đạo để bảo đảm cho Đảng một sự lãnh đạo vô sản và thực hiện đúng đắn chính sách giai cấp của giai cấp vô sản trong tất cả phong trào cách mạng. Để thực hiện các nhiệm vụ hằng ngày đó, trước hết phải sử dụng tất cả các hình thức hợp pháp để thành lập các tổ chức quần chúng rộng rãi”. Khi đúc rút kinh nghiệm từ phong trào Xô viết, đồng chí nhận định nguyên nhân thất bại là do “Đảng chúng tôi chưa liên hệ chặt chẽ với quần chúng”.

Đại hội lần thứ nhất của Đảng diễn ra năm 1935 có sự chuẩn bị tích cực của đồng chí Lê Hồng Phong và tại đại hội này đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội “đã thông qua nghị quyết chính trị và các nghị quyết về công tác vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh sỹ…”. Đại hội đánh dấu sự khôi phục về tổ chức của Đảng và ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong trong việc khởi thảo chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng.

Tháng 7/1936, đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng để xác định chủ trương mới về các vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng ở Đông Dương. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất Nhân dân phản đế Đông Dương, tập hợp tất cả các giai cấp, tầng lớp yêu nước vào phong trào cách mạng. Đó là một bước tiến quan trọng trong tư duy độc lập, sáng tạo của Đảng ta do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu.

Tại hội nghị bí mật của Ban Chấp hành Trung ương họp tại làng Tân Thới Nhất trong 2 ngày 29 – 30/3/1938, với ý thức trách nhiệm sâu sắc và tinh thần tự phê bình nghiêm túc, đồng chí Lê Hồng Phong cùng Ban Chấp hành Trung ương đã kiểm điểm một cách toàn diện về các mặt công tác xây dựng và phát triển Đảng, việc thiết lập hệ thống các tổ chức quần chúng, các đoàn thể xã hội nhằm thực hiện nhiệm vụ trung tâm của Đảng và lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Nhờ có những chủ trương và quyết sách đúng đắn của Đảng ta do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu, trong năm 1938 và đầu năm 1939, mặc dù chính phủ Pháp ở chính quốc ngày càng ngả sang cánh hữu, nhưng phong trào đấu tranh của quần chúng trên đất nước ta vẫn được tiếp tục duy trì, phát triển và giành được những thắng lợi có ý nghĩa. Cả về trình độ giác ngộ của quần chúng, cũng như khả năng tổ chức và lãnh đạo của các tổ chức Đảng đều được trưởng thành nhanh chóng.


Trần Thị Thanh Hà