Từ côi cút, nghèo khó đến giảng đường đại học
(Baonghean) Ai có dịp về xã Long Sơn, huyện Anh Sơn sẽ được nghe người dân vùng quê này kể lại "kỳ tích" của 3 chị em. Mất cả bố và mẹ khi người chị đầu mới bước vào tuổi 18, cậu em út lúc bấy giờ chưa đầy 6 tuổi, nhưng 3 chị em đã yêu thương, đùm bọc nhau đi qua những tháng ngày tủi cực, gian khó để đến với giảng đường và trở thành những người có ích cho xã hội...
Dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, chúng tôi trở lại thăm gia đình cô giáo Trần Thị Thủy, chị gái của em Trần Văn Đức- cậu bé mồ côi vừa thi đậu 2 trường đại học với điểm số khá cao. Chị Thủy cho biết, cậu em trai đã lên đường vào Trường Đại học Y Dược Huế nhập học trước đó mấy ngày, và vừa rồi có mấy người đồng hương ở Hà Nội biết được hoàn cảnh của Đức đã về tặng một ít tiền để lo chuyện tàu xe và các khoản chi phí những ngày đầu nhập học. Dù đã biết được phần nào hoàn cảnh, chúng tôi vẫn ngỏ ý muốn được chị Thủy trực tiếp kể lại những tháng ngày vất vả, gian nan. Khóe mắt rưng rưng, cố gắng kìm nén sự xúc động, chị kể lại hoàn cảnh bi đát và tuổi thơ bất hạnh của cả 3 chị em mình...
Ba chị em (Thủy, Luận và Đức) khi còn trọ học ở Thành phố Vinh.
Bố mẹ chị đến với nhau khá muộn màng, bởi lẽ cả hai người đều đi ra từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Bố chị- ông Trần Văn Tam (sinh năm 1947) là chiến sỹ giải phóng quân, là một cựu tù Côn Đảo và là một thương binh với tỷ lệ thương tật 24%. Còn mẹ chị- bà Nguyễn Thị Chung (SN 1951) là một cựu Thanh niên xung phong ở tuyến đường Trường Sơn. Họ gặp nhau và quyết định xây dựng mái ấm gia đình khi đất nước đã qua cơn binh lửa, trở lại cuộc sống hòa bình vừa được mấy năm. Lúc ấy, cả hai người đều được chuyển ngành và về nhận công tác tại Nông trường Hạnh Lâm (Thanh Chương). Tuy có hơi muộn màng (so với thời điểm lúc bấy giờ) nhưng tình yêu của ông Tam và bà Chung đã đơm hoa, kết trái khi hai bé gái là Trần Thị Thủy (SN 1982) và Trần Thị Luận (SN 1984) lần lượt chào đời. Không lâu sau đó, cả hai vợ chồng ông Tam nhận được quyết định nghỉ hưu mất sức.
Trước tình cảnh đó, ông Tam quyết định đưa gia đình về quê (xã Long Sơn- Anh Sơn) làm ăn, sinh sống. Về đây, hai vợ chồng bắt tay vào gây dựng cơ nghiệp bằng cách khai phá đồi hoang trồng chè, vỡ ruộng trồng lúa và mở quán nhỏ bán hàng vặt. Với sự siêng năng, cần cù của những người đã được tôi luyện qua khói lửa chiến tranh, cuộc sống gia đình ông Tam chưa nói đến chuyện đủ đầy nhưng cũng không quá thiếu thốn. Hai cô con gái lại chăm ngoan, học giỏi. Đến năm 1994, niềm vui và hạnh phúc của gia đình ông Tam, bà Chung được nhân lên khi cậu bé Trần Văn Đức cất tiếng khóc chào đời. Có thêm thành viên mới, vợ chồng ông Tam trở nên bận rộn hơn, phải gắng sức thêm để nuôi dạy các con trưởng thành. Ngôi nhà ấy êm ấm và đầy ắp tiếng cười con trẻ...
Bất hạnh đã giáng xuống mái ấm ấy, khi cả ông Tam và bà Chung xuất hiện hàng loạt các triệu chứng bệnh tật nguy hiểm. Hai vợ chồng đi khắp các bệnh viện và cùng chăm sóc nhau để các con yên tâm học hành. Thành quả lao động tích lũy được lâu nay, lần lượt ra đi cùng với các đơn thuốc chữa bệnh và vô vàn các khoản chi phí khác. Có lẽ, hồi còn tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, bà Chung đã dồn hết sức lực cho việc "phá núi, mở đường" và "gùi bom, tải đạn" nên đến năm 1999 đã bị bệnh tật quật ngã sau một cơn đau tim. Ra đi ở độ tuổi 48, bà Chung để lại người chồng đau yếu và 3 đứa con thơ.
Còn ông Tam, những năm tháng chiến đấu khắp các chiến trường với bao thương tích và thời gian 7 năm chịu đựng cảnh tra tấn, tù đày ở Côn Đảo, nơi một thời từng được ví là "địa ngục trần gian" đã lấy đi nhiều sinh lực. Đi điều trị khắp các bệnh viện, ông vẫn không chiến thắng nổi bởi một lúc mắc quá nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Để rồi, chưa đầy 1 năm sau ngày vợ mất, ông Tam đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 103. Từ đây, 3 đứa con nhỏ của ông Tam, bà Chung rơi vào hoàn cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Trần Văn Đức (thứ 2, phải qua) tại Lễ tuyên dương, trao thưởng học sinh giỏi quốc gia và học sinh đậu đại học điểm cao do UBND tỉnh tổ chức.
Thật trớ trêu, khi Trần Thị Thủy, người con gái đầu nhận được tin vui trúng tuyển vào Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An cũng là lúc nhận được tin bố mất. Gánh nặng mưu sinh và việc nuôi dạy các em từ nay đặt lên vai người con gái tuổi 18. Có lúc, chị đã nghỉ đến việc từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo, ở nhà chăm lo sản xuất để nuôi dạy các em nên người. Bà con họ hàng, xóm giềng và bạn bè ai cũng thương chị, tìm cách động viên chị nhập học, dẫu phía trước còn rất nhiều khó khăn. Lo xong việc tang của bố, Thủy xuống Thành phố Vinh nhập học, còn Luận- người con gái thứ 2 cũng lên lớp 11, Đức lúc này cũng bắt đầu vào lớp 1.
Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông Tam và bà Chung phải bán đi nhiều thứ để lo tiền thuốc thang, vẫn dành lại cho các con ruộng vườn, ao cá. Và khi bố mẹ đau ốm, chi em Thủy đã bắt đầu làm quen với công việc ruộng đồng nên lúc này đã không còn bỡ ngỡ với công việc nhà nông. Mọi việc từ gặt lúa, hái chè, trồng rau đến nuôi cá, chăn lợn, gà... cả Thủy và Luận đều làm rất thuần thục. Vì vậy, thóc gạo, rau quả không lúc nào thiếu, thậm chí có lúc còn dư giả, đủ nuôi sống 3 chị em.
2 năm sau, Thủy bước sang năm cuối cũng là lúc Luận trúng tuyển vào ngành Sư phạm Địa lý- Trường Đại học Vinh, Còn Đức lúc này cũng bắt đầu lên lớp 3. Hai chị đều học ở Vinh nên quyết định đưa Đức xuống theo để tiện việc sinh hoạt, nuôi dạy và chăm nom em. Thế là, cậu bé Đức trở thành học sinh Trường Tiểu học Hưng Lộc (Thành phố Vinh). Ba chị em sống trong một căn phòng trọ nhỏ, hẹp nhưng hàng ngày vẫn nuôi dưỡng khát vọng vươn lên và thành đạt. Gửi lại nhà cửa, ruộng vườn cho bà con họ hàng, chị Thủy và Luận thay nhau về trông nom, chăm sóc ruộng lúa, vườn chè, ao cá.
Vào dịp nghỉ hè, nghỉ lễ tết, bạn bè vui vẻ dạo chơi, chị em Thủy lại tất tả lao vào công việc đồng áng, hết gieo trồng rồi thu hoạch, vòng quay ấy dường như không có sự ngơi nghỉ. Có thời gian rảnh, Thủy lại đi dạy kèm (gia sư) để có thêm tiền nuôi bản thân và các em ăn học. Nhờ sự giúp đỡ của người thân trong việc gieo trồng, thu hoạch và sự chăm chỉ lao động cùng khoản trợ cấp chính sách đã giúp 3 chị em Thủy đứng vững trên con đường học tập. "Vất vả nhiều rồi cũng thấy quen, có khi thấy rất bình thường. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh mất bố mẹ thì tủi cực đến phát khóc, nhất là vào những ngày lễ tết..."- Thủy nói trong xúc động.
Trần Văn Đức bên tập giấy khen về thành tích học tập.
Nói thêm về Đức. Do sinh ra khi người mẹ đã qua độ tuổi 40, lại bị căn bệnh tim mạch hành hạ nên thể trạng của em yếu hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Đang học lớp 3 (2002), Đức bị đau bụng dữ dội, phải đưa vào Bệnh viện Nhi Nghệ An. Các bác sỹ ở đây bảo rằng triệu chứng bệnh của Đức rất hiếm gặp, khó xác định nên phải chuyển lên tuyến trên. Ra Bệnh viện Nhi Trung ương, triệu chứng đau của Đức được kết luận là do một quả thận không hoạt động, gây ứ nước ở thận, buộc phải phẫu thuật mới có cơ may cứu được em. Hiện tượng này có nguyên nhân bẩm sinh nên theo quy định, trường hợp của Đức không được hưởng chế độ BHYT. Điều này đặt Thủy trước một nỗi lo lớn, có lúc tưởng chừng như đã tuyệt vọng. Thật may, sau khi hiểu rõ hoàn cảnh đáng thương của chị em Đức, lãnh đạo bệnh viện đã tìm cách giúp đỡ. Đồng thời, bà con họ hàng và bạn bè của Thủy ở Hà Nội đã đến động viên, giúp đỡ chị em Thủy trong khoảng thời gian hơn 1 tháng Đức điều trị ở đây, rồi hỗ trợ tiền tàu xe khi hai chị em ra về. Đến nay, tuy Đức mới 18 tuổi nhưng mái tóc đã bạc phân nửa, đó là di chứng của căn bệnh thận bẩm sinh.
Thủy tốt nghiệp CĐSP, trở về quê và được lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo bố trí công tác tại Trường THCS Phúc Sơn, cách nhà hơn 1 km. Đức lúc này lại theo chị về quê học lớp 4, còn Luận tiếp tục ở lại Thành phố Vinh học năm thứ 2. Quãng thời gian chị em Đức ở Vinh, căn nhà của bố mẹ ở quê đã mục nát, hư hỏng nên khi về nhận công tác, chị Thủy và Đức phải ở trong KTX của trường. Ngoài giờ lên lớp, Thủy phải tranh thủ dạy kèm, nuôi gà, lợn, cá và trồng rau kiếm thêm thu nhập để nuôi các em ăn học. Hơn 1 năm sau, Thủy kết hôn với anh Lê Thanh Kiên, một đồng nghiệp cùng trường, quê ở Thành phố Vinh. Cuộc sống gia đình càng khó khăn, bận rộn, bởi đồng lương eo hẹp nhưng Thủy vẫn quyết tâm nuôi dạy các em nên người. Hai đứa con nhỏ lần lượt chào đời, cuộc sống càng thêm khó khăn, cảnh sinh hoạt càng thêm chật chội.
Thương hoàn cảnh khó khăn, bạn bè, đồng nghiệp đã tận tình giúp đỡ vợ chồng chị xây được căn nhà nhỏ trên mảnh đất trước đây bố mẹ chị mua để làm vốn. Còn mảnh đất hương hỏa vẫn giữ lại để sau này Đức trở về lo việc hương khói. Lúc đó, Luận cũng vừa ra trường và một thời gian sau về nhận công tác tại Trường THPT Nghi Lộc 2, và nay cũng đã lập gia đình. Đức vẫn sinh sống cùng gia đình chị Thủy, được các anh chị quan tâm, yêu thương hết mực, đặc biệt là về chuyện học hành.
Không phụ lòng anh chị, Đức chăm ngoan, học giỏi. Dù sức khỏe không được tốt, Đức vẫn theo học các lớp chuyên và kết quả học tập luôn đứng tốp đầu. Và trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, Đức đã trúng tuyển vào Trường Đại học Y Dược Huế với số điểm 23,5 và Trường Đại học Quốc gia Hà Nội với số điểm 20,5 (chưa tính điểm ưu tiên). Theo ý nguyện của bố mẹ lúc sinh thời, Đức đã lên đường theo học nghề Y để chữa bệnh, cứu người...
Lúc tiễn khách ra ngõ, Trần Thị Thủy tâm sự: "Những nhọc nhằn, vất vả, tủi cực đã qua, cuộc sống giờ đã dễ thở hơn. Nhưng phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo, vì thời gian học của em Đức kéo dài tới 6-7 năm, rồi ra trường lại lo chuyện công việc. Dù thế nào, vợ chồng tôi và vợ chồng em Luận đã quyết định nuôi em theo học đến cùng để hương hồn bố mẹ được thỏa nguyện!".
Công Kiên