Trung Quốc và tín hiệu cải cách kinh tế từ Triều Tiên

19/08/2012 14:57

Tiến bộ về kinh tế có tiềm năng mang lại lợi ích cho người dân Triều Tiên là một sự thay đổi được chào đón ở đất nước này

Gần đây Triều Tiên đã bắt đầu có những động thái cải cách nền kinh tế dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau một thời gian dài chỉ tập trung nguồn lực cho phát triển quân đội. Những diễn biến mới này của Triều Tiên được giới phân tích nhận định là do có sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc. Mới đây, tờ Thời báo Kinh doanh Quốc tế (Internatioanl Business Times) đã đưa ra một số phân tích và nhận định đáng chú ý như sau:

Theo một tuyên bố từ chính phủ Trung Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc đã bắt đầu một hiệp định chung tăng cường quan hệ kinh tế. Thỏa thuận được ký kết ở Bắc Kinh giữa Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chen Deming và nhà ngoại giao Triều Tiên Jang Song-Thaek, bác của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.



Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un (Ảnh IBT)

Theo khẳng định từ Bộ Thương mại Trung Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên với nỗ lực từ chính quyền và doanh nghiệp hai nước, hợp tác trong phát triển “hai khu vực kinh tế” đã đạt được những kết quả ấn tượng và đã bước vào giai đoạn phát triển quan trọng. “Hai khu vực kinh tế” được đề cập đến là Rason, một thành phố cảng ở điểm cực bắc bán đảo Triều Tiên và hòn đảo Hwanggumpyong nằm trên sông Yalu giữa Trung Quốc Triều Tiên. Trung Quốc sẽ hỗ trợ và giúpTriều Tiên phát triển cơ sở hạ tầng để khôi phục một số ngành bao gồm nông nghiệp, chế tạo và du lịch tại hai khu vực kinh tế này.

Tiến bộ về kinh tế có tiềm năng mang lại lợi ích cho người dân Triều Tiên là một sự thay đổi được chào đón ở đất nước này.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, hơn 6 triệu người ở Triều Tiên đang cần đến sự viện trợ lương thực của cộng đồng quốc tế. Mỹ là nhà viện trợ lương thực quan trọng của Triều Tiên trong quá khứ, tuy nhiên điều này đã không còn xảy ra kể từ năm 2009. Kể từ thời điểm đó, Triều Tiên đã chuyển sang nguồn viện trợ từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. Điều này không có gì mới, tuy nhiên mối quan hệ này chỉ được tăng cường trong vài năm gần đây.

Theo đó, quan hệ thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2011 với 5,63 tỷ USD, tăng 62,5% so với 3,46 tỷ USD của năm 2010. Trong khi đó, thương mại với Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của Triều Tiên đã giảm khoảng 10% xuống còn 1,71 tỷ USD trong năm 2011.

Sự sụt giảm thương mại và viện trợ của Mỹ và Hàn Quốc như là một phần nguyên nhân khiến cho Triều Tiên ngày càng tăng cường tìm kiếm hỗ trợ từ Trung Quốc. Triều Tiên cũng được cho là đã bắt đầu tiến hành cải cách chính sách và cơ chế điều hành. Trong một diễn biến bất ngờ khác, Triều Tiên dự kiến sẽ có các cuộc đối thoại với Nhật Bản trong một hội nghị vào cuối tháng này.

Theo các nhà phân tích, mặc dù hợp tác kinh tế với Trung Quốc có thể giúp Triều Tiên có những thay đổi nhất định, tuy nhiên sự kết nối này chưa đảm bảo bền vững xét về dài hạn./.


Theo VOV - ĐT