Cần bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho doanh nghiệp ngoài nhà nước

20/08/2012 18:26

Ngày 20-8, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trình bày tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tờ trình về dự án Luật Giáo dục Quốc phòng- An ninh (QPAN), gồm 6 chương, 42 điều.

Trong đó, thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ về vấn đề còn ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng luật. Đó là cần thiết phải bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo. Theo Chính phủ, đây đều là đối tượng có vai trò, vị trí nhất định trong đời sống tinh thần của xã hội nên cần nắm được kiến thức quốc phòng - an ninh một cách hệ thống, sâu rộng.

Cơ quan thẩm tra - Thường trực Ủy ban QPAN của QH đồng ý với nguyên tắc này. Thực tế cho thấy, việc bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trong thời gian qua đã được triển khai thí điểm và nhân rộng trên 56 tỉnh, thành phố đều cho thấy kết quả tích cực và ổn định. Tuy nhiên việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng trong giới doanh nghiệp nhiều khó khăn, tính khả thi thấp. Do đó, đề nghị dự thảo luật chỉ nên quy định có tính nguyên tắc theo hướng phân loại tiêu chí doanh nghiệp căn cứ vào quy mô, tính chất, số lượng lao động và mức độ ảnh hưởng đối với xã hội để xác định là đối tượng thuộc diện bồi dưỡng hoặc phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh, để đảm bảo tính khả thi.



Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai
phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, dự án luật cũng cần quy định cụ thể về phổ biến kiến thức quốc phòng an ninh toàn dân. Theo đó, tại các địa phương, địa bàn trọng điểm về QPAN cần phổ biến kiến thức QPAN tới từng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chủ hộ tàu, thuyền hoạt động dài ngày trên biển; người lao động ở các vùng biên giới, hải đảo. Đây là biện pháp thiết thực góp phần củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở cơ sở. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị Ban soạn thảo Luật về tính đồng bộ, thống nhất của Luật này với các văn bản pháp luật khác có liên quan, như Luật Tổ chức cán bộ, Luật tổ chức Quốc hội, Hội đồng nhân dân... cũng như lượng định kinh phí cho công tác này.

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 10- 9- 2004 giữa UBTVQH khóa XI và Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn các đại biểu QH tiếp xúc cử tri.


Theo (hanoimoi.com.vn) - L.T