Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

11/09/2012 11:06

(Baonghean) - Cán bộ, công chức muốn giữ các cương vị lãnh đạo đều phải được cấp ủy phân công, giới thiệu. Nhưng sau khi...

(Baonghean) - Cán bộ, công chức muốn giữ các cương vị lãnh đạo đều phải được cấp ủy phân công, giới thiệu. Nhưng sau khi được bổ nhiệm, có những người đứng đầu do động cơ cá nhân nên chấp hành chủ trương của cấp ủy không nghiêm, thậm chí làm sai, cấp ủy có ý kiến vẫn không sửa chữa. Khi vai trò cấp ủy bị người đứng đầu xem nhẹ thì việc bàn bạc các chủ trương sẽ rơi vào hình thức, bàn rồi “để đó”, không được thực hiện. Sự phớt lờ ý kiến cấp ủy và tập thể của người đứng đầu nhiều khi dẫn đến mất dân chủ nghiêm trọng, từ đó để lại hậu quả lâu dài cho cơ quan, đơn vị.

Tâm lý sợ cấp trên làm cho những cán bộ cấp dưới thiếu bản lĩnh không dám phản đối ý kiến của người đứng đầu, mặc dù biết rằng ý kiến đó không vì lợi ích chung. Có nhiều cách để người đứng đầu chi phối tập thể: lợi dụng quan hệ thân quen để tạo phe nhóm, tìm cách cô lập những người không ủng hộ mình, thậm chí trù dập những người đấu tranh thẳng thắn. Có trường hợp do người đứng đầu có tư tưởng cá nhân, nên một số cán bộ trong cấp ủy cũng tính toán cá nhân làm cho công việc chung khó giải quyết. Mọi căn bệnh của tập thể đều bắt nguồn từ những yếu kém, khuyết điểm của người đứng đầu. Tập thể mất đoàn kết do người đứng đầu cục bộ, bè phái. Tập thể thiếu kỷ cương do người đứng đầu không có ý thức kỷ luật. Khi người đứng đầu không gương mẫu thì trong tập thể sẽ xuất hiện những hiện tượng tiêu cực như: chạy chức chạy quyền, lợi dụng cấp trên để vụ lợi, làm việc không có tinh thần trách nhiệm.

Muốn làm trong sạch tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước thì vấn đề mấu chốt nhất trong đợt kiểm điểm tự phê bình, phê bình thực hiện Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI) là làm rõ tinh thần trách nhiệm và tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu.


TRẦN HỒNG CƠ