Bài 1: Mùa măng - mùa... phá rừng

03/10/2012 10:52

Vườn Quốc gia Pù Mát có trên 94.000 ha, trải rộng trên 3 huyện miền núi Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương với nhiều lâm sản quý hiếm. Tuy nhiên tài nguyên quý hiếm ấy luôn trong tình trạng bị xâm hại. Vào thời điểm này, hoạt động khai thác, chế biến măng khô của hàng trăm người dân địa phương đang diễn ra rầm rộ và công khai giữa vùng lõi VQG Pù Mát...

(Baonghean) - Vườn Quốc gia Pù Mát có trên 94.000 ha, trải rộng trên 3 huyện miền núi Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương với nhiều lâm sản quý hiếm. Tuy nhiên tài nguyên quý hiếm ấy luôn trong tình trạng bị xâm hại. Vào thời điểm này, hoạt động khai thác, chế biến măng khô của hàng trăm người dân địa phương đang diễn ra rầm rộ và công khai giữa vùng lõi VQG Pù Mát...

Bản đìu hiu, rừng náo nhiệt

Trong vai những người đi rừng, chúng tôi không gặp khó khăn khi hỏi về vùng khai thác măng sôi động nhất tại VQG Pù Mát. Một cụ ông trú ở bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông) nói rằng, bây giờ đã cuối mùa nhưng người ta vẫn khai thác măng nứa rầm rộ ở thượng nguồn Khe Khặng (sông Giăng) và thượng nguồn Khe Yên (thuộc làng Yên – xã Môn Sơn – Con Cuông).

Ghé bản Yên, xã Môn Sơn vào sáng 25/9, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì cảnh tượng “đìu hiu” trong bản. Thỉnh thoảng có một vài người già từ những căn nhà sàn ghé mắt nhìn chúng tôi có ý dò hỏi, và đám trẻ nhỏ thơ thẩn trên đường, những đứa nhỏ hơn thì đang ngoẹo đầu trên lưng chị hoặc bà. Được biết, bản có gần 170 hộ dân, nhưng tính ra thì có quá nửa số hộ đã vào rừng sâu hái măng. “Bản ta chỉ còn người già và trẻ nhỏ thôi, còn những người khỏe mạnh đi rừng cả rồi”- một cụ già cho hay. Chúng tôi dừng chân ở một cái quán nhỏ ngay giữa bản, hỏi đường vào “thủ phủ” của măng khô, chị chủ quán rất nhiệt tình chỉ lối, nhưng khi chúng tôi có nhã ý muốn mượn một người dẫn đường, thì chị nói rằng, từ mờ sớm mọi người đã vào rừng hết rồi, giờ này nhà nào cũng vắng người nên có lẽ yêu cầu của chúng tôi khó mà đáp ứng. Chị cũng tự hào nói thêm, bản của chị được xem là địa phương “đi đầu” trong nghề hái, chế biến măng. Nếu tính theo khẩu thì có lẽ phải có tới hơn 300 người đang “lao động” trong rừng hiện nay.

Mất hơn 3 giờ đồng hồ trèo dốc, lội suối và phải bơi qua những đoạn suối ngập quá đầu người, chúng tôi mới tiếp cận được với những lán trại đầu tiên của người khai thác măng. Đó là lán của chị Lang Thị Hồng, người bản Yên. Chị cùng chồng và một vài người nữa trong bản đã ở lại lán này khoảng 1 tuần để khai thác măng. Nhóm của chị Hồng may mắn hơn vì tận dụng được chiếc chòi canh rẫy làm lán ở, phía ngoài lán có một khoảng đất trống tiện việc phơi măng. Còn lại những người khác họ phải tự chặt cây hạ trại, dựng lán giữa rừng. Theo chị Hồng, một số người chỉ khai thác ở vùng rừng ngoài đã được giao cho từng chủ hộ, còn phần lớn vẫn tìm đến những khu rừng già, cây nứa cao, măng to, dày và bán được giá hơn so với măng mọc ở rừng non. Người đi khai thác măng không chỉ có ở bản Yên mà còn từ các xã khác như Lục Dạ, Yên Khê, thậm chí là Anh Sơn... “Phía trong kia còn đông đúc lắm”, một anh thợ rừng tên Thính trạc 40 tuổi, cũng người bản Yên cho hay. Vào mùa măng, người dân kéo nhau vào rừng như trẩy hội. Thậm chí ở trong rừng còn có cả những quán hàng “dã chiến” mọc lên với đủ mặt hàng: gạo, muối, thực phẩm, rượu... để phục vụ nhu cầu của những thợ hái măng dài ngày.



Công đoạn luộc măng

Quả đúng như lời anh Thính. Đi vào sâu hơn, chúng tôi bắt gặp thêm nhiều nhóm lán trại được dựng lên, không khí tấp nập hơn với những bếp lửa nghi ngút khói. Chúng tôi bước vào lán của anh em Vi Văn Thìn và Vi Văn Duẩn, trú ở bản Mon (xã Môn Sơn) núp sâu dưới tán rừng, ngay cạnh mép khe suối. 2 anh em Thìn đang miệt mài xử lý măng: người đảo củi, người chọc lỗ cho măng, người luộc, có bếp thì đang sấy măng sau khi luộc ...thoăn thoắt, điệu nghệ. Lán được dựng lên bởi mấy chiếc cọc, mái lợp lá cọ tạm bợ. Trong mỗi cái lán có bố trí bếp luộc măng, nồi quân dụng, nồi nấu cơm, dao thớt và bếp sấy măng, cùng với cái sạp đơn sơ để ngả lưng. Xung quanh lán trại ngổn ngang củi tươi, chuẩn bị cho vào lò sấy măng. Trò chuyện, anh Thìn vô tư nói: Nhóm hái măng của anh ở trong rừng này đã hơn 1 tuần. Khi hết gạo, muối, dầu đèn, thực phẩm thì cho 1 người về bản mua rồi tức tốc trở lại rừng.



... và vận chuyển măng bằng bè nứa về bản.

Ngược khe Yên, đi sâu tiếp vào đến thác Ang khoảng 1km, chúng tôi đếm được hơn chục nhóm lán trại. Mỗi nhóm khoảng 3, 4 cái. Lán thì đông, nhưng người có vẻ vắng, chúng tôi đứng chờ một lát thì thấy người ta lục tục gùi măng từ trong rừng sâu trở ra. Có những người gùi cả măng khô ra để chuẩn bị kết bè nứa, xuôi dòng khe Yên về bản. Một phụ nữ tên Hồng cho biết: Phía trong kia vẫn còn nhiều người và nhiều lán trại lắm. Không chỉ lập lán ven khe, mà người dân còn lập lán bên cả lưng chừng núi. Bất kể nơi nào có nhiều măng là có lán trại.

Hệ lụy từ... măng

Theo như lời của anh Vi Văn Thìn thì vì cuộc sống khó khăn, nên năm nào anh em Thìn cũng vô đây lấy măng. Mùa măng kéo dài trong 3 tháng, từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9. Thời gian này là đầu mùa mưa, măng mọc nhiều và dày măng. Trong vùng lõi này, măng nứa nhiều vô kể. Làm măng khô chỉ có lấy măng nứa mới ngon. Bí quyết hái măng đảm bảo chất lượng là khi măng mọc được 60 – 80 cm là chặt, lóc vỏ tại chỗ, sau đó mang về lán làm sạch một lần nữa. Trước khi cho vào nồi luộc thì chọc một lỗ giữa ống măng để nước vào nhanh chín và không bị đỏ măng. Thời gian luộc từ 30 phút đến 1 tiếng. Măng chín, đổ ra dùng dao chẻ một bên ống măng, sau đó đưa ra phơi nắng. Nếu trời nắng to thì phơi 2 ngày. Trường hợp nắng yếu, hoặc mưa thì phải trải măng lên tấm liếp, kê cao chừng 1m, chụm củi đốt thâu đêm để sấy. Để củi cháy được lâu và không bị ngọn lửa đớp cháy thì sử dụng củi tươi là tốt nhất. Và tốt hơn là dùng loại cây gỗ cứng thì than mới cháy đượm. Trong vai người đi mua măng khô, tôi yêu cầu là măng phải có màu vàng đẹp. Thìn nói, dễ ợt. Muốn măng có màu vàng đẹp thì luộc cho nhiều nước và khi nước đun sôi mới cho măng vào, chứ không sử dụng bất kỳ một hóa chất nào. Bọn em nghe nói nhiều nơi dùng hóa chất gì đó để xử lý măng, nhưng ở đây tuyệt đối không.

Mỗi cân măng khô hiện tại bán với giá 75.000 đồng. 2 anh em Thìn làm mỗi ngày ít nhất được 3 kg măng khô, tương đương 30 – 40 kg măng tươi. Như vậy, để hái được ngần ấy măng tươi, mỗi ngày có tới hàng trăm cây rừng khác phải nằm diện “phải phát quang” dưới bàn tay của anh em Thìn, đó là chưa kể để lấy củi đốt măng thì phải thêm nhiều cây gỗ nữa. Chúng tôi nhìn dưới bếp sấy, còn nguyên những thân gỗ tươi đường kính 40-50 cm đang đỏ rực than. “Anh em vào vùng lõi hái măng mà không bị kiểm lâm bắt à?” chúng tôi hỏi. Thìn trả lời: Có chứ, vì đây là rừng cấm. Nhưng khi cán bộ kiểm lâm phát hiện thì mình “xin” làm ít ngày. Hái măng là nghề kiếm sống của dân bản mà. “Có khi nào bị cán bộ kiểm lâm đốt lán chưa?” “Chưa, vì lán mình ở liên tục là kiểm lâm không đốt. Nếu phát hiện lán không còn người ở thì kiểm lâm mới đốt.”

Những hoạt động hái và chế biến măng khô cùng với việc khai thác gỗ khiến vùng rừng cấm này trở nên tan hoang. Vì theo phân tích của người dân, để lấy được 1 cây măng, người hái măng phải chặt đi nhiều cây rừng xung quanh. Và nguy hại hơn, để sấy được măng, người ta chặt những cây gỗ có đường kính trên 20 cm trở lên để đốt sấy. Tính ra mỗi nhóm như vậy sử dụng 2 -3 m3 gỗ để sấy măng trong một chuyến đi rừng 3 ngày, thì mỗi mùa măng như vậy, vùng “phố măng” này đốt tới hàng nghìn m3 gỗ non. Và năm nào cũng vậy, cứ đến mùa măng là người dân kéo nhau vào rừng khai thác, điều đó đồng nghĩa với việc cây rừng lại tiếp tục bị chặt phá vô tội vạ.



Măng được sấy ở các lán dựng trong rừng

Cùng với việc tấp nập hái măng, chặt cây rừng, thì để cải thiện bữa ăn, những người dân sinh sống dài ngày cùng mùa măng cũng kiếm thêm bằng nghề săn bắt thú rừng và đánh bắt cá dưới khe suối. Tất cả những hoạt động trên đều là những hoạt động cấm ở vùng lõi. Ấy là chưa kể việc cháy rừng là nguy cơ nhãn tiền có thể thấy với những bếp lửa đỏ và lán trại nghi ngút khói. Một người khai thác măng gần chân thác khe Ang, đầu nguồn khe Yên cho biết, thỉnh thoảng anh này cũng bị lực lượng kiểm lâm bắt gặp khi đang đốt lửa nấu măng tại lán, nhưng họ cũng chỉ nhắc nhở rồi yêu cầu những người này đi ra khỏi rừng, hầu như không có trường hợp nào bị xử lí. Vì nhiều lẽ, trong đó có cả lòng “trắc ẩn” đối với cuộc sống còn bộn bề khó khăn của bà con các thôn bản lân cận mà lực lượng này có phần nhẹ tay đối với những hoạt động khai thác lâm sản trái phép.

Ông Đặng Đình Xuân – Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Pù Mát, cho rằng: Đối với VQG Pù Mát là nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác lâm sản của con người. Nếu phát hiện người dân nào vào vùng lõi có hành vi xâm hại rừng thì xử lý. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, lực lượng kiểm lâm mỏng nên nhiều lúc chưa kiểm soát được một cách chặt chẽ, đặc biệt là đối với người dân hái măng khi mùa măng về. Biết rằng hệ lụy của việc khai thác măng là chặt phá rừng và gây cháy rừng… nhưng xem ra rất khó nghiêm cấm.
(Còn nữa)


Nhóm P.V