“Lớp học tình thương” ở xóm nhà nốc

03/10/2012 18:47

(Baonghean) - Đã 2 năm nay, những đứa trẻ ở xóm nhà nốc đã quen với việc các anh chị sinh viên tình nguyện đến dạy học cho mình. Chẳng biết tự lúc nào, các anh, các chị trở thành thân thiết, gắn bó với các em, được bố mẹ các em yêu quý coi như con cái trong nhà…

Cứ đều đặn mỗi tuần vào chiều thứ 4, ngày thứ 7 và chiều Chủ nhật, các bạn sinh viên thuộc CLB sinh viên tình nguyện Thành Vinh đến dạy học cho các em nhỏ ở xóm nổi ven sông Cửa Tiền, phường Vinh Tân, TP. Vinh. Các bạn sinh viên chủ yếu dạy các môn: Toán, Văn, Tiếng Anh, Hóa học… Bạn Nguyễn Thị Hòa (ĐH Vinh) phụ trách đội tình nguyện dạy học ở đây cho biết: “Suốt 2 năm nay, lớp học của bọn mình duy trì sĩ số khoảng từ 11 – 13 em ở làng chài ven sông Cửa Tiền, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là những đứa trẻ ở xóm nhà nốc. Cái tên “xóm nhà nốc” cũng là do sinh viên tình nguyện bọn mình đặt ra, từ hình ảnh vào mùa mưa, nước ngập vào những túp lều, người dân ở đây phải xuống nốc (thuyền nhỏ) ở.



“Lớp học tình thương” do các sinh viên CLB tình nguyện Thành Vinh đảm nhận

Những ngày đầu của lớp học tình thương rất khó khăn. Hòa kể lại, hồi đó những người dân ở xóm nốc không cởi mở, đón nhận bọn mình, bởi trước đó cũng từng có đoàn sinh viên đến dạy học, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì dừng lại. “Chính vì thế họ không tin tưởng bọn mình, cho rằng bọn mình cũng sẽ bỏ đi, và chẳng làm thay đổi, giúp đỡ được gì cho họ. Bọn mình phải thuyết phục mãi, rồi chứng minh bằng sự nhiệt tình, bằng việc đều đặn đến dạy học cho các em. Dần dần, họ đã tin tưởng, coi bọn mình như con cái trong nhà”.

Bố mẹ vất vả nên phần lớn những đứa trẻ xóm nhà nốc phải phụ giúp kiếm tiền, không có nhiều thời gian để học, con trai đi lưới, con gái chiều đến lại ra chợ Vinh bán cá. “Thấy các em nhỏ vất vả như thế, nên các bạn sinh viên càng thương, càng cố gắng hơn để đến với các em đều đặn, để bù đắp phần nào những thiếu thốn cho các em. Các bạn sinh viên đã sửa sang lại lớp học, vốn là 1 trong 4 túp lều của cư dân xóm nhà nốc, từ việc đóng lại sàn nhà cho bằng phẳng để ngồi, đóng bàn ghế, đóng thêm tấm phên để che lại mỗi khi trời mưa gió. Lớp học đơn sơ nhưng đã duy trì bền vững suốt 2 năm liền.

Bạn Nguyễn Thị Hồng ( ĐH Y khoa Vinh) dạy học ở đây đã 1 năm, chia sẻ: “Ngày đầu tiên tham gia tình nguyện, một anh trong đoàn dẫn em tới xóm nhà nốc này. Dạo ấy đang vào mùa mưa, nước ngập mấp mé sàn nhà. Em đứng bên kia sông, nhìn mấy em nhỏ chèo thuyền sang đón mình mà cảm động rơi nước mắt. Cứ nghĩ những cảnh này chỉ có ở miền Tây Nam bộ không ngờ rằng đằng sau chợ Vinh, bên cạnh khu phố sầm uất, toàn nhà cao tầng kia lại có một nơi như thế. Tự nhiên em thấy có sự gắn bó đến kỳ lạ! Từ đó em dạy bọn trẻ học đến bây giờ”.

Đang giữa buổi học, thấy có một bóng người thấp thoáng bên dưới, các em nhỏ đã reo hò ầm ĩ, chạy ra đón. Thì ra đó là cô giáo Võ Thị Huyền (sinh viên năm cuối ĐH Vinh). Huyền dạy học ở đây cũng khá lâu rồi và được các em nhỏ vô cùng yêu quý. Theo như lời các bạn trong nhóm kể, Huyền là người nhiệt tình nhất. Có đợt, các em ôn thi học kỳ, nhưng vẫn phải phụ bố mẹ đi lưới, bán cá, không có thời gian rảnh ban ngày để học, Huyền đã đến với các em vào các buổi tối để dạy kèm, ôn luyện. Có hôm muộn quá, cô sinh viên còn ngủ lại trong những túp lều đơn sơ, nghèo nàn, rồi sáng sớm hôm sau vội vã trở về lên giảng đường đi học. Huyền kể: “Thương lắm, nhiều hôm đến 9, 10h tối mà các em vẫn chưa ăn cơm vì đang đi làm với bố mẹ, sáng 4 rưỡi đã dậy rồi, nên không có thời gian học. Mình phải dạy thêm vào buổi đêm, nhiều hôm ngủ lại đây luôn. Nhưng năm nay là năm cuối, việc học ở trường quá bận rộn nên không thể đều đặn đến dạy học cho các em. Thỉnh thoảng tranh thủ thời gian đến thăm và hỏi han tình hình cho đỡ nhớ”.

Tấm lòng của các bạn sinh viên cũng đã được đền đáp lại bằng những tiến bộ trong học tập của các em nhỏ. Kể từ ngày được dạy kèm, lực học của các em đều có tiến bộ hơn. Lúc mới đến dạy, có những em đã học lớp 2 rồi mà chưa nhớ hết bảng chữ cái, nhưng một thời gian sau đã biết đọc, biết viết trôi chảy, có em còn đạt học sinh xuất sắc như em Lê Thị Oanh (lớp 3B, Trường Tiểu học Vinh Tân, TP. Vinh). Năm học trước có tới 5 em được học sinh tiên tiến. “Các em vốn thông minh, nhanh nhẹn, nhưng do không có thời gian học bài nên kết quả học hành kém. Nhưng đứa nào cũng đáng yêu, tình cảm, rất ngoan và nghe lời anh chị, vì thế dần dần sau một thời gian dạy bảo đã có tiến bộ rất nhiều”, bạn Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.

Không chỉ dạy học, các bạn sinh viên còn phải vận động các em tiếp tục đi học, không được nghỉ giữa chừng. Em Lê Văn Tú đang học lớp 9 Trường THCS Vinh Tân đã nhiều lần muốn bỏ học vì tự ti, chán nản với hoàn cảnh gia đình. Các “thầy, cô giáo” tình nguyện phải thường xuyên động viên Tú, rồi nói chuyện, thuyết phục cả bố mẹ em để em tiếp tục đến trường.

Chính vì sự quan tâm hết lòng đó của các bạn sinh viên, đã khiến những người dân xóm nhà nốc cảm động, cố gắng cho con được đi học. Ông Lê Văn Niên (40 tuổi) tâm sự: “Cả mấy nhà chúng tôi đều từ Quảng Bình ra đây, khó khăn vất vả lắm. Đời chúng tôi coi như là “tối” rồi, cả 2 vợ chồng có biết chữ mô, dừ chộ con đi học được là mừng, lại có các anh, các chị tình nguyện dạy thêm cho thì nỏ có chi tốt bằng cả. Thôi thì cơm cà, rau muống cũng cố cho con biết cái chữ cho đời nó sáng lên”.


Hồ Lài