Giấc mơ về bến thiện

01/11/2012 17:43

Quá khứ vẫn thường cứ ám ảnh đến tương lai – có lẽ hơn ai hết những người có H hiểu và cảm nhận rõ về điều này. Chính những ám ảnh đó cộng thêm thái độ kỳ thị của một bộ phận người dân đã khiến cuộc sống mưu sinh của họ thêm phần khó khăn vất vả. Tuy vậy phần lớn người có H vẫn không ngừng cố gắng vươn lên với những khát vọng tươi đẹp.

(Baonghean.vn) - Quá khứ vẫn thường cứ ám ảnh đến tương lai – có lẽ hơn ai hết những người có H hiểu và cảm nhận rõ về điều này. Chính những ám ảnh đó cộng thêm thái độ kỳ thị của một bộ phận người dân đã khiến cuộc sống mưu sinh của họ thêm phần khó khăn vất vả. Tuy vậy phần lớn người có H vẫn không ngừng cố gắng vươn lên với những khát vọng tươi đẹp.

Hợp tác xã Sông lam Xanh là một mô hình kinh tế được hình thành và phát triển bởi Nhóm tự lực Sông Lam Xanh, chuyên buôn bán lẻ các mặt hàng nhu yếu phẩm trong sinh hoạt thường ngày; qua kinh doanh để có nguồn thu nhằm trang trải cho các hoạt động của nhóm trên địa bàn. Hợp tác xã được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nghệ An cấp giấy phép vào tháng 6/2011 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2011. Sau gần một năm hoạt động, Hợp tác xã đã thu được một số kết quả bước đầu…Theo lời giới thiệu của cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Nghệ An, chúng tôi đã tìm về trụ sở của Hợp tác xã đóng tại số 15, đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Vinh.

Nói là trụ sở nhưng thực chất nơi làm việc, kinh doanh của Hợp tác xã chỉ vọn vẹn là hai gian ốt nhỏ, len chật ních đủ loại hàng hóa. Có lẽ vì không gian chật, hoạt động bán mua sôi nổi hay là vì thái độ nhiệt tình phục vụ khách mà khiến người đến đây có cảm giác ấm cúng hơn giữa tiết trời cuối thu se lạnh. Vãn khách ngơi tay, nhân viên bán hàng và cả ông chủ nhiệm rót nước mời khách, ngồi tâm tình những câu chuyện buồn vui…

Khác xa những mưởng tượng về người có H, chị Nguyễn Thị Hương, 33 tuổi, một thành viên của nhóm, đã cởi mở chia sẻ về ký ức buồn đau của mình: Năm 21 tuổi, Hương lập gia đình mà không hề biết rằng người mình lấy đã nhiễm H. Một năm sau thì Hương được đón niềm vui làm mẹ và trong thời gian này chồng chị phát bệnh, thường xuyên đau ốm dài ngày. Cuối năm 2002, trong lần chị chở chồng đi khám bệnh thì bị tai nạn giao thông, anh đã không may qua đời. Mãi đến năm 2008, thấy sức khỏe mình và con trai ngày một yếu thì Hương nhập viện điều trị mới biết mình đã bị nhiễm H từ chồng. Buồn phận mình một lo cho con mười nhưng ông trời lại không thương, cháu cũng đã nhiễm H giai đoạn cuối. Trong nỗi đau mất mát, chán nản cùng cực đó thì chị Hương đã được gặp những người cùng cảnh, gặp anh Phan Văn Kiên, nhà ở phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh – Nhóm trưởng Nhóm Sông Lam Xanh, Chủ nhiệm Hợp tác xã bây giờ. Được anh Kiên chia sẻ, động viên, mời tham gia vào nhóm sinh hoạt đã khiến chị thấy lạc quan, cuộc sống vẫn còn nhiều ý nghĩa. Giờ chị Hương là 1 trong 8 thành viên của hợp tác xã, kế toán kiêm thủ quỹ.



Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với anh Phan Văn Kiên, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Lam Xanh

Quay lại câu chuyện của Hợp tác xã sông Lam Xanh: Năm 2008, ở thành phố Vinh lúc này, những người có H vẫn đang chịu sự phân biệt kỳ thị. Trên con đường hướng thiện của mình, anh Phan Văn Kiên – một người có H do tiêm chích ma túy nhận thấy những lợi ích lâu dài của việc thành lập nhóm nên đã đứng ra kêu gọi những người đồng cảnh tham gia. Nhóm Sông Lam Xanh đã ra đời vào ngày 30/10/2008 và được sự bảo trợ kỹ thuật và tài chính của Dự án Trung tâm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Hoạt động của nhóm bao gồm việc chăm sóc giúp đỡ những người có H trên địa bàn, tổ chức các lớp tập huấn truyền thông nâng cao kiến thức về HIV, các kỹ năng phòng lây nhiễm chéo trong gia đình. Không ngừng nỗ lực, Kiên đã vận động được nhiều người cùng cảnh tham gia. Ban đầu nhóm chỉ có 25 người đăng ký tham gia và nhanh chóng tăng lên thành 50 thành viên... Sau đó, Kiên và các bạn đã nghĩ ngay đến việc hình thành nên mô hình sinh kế để có tiền trang trải hoạt động của nhóm khi các dự án tài trợ rút, giúp đỡ thêm cho đời sống thành viên. Và cũng phải mất đến 2 năm rưỡi, bản đề án Hợp tác xã Sông Lam Xanh mới hoàn tất cũng như giành được nguồn vốn hỗ trợ khởi sự ban đầu 40 triệu đồng của Dự án nâng cao năng lực y tế …

Phan Văn Kiên cho hay: Địa điểm tốt, mọi người cố gắng nên việc kinh doanh Hợp tác xã cũng không đến nỗi nào. Trước đây, mặt hàng ban đầu là lương thực thực phẩm bây giờ tôi đưa gần 200 mặt hàng. Vốn khởi sự ban đầu là 40 triệu, sau 5 tháng thì có thêm 40 triệu vốn điều lệ nữa là thành 80 triệu. Lơi nhuận một tháng là 6 triệu, trừ các chi phí còn lại 3 triệu đủ trang trải cho các hoạt động truyền thông tập huấn của nhóm .

Nói như vậy là lợi nhuận Hợp tác xã hiện tại mới chỉ đủ cho nhóm hoạt động chứ chưa hề giúp đỡ được gì cho đời sống kinh tế gia đình của mỗi thành viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Hương cũng thú nhận: Kế mưu sinh của mình vẫn đang dựa vào ốt tạp hóa riêng trước nhà cũng như làm nông nghiệp. 8 người của Hợp tác xã cày kéo để kiếm tiền cho hoạt động của 50 người thì chỉ mong đủ để duy trì nhóm mà thôi…Phan Văn Kiên cũng buồn buồn cho hay: Về lâu dài chúng tôi vẫn mong muốn một tổ chức, đơn vị nào đó cho vay hoặc hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để Hợp tác xã phát huy mở rộng mô hình nhằm tạo được công ăn việc làm ổn định, lợi nhuận nhiều hơn để hỗ trợ các bạn. Chúng tôi đã đi đến rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xin giúp đỡ nhưng thu lại chỉ là những lời hứa. Có nơi đến 10 lần thì cả 10 lần đều chỉ gặp được bác bảo vệ. Nói vậy không có nghĩa là nhóm, hợp tác xã không tự thân vận động cố gắng, hiện đã gửi nhiều bạn đi học nghề, làm nghề tại các cơ sở gia công cơ khí, sửa chữa điện tử, điện lạnh, làm mộc. Trước hết là đảm bảo cuộc sống cho thanh viên, sau nữa là có tay nghề sẵn sàng chuẩn bị mở rộng hợp tác xã sắp tới.

Anh Phan Văn Kiên đã dẫn chúng tôi một cơ sở làm cửa lùa, nhôm kính gần chợ Vinh nơi anh Nguyễn Văn T., 32 tuổi, một thành viên Hợp tác xã đang làm nghề tại đây. Được gọi, T. tạm dừng công việc, cởi bao tay lộ ra những vết thương do bị cắt đang lên da non liền sẹo, ra hiệu mời sang quán nước gần đó nói chuyện cho tiện… Trong góc khuất của quán, T. thú nhận việc giấu diếm không cho chủ cơ sở biết mình có H, bởi nếu biết anh bị bệnh thì đồng nghĩa với việc không được làm. T. chỉ báo sức khỏe mình yếu và đề nghị nếu đi làm công trình thì phải có một người khác cùng đi. Hiệu quả công việc thấp thì tất nhiên thu nhập cũng thấp theo.

Trao đổi việc hỗ trợ cho Hợp tác xã Sông Lam Xanh và các nhóm tự lực khác với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Nghệ An thì được biết: Hiện ở Nghệ An có 10 nhóm tự lực tập trung ở Thành phố Vinh, Thị xã Thái Hòa, huyện Quỳ Hợp, Nam Đàn, Nghi Lộc… Cũng như Sông Lam Xanh, các nhóm này đã triển khai tốt việc chăm sóc người có H tại nhà, tuyên truyền HIV tại cộng đồng, gắn két người nhiễm với nhau để bảo vệ sức khỏe, phòng lây nhiễm chéo. Thông qua các hoạt động đó đã góp phần giảm sự kì thì của cộng đồng với người nhiễm. Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An cho hay: Thời gian qua Trung tâm đã có sự giúp đỡ nhất định đối với các nhóm này như hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, gắn kết các nhóm với nhau, với chính quyền địa phương hay một phần kinh phí hoạt động nhưng chưa nhiều. Trong bối cảnh các dự án tài trợ rút đi, cắt giảm dần thì đã có một số nhóm tan vỡ do không có kinh phí hoạt động. Thời gian tới với chức năng của mình Trung tâm sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nguồn lực để các nhóm hoạt động.

…Nếu ví nhóm tự lực Sông Lam Xanh như con thuyền đang vượt bãi lẫy, thác ghềnh ngược dòng tìm về bến bình yên, chân thiện mỹ; 8 con người ở Hợp Tác xã Sông Lam Xanh tựa 8 mái chèo khó nhọc rẽ nước cho con thuyền 50 người lướt đi; thì sự kì thị của một bộ phận người dân chính vẫn đang là dòng nước lũ từ thượng nguồn tràn về hung dữ. Hơn bao giờ hết, những người có H đang cần sự hỗ trợ không chỉ bằng vật chất mà còn bằng cả tinh thần của cộng đồng để vượt qua mặc cảm, vượt qua sự kì thị… Phòng chống HIV/AIDS không là trách nhiệm của riêng ai mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể và tất cả mọi người. Mong rằng và tin rằng thời gian tới với sự giúp đỡ thiết thực của cả cộng đồng, sự tự thân nỗ lực Hợp Tác xã Sông Lam Xanh nói riêng và nhiều nhóm tự lực khác chẳng mỏi tay chèo, tìm về bến trong xanh./.


Thành Chung - Ảnh: Từ Thành