Cần làm rõ trách nhiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải quyết triệt để

31/10/2012 11:11

Kỳ cuối: Để SÁNG NGỜI NGHĨA ĐÙM BỌC, TRI ÂNĐã 6 năm, kể từ khi những hộ dân đầu tiên của vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ di dời về nơi ở mới. Việc quay trở lại với lòng hồ, chấp nhận cuộc sống bấp bênh, hiểm nguy rình rập của một số hộ dân một phần bắt nguồn từ sự lúng túng trong sản xuất, sinh hoạt tại môi trường mới. Để sự hy sinh của bà con vùng lòng hồ được đền đáp xứng đáng, hơn bao giờ hết, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành để bà con cảm nhận rõ niềm ấm áp từ những đùm bọc, tri ân.

Kỳ cuối: Để SÁNG NGỜI NGHĨA ĐÙM BỌC, TRI ÂN

Đã 6 năm, kể từ khi những hộ dân đầu tiên của vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ di dời về nơi ở mới. Việc quay trở lại với lòng hồ, chấp nhận cuộc sống bấp bênh, hiểm nguy rình rập của một số hộ dân một phần bắt nguồn từ sự lúng túng trong sản xuất, sinh hoạt tại môi trường mới. Để sự hy sinh của bà con vùng lòng hồ được đền đáp xứng đáng, hơn bao giờ hết, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành để bà con cảm nhận rõ niềm ấm áp từ những đùm bọc, tri ân.


>>Kỳ 5: Làm tốt trách nhiệm của chủ đầu tư

Khu tái định cư Ngọc Lâm (Thanh Chương), chúng tôi gặp lại ông Lương Văn Hùng - Trưởng bản Noòng, Kim Tiến (cũ), Tương Dương . Cuộc sống mới của ông rất tốt. Nhưng khi chúng tôi nhắc lại về vùng quê đã chìm sâu dưới lòng hồ, đôi mắt ông bỗng rưng rưng. Đôi mắt ấy nói với chúng tôi rằng: Làm sao không nhớ, không thương chứ, nơi ta đã sinh ra, nơi ta đã lớn lên bằng cây măng trong rừng, bằng con cá mát, cá lăng của Nậm Nơn, bằng hạt thóc gùi về từ rẫy xa...? Còn nhớ, cái ngày ông rời quê cha đất tổ, chúng tôi có mặt tại bản nhỏ ven sông của ông để chứng kiến cái giây phút lịch sử hào hùng và đẫm nước mắt lưu luyến của bà con bản Noòng. Cả đêm, ông Hùng không ngủ. Ông đi ra đi vào, tựa lưng nơi cánh cửa và nhìn nơi thẳm đen rừng núi. Nơi ấy là cả quãng đời từ ấu thơ đến trưởng thành của ông. Có lẽ chưa có bao giờ, cái cảm giác run lên khi nghe tiếng gà báo sáng như ông đã từng trải qua hôm đó. Ông Hùng không nhận nhà mới ở khu tái định cư. Ông chất chiếc nhà sàn của gia đình bao đời lên cái bè mảng tự kết. Đến phút cuối cùng, bà vợ của ông còn hớt hải chạy lại bên bè cố xếp lên cái khung cửi vừa tháo. Ông chống bè ra giữa dòng, để nó dần trôi về phía hạ lưu. Hai ông bà đứng trên chiếc bè nhìn lại nền đất cũ, bản làng mình đang xa dần. Họ đã đứng nhìn với đôi mắt đăm đăm ấy cho đến khi chiếc bè khuất sau một khúc quanh...



Cây sắn tạo nên nguồn thu nhập chính cho bà con tái định cư ngày mới về.
Ảnh: HỮU NGHĨA

Trên vùng đất tái định cư, nơi sắc xanh của sắn, của keo, của chè đã phủ màu no ấm, cứ ngỡ rằng một quá vãng đã lùi xa, nhưng chúng tôi vẫn gặp những đôi mắt khói sương ấy khi nhắc nhớ về một miền quê. Bà con nhắc về mùa thu hoạch lúa, lễ mừng cơm mới. Nhớ cái rẫy cheo leo, cái bếp ấm khói hong lúa, mùi xôi hông từ lúa non, cái mâm cúng mà xôi được giã nhuyễn làm bánh, có thêm thịt gà, thịt lợn, mọc cá... để dâng lên tiên tổ. “Giờ về đây không còn lễ mừng cơm mới nữa. Mùa đến, nhắc lại cho con cháu biết mà thôi, cũng cho lòng già không quên”- một cụ già chia sẻ. Và chúng tôi cũng không thể nào quên được bài hát ám ảnh của chị Lô Thị Thu, người bản Xốp Lăm, xã Hữu Khuông (cũ), Tương Dương. Bài hát do chính chị sáng tác, chị đứng tựa vào khung cửa ngôi nhà mới khang trang ở bản tái định cư mà cất lời tha thiết bằng tiếng Thái (xin được tạm dịch):

Ôi ta tiếc nhớ làm sao
Xốp Lăm có cây dong rừng
Người ơi hãy nghe
Xốp Lăm ta có cây thị
Quả chín vàng rạng rỡ bản mường
Có cây co xàn ven khe ta vẫn thường hái quả
Có cây co kham men dọc dòng suối lớn
Có cây chuối men theo suối dài đón khách phương xa
Ơ từ nay em chỉ còn lối lạ
Mong một ngày trở về tìm con nòng nọc
Vào khe tìm bẻ lá ngả lưng
Ta bỏ xa mẹ rồi không còn người đến thăm
Bỏ anh em không người hỏi chuyện
Cho em gửi lời thăm hỏi ai người còn ở lại Mường Lăm
Em ở Mường Lăm nhặt vàng như người ta nhặt con tằm trong rổ
Ơi người ơi…

Thế đấy, không chỉ là rời bỏ một mảnh nương, một ngôi nhà, mà có cả một quê hương thăm thẳm những chiều sâu của lịch sử, văn hóa, lề thói... bao đời. Có thể nói, sự hy sinh của bà con vùng lòng hồ là sự hy sinh lớn lao đến vô bờ bến. Có những người vì vất vả, vì mưu sinh, hay lưu lạc mà rời bước khỏi quê hương, có thể 5 năm, 10 năm hay gần trọn đời người, nhưng còn có một vùng quê để nhớ, thương, có điều kiện thì có thể trở về. Còn bà con lòng hồ, tất cả những gì tưởng nhớ ấy đã vĩnh viễn chìm sâu trong lòng nước. Cả mồ mả tổ tiên, ông bà. Những bản làng, con suối, con khe. Cả những huyền tích... Thì đây, vẫn là tên bản cũ, nhưng còn đâu con đường dốc đứng, còn đâu tiếng mõ trâu lạc rừng chiều, còn đâu ngọn tháp cổ tương truyền dấu tích của người Ơ đu xưa, còn đâu Mỏ tôm Xiềng Lằm, những bức thạch nhũ trong Thẩm Nặm? Còn đâu tiếng cồng, tiếng chiêng gọi bước chân về ngày hội bản? Tất cả, tất cả đã ở lại phía sau lưng kể từ khi bà con cõng, gùi hay kết mảng, bè, bốc bát nhang đặt một góc, bên cạnh là đồ đạc sinh hoạt của gia đình, và bên kia là những đứa con thơ dại để chập chững bước vào một không gian mới.

Hy sinh là thế, nhưng đâu đó, sự hy sinh ấy chưa được gọi tên, chưa được tính đến. Ở những bài viết trước, chúng tôi đã chỉ ra không ít trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương kể cả nơi đi, nơi đến của đồng bào. Nhất là đơn vị đang trực tiếp kinh doanh và hưởng lợi ngày hôm nay. Phải nói rằng, lỗi ở chúng ta, khi còn để thực trạng người dân trở về quê cũ, mưu sinh đầy bất trắc, có người thiếu đất sản xuất, việc giao đất sản xuất quá chậm, hệ thống nhà ở tái định cư xuống cấp trầm trọng, bố trí không hợp lý. Thật đáng buồn khi cầm trên tay bảng tổng hợp số liệu các bản tái định cư không có ruộng nước, không có mương thoát nước, chưa có trường học, hay có trường, có nhà văn hóa nhưng đã hư hỏng, xuống cấp, không có kinh phí mua trang thiết bị cho trạm y tế... mà con số ấy không ít. Có những điều đáng buồn khác nữa, ngay như những bản thuộc lòng hồ hiện vẫn “tối đèn” (cả 7/7 bản của xã Hữu Khuông, Tương Dương hiện chưa có nguồn điện lưới)...

Phải thẳng thắn nhìn nhận để thấy rằng, trong số hàng ngàn, vạn người phải di dân tái định cư trong nhiều năm qua vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì khó khăn và thiệt thòi nhất vẫn là người dân lòng hồ thủy điện. Không chỉ mất đi môi trường sinh kế quen thuộc mà người dân còn mất đi môi trường văn hóa tinh thần với những thiết chế, tập quán qua bao đời mới tạo dựng được. Họ đã bắt đầu cuộc sống trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường kiếm sống đa phần rất khác biệt. Do vậy, việc thực hiện chính sách cho bà con một cách đầy đủ và toàn diện phải là việc được tính đến đầu tiên, không có lý do gì để chậm trễ. Đừng nghĩ rằng, chỉ đền bù một chút tiền, xây dựng nhà tái định cư, cấp đất sản xuất là đã xong trách nhiệm. Đừng chỉ nhìn vào ánh điện sáng rỡ của khu tái định cư mà so sánh với ánh đèn dầu tù mù trước đây trong rừng sâu núi thẳm, đừng chỉ nhìn con đường nhựa trải phẳng mà thấy rằng đã quá tốt so với con dốc đứng, đừng chỉ nhìn vào số tiền, số gạo trợ cấp để so với những giọt mồ hôi lội suối, trèo non để lên nương, hay cả ngày đêm miệt mài quăng chài kiếm cá... Xin đừng nghĩ giản đơn chỉ vậy. Có ai biết đến bàn tay lóng ngóng hái chè kia bao năm rồi quen con dao phát rẫy, bàn chân xỏ đôi dép êm đi con đường nhựa vốn quen bấm trên những con dốc trơn trượt, trên ngọn đá sắc tai mèo, và trong nếp nghĩ ấy, chưa có những con số tính toán mùa vụ nào phân bón, giống cây..., mà chỉ thuộc từng khúc nông sâu trên dòng Nậm Nơn, thuộc con nước lên cho mùa cá lăng, cá mát, cá lệch...? Vậy thì, mọi chính sách, dù có tốt đến đâu liệu đã tính đủ những hy sinh, thiệt thòi ấy? Ai trả đủ cho nỗi nhớ, cho niềm mong, trả đủ cho thẳm sâu mạch nguồn cội rễ bỗng một ngày ta bỏ mà đi? Trả cho bước chân ngỡ ngàng, cho niềm bơ vơ, lạc lõng, cho những đêm cồn cào mất ngủ hướng về phía ấy, nơi ông bà, tổ tiên nằm lại?

Không, sẽ là không đủ nếu chỉ tính bằng những con số cây, con, nhà cửa, tiền đền bù. Hơn bao giờ hết, người dân tái định cư khu vực lòng hồ cần những bàn tay, không chỉ chìa ra cái cần câu hay con cá, mà là sự ân cần, ấm áp của sẻ chia, thấu hiểu. Hãy để sự ngỡ ngàng, lạ lẫm ấy được xua đi bởi tấm lòng hiếu khách. Hãy nắm lấy bàn tay quen phát nương làm rẫy kia cho đến khi quen với việc trồng sắn, trồng chè, bước cùng đôi chân kia trên cung đường dẫn ra với chợ, với trường, hãy thức cùng họ những đêm cồn cào ấy… Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, không chỉ một vài cấp ngành mà đòi hỏi sự vào cuộc thiết thực của tất cả các ban, ngành, đoàn thể. Là ai, nếu không phải là Ban Dân tộc phải lãnh lấy trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách cho đồng bào, chỉ ra cái hay, cái dở, để từ đây đưa ra ý kiến tham mưu xử lý? Là ai nếu không phải là ngành Nông nghiệp cử cán bộ kỹ thuật xuống “cầm tay chỉ việc” giúp bà con tiếp cận, làm quen với phương thức nuôi trồng mới (tập cày bằng máy, tập trồng lúa nước, trồng sắn thâm canh, trồng lạc, ngô…), đặc biệt là khi đề án trồng 536 ha chè công nghiệp sắp được triển khai với mong muốn tạo kế sinh nhai bền vững cho bà con, xác định lại diện tích đất có thể khai hoang, quy hoạch lại mạng lưới thủy lợi? Là ai, nếu không phải là ngành Tài nguyên - Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất? Là ai, nếu không phải Đoàn Thanh niên những ngày thứ Bảy tình nguyện, những Chủ nhật xanh về với bản làng, cùng bà con rào dậu vườn tược, vệ sinh nhà cửa, hướng dẫn các em học bài? Là ai, nếu không phải là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp gánh trọng trách vận động dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, khắc phục khó khăn xây dựng quê hương mới, đồng thời đề xuất giải quyết vướng mắc, tồn tại? Là ai, nếu không phải là ngành Y tế quan tâm đến việc xây dựng trạm xá, cơ sở y tế, nhân lực và trang thiết bị… đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho bà con? Là ai, nếu không phải là Quỹ Bảo trợ trẻ em cần lưu tâm đến những em có hoàn cảnh khó khăn, những em bỏ học theo bố mẹ trở về quê cũ? Là ai, nếu không phải là ngành Giáo dục để đảm bảo việc học, bù đắp những lỗ hổng kiến thức bấy lâu cho học sinh vùng tái định cư? Còn gì thiết thực hơn một phong trào hướng về vùng đồng bào tái định cư lòng hồ cho tất cả mọi cơ quan, ban, ngành? Cuộc vận động “Học tập và làm theo gương Bác” của Đảng ủy Các cơ quan tỉnh trong nhiều năm đã phát huy tốt “mỗi đơn vị giúp một xã nghèo”, rồi cuộc vận động “Mỗi đảng viên giúp một hộ nghèo” hơn lúc nào hết hãy hướng về vùng tái định cư… Các nhà máy thủy điện nên chăng trích một phần quỹ phúc lợi, hoặc một phần lãi hàng năm chu cấp cho đồng bào di dân gặp khó khăn; chính quyền địa phương nơi đồng bào định cư tạo điều kiện tối đa nhất hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào hòa nhập, và hơn hết là những người dân nơi đồng bào đến hãy dang rộng vòng tay mình. Đó không chỉ là niềm chia sẻ nữa, mà còn là sự tri ân cho bao thiệt thòi, hy sinh có thể gọi tên và không thể gọi tên của đồng bào vì dòng điện của Tổ quốc.

Và hôm nay đây, trở lại lòng hồ, vẫn con thuyền máy xưa nhưng êm trôi trên mặt hồ bao la trong vắt, chúng tôi không thể không nghĩ đến những phố phường đèn hoa rực rỡ, những tổ máy phát điện lần lượt hòa vào lưới điện quốc gia… Tất cả những niềm hân hoan, sự sáng đẹp kia đã được sản sinh từ những hy sinh của đồng bào vùng lòng hồ Thủy điện. Sâu trong đó là quê hương, mồ mả tổ tiên, cơ nghiệp gây dựng một đời và nhiều đời, một góc phần hồn của những người đã sinh ra, lớn lên nơi ấy.


Nhóm P.V