Văn hóa từ chức và văn hóa trách nhiệm

18/10/2012 10:51

(Baonghean) - Trong bài “Văn hóa từ chức” (đăng mục “Cùng bàn luận” của báo Nghệ An số ra ngày 22/9/2012) tác giả Thạch Quỳ phân tích: Việt Nam có văn hóa từ chức từ thời phong kiến, nhưng hiện nay do định kiến với việc từ chức nên người ta cho rằng Việt Nam không có văn hóa từ chức. Từ phân tích đó, tác giả Thạch Quỳ khẳng định: Văn hóa từ chức cần được phát huy vì không xa lạ với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Có thể coi đây là một cách nhìn tiến bộ, không định kiến đối với việc từ chức, nhưng xét về mặt lịch sử có những vấn đề cần tiếp tục bàn thêm.

(Baonghean) - Trong bài “Văn hóa từ chức” (đăng mục “Cùng bàn luận” của báo Nghệ An số ra ngày 22/9/2012) tác giả Thạch Quỳ phân tích: Việt Nam có văn hóa từ chức từ thời phong kiến, nhưng hiện nay do định kiến với việc từ chức nên người ta cho rằng Việt Nam không có văn hóa từ chức. Từ phân tích đó, tác giả Thạch Quỳ khẳng định: Văn hóa từ chức cần được phát huy vì không xa lạ với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Có thể coi đây là một cách nhìn tiến bộ, không định kiến đối với việc từ chức, nhưng xét về mặt lịch sử có những vấn đề cần tiếp tục bàn thêm.

Dưới chế độ phong kiến, việc các đức vua “nhường ngôi thoái vị” và các triều thần “treo ấn từ quan” thuộc quan hệ Hoàng tộc và quan hệ “Vua - tôi”, chưa thể hiện quan hệ ràng buộc trách nhiệm công dân. Trong xã hội hiện nay, việc giữ chức hay từ chức trước hết phải gắn với trách nhiệm công dân đối với Nhà nước. Trong các cơ quan, đơn vị, các trường hợp xin rút khỏi chức vụ hoặc được đề nghị rút khỏi chức vụ đều là hình thức xử lý của Nhà nước.

Vấn đề ở đây là xã hội đang hiểu không đúng về việc từ chức. Mọi lý do cán bộ từ chức đều được quy về một nguyên nhân là bất mãn. Có những cán bộ xin từ chức với lý do rất chính đáng là muốn tập trung thời gian nghiên cứu chuyên môn nhưng người ta vẫncho rằng đó chỉ là “cái cớ”. Từ cách nhìn nhận trên đây đã làm cho việc từ chức trở nên không bình thường trong nền hành chính Việt Nam. Tất nhiên, cá biệt có cán bộ từ chức do bất mãn, cũng có cán bộ do vi phạm nên từ chức để tránh khỏi bị kỷ luật, nhưng đó chỉ là hạn hữu. Thực tế bình thường hiện nay là một số cán bộ biết rằng mình không đủ sức đảm đương chức vụ được giao nhưng nếu từ chức thì sẽ bị đánh giá là năng lực phẩm chất yếu kém hoặc lập trường tư tưởng không vững vàng.

Tác giả Thạch Quỳ đã đưa ra quan điểm rất đúng về văn hóa từ chức. Về phía tập thể phải xem từ chức là chuyện bình thường trong hoạt động hành chính, phải biết tôn vinh những cán bộ từ chức chính đáng vì lợi ích tập thể. Về phía cá nhân phải xác định từ chức hay giữ chức đều vì lợi ích chung, không phải vì lợi ích cá nhân. Quan niệm chung là vậy, nhưng trong thực tế thì không phải cán bộ có chức vụ nào cũng dễ dàng từ chức, bởi khi từ chức, đương nhiên người cán bộ đó cũng sẽ mất đi quyền lợi cá nhân.

Vì vậy, xét cho đến cùng, từ chức hay không từ chức đều do tinh thần trách nhiệm. Biết mình không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách được giao, nhưng nếu thực sự là người có trách nhiệm biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân thì sẽ từ chức một cách nhẹ nhàng. Còn nếu đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích tập thể thì việc từ chức là điều khó xảy ra. Xây dựng văn hóa từ chức phải trên cơ sở văn hóa trách nhiệm, hay nói cách khác văn hóa từ chức là một biểu hiện của văn hóa trách nhiệm. Có văn hóa trách nhiệm thì mới có văn hóa từ chức, không có văn hóa trách nhiệm thì việc từ chức chỉ là tình thế bắt buộc chứ không phải là hành vi ứng xử văn hóa.


Trần Hồng Cơ