Mùa mưa, mùa măng và mùa học mới
(Baonghean.vn) – Cuộc sống hái lượm vẫn ăn sâu trong nếp sống của người miền rừng. Bà con Đan Lai ở bản Mọi (Lục Dạ,...
(Baonghean.vn) –Cuộc sống hái lượm vẫn ăn sâu trong nếp sống của người miền rừng. Bà con Đan Lai ở bản Mọi (Lục Dạ, Con Cuông, Nghệ An) ngóng mùa măng để vượt qua kỳ đói kém. Có măng đem bán, mùa khai trường đến, các em nhỏ sẽ có áo mới, có cặp sách đến trường. Vì thế dân bản miền rừng mong ngóng mùa măng.
Những chuyến luồn rừng hái măng của phụ nữ vùng cao chỉ diễn ra vào mùa mưa. Khi đó rừng tre rừng nứa đua nhau nhú mầm măng tua tủa. Người chăm ở rừng nhiều khi phát hiện mùa măng trước cả loài hoẵng vốn rất khoái khẩu món măng. Những cụ bà miệt rừng chân đất nhận biết mùa măng đã đến khi vô tình giẫm lên chồi mầm đầu tiên nhú lên từ đất và giữ cho riêng mình như là một điều bí mật, rồi lặng lẽ về mài dao sắm gùi. Gùi măng đầu tiên của cụ bà chăm đi rừng về đến bản, người ta mới biết mùa măng mới đã bắt đầu. Mùa măng thường kéo về cùng với mưa rừng, tháng 7 tháng 8 âm lịch.
Mùa măng, phụ nữ vùng cao bận bịu cả ngày trên rừng.
Bà Lô Thị Nghiêm ở bản Cằng (Môn Sơn, Con Cuông) đã 50 tuổi, thì phải đến 40 năm bà gắn bó với chiếc gùi đi nương và hái măng rừng. Nhà ít ruộng, có đến 7 miệng ăn. Mùa măng về khiến bà vất vả hơn, song lại thấy vui vì ít ra dịp này còn kiếm được thêm chút tiền phụ giúp chồng con. Đàn cháu đang lớn lên từng ngày như bầy chim non há miệng đòi ăn. Nhà bà Nghiêm có đến 4 lao động chính mà vẫn chật vật vì ngoài làm ruộng, hầu như không có nghề phụ nào cho thu nhập ổn định.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều thôn bản, thế nên, mùa măng đến có thể gọi là cứu cánh đối với nhiều hộ dân có đời sống khó khăn, ít ra họ cũng có cái ăn cái mặc trước mắt.
Tinh mơ thức dậy, ăn sáng xong, phụ nữ Thái ở bản Sơn Khê (Chi Khê, Con Cuông) lại rủ nhau lên rừng. Họ đi từng tốp 2, 3 người. Nhóm nào cũng muốn là người đầu tiên tìm đến những cánh rừng nứa nhiều măng mới mọc. Không ngại rừng xa dốc cao, trèo đèo lội suối, sên vắt, muỗi rừng với họ là điều rất đỗi bình thường, chỉ miễn sao kiếm được nhiều măng. Người khỏe mỗi ngày gùi về nhà 45 – 50kg măng, người yếu cũng gùi được 35 – 40kg.
Măng đã về nhà vẫn chưa được ngơi tay. Đặt chiếc gùi xuống, ăn qua quýt cho nguôi cơn đói, lại nhóm bếp bắc nồi luộc. Khâu luộc măng cũng cầu kỳ lắm. Luộc không chín sợ người mua chê mà ép giá. Luộc lâu măng sẽ nát, cân lên nhẹ tếch, đổi màu đỏ quạch, thương lái lại có cớ “măng xấu” để mua rẻ, phần thiệt thòi người bán măng lại chịu.
Vào mùa măng, phụ nữ vùng cao bận rộn từ sáng đến tối mịt. 9, 10 giờ đêm mới chịu ngả lưng, 3 giờ sáng đã thức giấc để xuống chợ bán măng. Gùi măng đã chờ sẵn dưới gầm sàn. Gà gáy sáng lần đầu cũng là lúc những chiếc gùi lại địu trên lưng. Các bà các chị gùi măng xuống chợ, lặng thầm len lỏi qua các nẻo đường núi. Bán xong một gùi măng, lại vội vã về bản cho kịp bữa sáng. Một vòng quay nữa lại bắt đầu: Dao đã được những người đàn ông mài chờ sẵn. Sau bữa sáng, chiếc gùi – một lần nữa – lại trên lưng những phụ nữ. Họ tiếp tục cất bước đến với cánh rừng tre nứa bới tìm cuộc sống.
Với nhiều người, mùa măng là dịp để tranh thủ kiếm thêm tiền. Ở bản Khe Nóng (Châu Khê, Con Cuông), nhiều nhà hễ đến mùa măng cả gia đình ở lại trong rừng nhiều ngày, dựng lán trại hái măng. Măng được hái về, luộc chín, phơi trên bếp tại rừng đến khô mới gùi về bản. Dân buôn miền xuôi thường tìm đến tận nhà thu mua với mức giá 30.000 – 40.000đ/kg, còn măng tươi luộc chín mỗi ký từ 4.000 – 6.000đ. Cái giá này, từ vài năm nay chưa hề thay đổi.
Bà Lô Thị Nghiêm (bản Cằng, Môn Sơn, Con Cuông) phàn nàn: “Giá cả hàng hóa khác tăng mấy đợt rồi, còn giá măng thì khi lên khi xuống, chú ạ”. Nhưng vì nguồn thu nhập của họ chủ yếu phụ thuộc vào thứ lâm sản này nên đành chịu để tư thương, những kẻ “nắm đằng chuôi” ép giá.
Thế mà không ít người hồn nhiên, cho rằng: Có măng bán, có ít tiền mua sách cho con vào năm học mới là “hạnh phúc” rồi. Mối lo lớn nhất của những người có con cái đang độ tuổi đến trường là phải có tiền đẻ mua sách vở, quần áo cho năm học mới. Thế là cây măng thành “cứu cánh” của nhiều bậc phụ huynh miền núi, vùng cao có con đi học.
Hữu Vi