Chuyện của cụ già tuổi bách niên

01/10/2012 15:12

(Baonghean) - Một ngôi làng nép mình bên tả ngạn dòng Lam thuộc xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn) có một cụ ông năm nay đã...

(Baonghean) - Một ngôi làng nép mình bên tả ngạn dòng Lam thuộc xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn) có một cụ ông năm nay đã bước qua tuổi 100 nhưng vẫn còn minh mẫn, thậm chí hàng ngày vẫn sáng tác những vần thơ hóm hỉnh, chan chứa tình đời và tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ thơ địa phương. Đó là cụ Nguyễn Đình Tùng (sinh năm 1912), người được bà con xã Vĩnh Sơn và con cháu gần xa phong là “nghệ sỹ của làng quê”.

Với mái tóc, chòm râu dài và trắng như cước, vầng trán cao, ánh mắt nhân từ, vóc dáng rắn rỏi, lưng tựa vào chiếc ghế đẩu, bên cạnh là chiếc bàn đầy sách vở, cụ Tùng có dáng vẻ như một tiên ông. Trên bàn, chúng tôi liếc thấy cuốn “Từ điển Tiếng Việt”, “Từ điển Hán Việt”, một vài cuốn khảo cứu văn hóa và một cuốn “Tạp chí thơ” của Hội Nhà văn Việt Nam. Ở giữa là cuốn sổ bìa màu đen đang mở sẵn. Bà Tư - con dâu trưởng của cụ cho hay, hàng ngày cụ Tùng thường ngồi trước bàn để đọc sách và sáng tác thơ. Cụ Tùng cho biết: “Tôi đã viết được hơn 10 cuốn như thế này. Con cháu ở xa về thường động viên, xin phép in thành sách để lưu giữ nhưng tôi không thích”. Những bài cụ Tùng sáng tác thuộc thể thơ liên hoàn, tức là các bài thơ không có nhan đề mà chỉ đánh số thứ tự, bài sau có sự gắn kết với bài trước thông qua hệ thống từ ngữ. Đây là những bài thơ cụ xướng họa với các thi hữu (bạn thơ), cũng có khi qua đó cụ giãi bày những chiêm nghiệm về cuộc đời. Chúng ta hãy thưởng thức những vần thơ của một ông lão bách niên: “Dài râu quét gió, múa may thơ/ Chẳng nổi nênh gì cứ vẩn vơ/ Đọc nhớ, tìm tòi không kiệt ý/ Ngỡ xa một chút cứ thờ ơ/ Đổi chiều vặn tứ xoay từ ngữ/ Lạc hưởng rút tằm chẳng tí tơ/ Trở lại tạo tình theo nhạc cựu/ Giết giờ quá rỗi bớt ngu ngơ”.



Cụ Nguyễn Đình Tùng

Trước cách mạng Tháng Tám, cụ Tùng làm nghề dạy học tại các trường học của Pháp. Sẵn có một ít tư chất nghệ sỹ và máu “xê dịch”, thời kỳ đó cụ đã đi khắp mọi miền đất nước, chân cụ đã in dấu khắp trong Nam ngoài Bắc, khắp miền ngược đến miền xuôi. Cụ kể, có lần rong chơi ra đến tận Hải Phòng, được gặp Tản Đà và cùng đi hát ả đào với thi sỹ nổi tiếng xứ Đoài này...

Sau cách mạng, cụ Nguyễn Đình Tùng hăm hở trở về quê nhà tham gia dạy bình dân học vụ. Khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946), cụ hăng hái gia nhập quân ngũ và thực hiện nhiệm vụ sản xuất thuốc súng để đáp ứng phần nào nhu cầu từ các chiến trường. Thời kỳ chống Mỹ, cụ vẫn là một người lính Quân khu 4, được cấp trên phân công thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và bí mật.

Tuổi cao, không còn đủ sức rong chơi và vui vẻ với ruộng vườn, cụ Tùng lại tìm thấy niềm vui trong từng trang sách và vần thơ. Hằng ngày thức dậy, cơm nước xong, cụ lại ngồi vào bàn, đọc rồi ngẫm nghĩ, rồi viết... Cụ chia sẻ: “Tay chân mình đang còn hoạt động được, mắt còn nhìn thấy rõ, đầu vẫn còn có thể suy nghĩ nên không có lý do gì phải nghỉ ngơi. Ngược lại, phải tích cực hoạt động để các mạch máu được thông suốt, để đầu óc khỏi bị tê liệt”.

Lúc dùng bữa cơm trưa với cụ, chúng tôi có hỏi: “Cụ có bí quyết gì để có thể sống thọ và khỏe mạnh, minh mẫn không?”. Nhấp xong chén rượu, cụ thong thả đáp lời: “Không có bí quyết gì cả. Tôi chỉ làm việc hết mình, ăn uống điều độ và bỏ qua sự đua chen danh lợi để có cái tâm thanh thản. Khi cái tâm thanh thản thì tất sẽ sống thọ thôi”. Nói xong, cụ chỉ lên bức trướng ghi mấy câu thơ con cháu đề tặng nhân dịp cụ bước sang tuổi 100 (Xuân 2011): “Đại thụ sum chi hoa quả tú/ Nam sơn cao lĩnh thọ tinh huy/ Ngẫm nhân sinh bách tuế vi kỳ/ Trên thế giới cũng ít ai với tới...”.


CÔNG KIÊN