Yêu cầu kiểm toán Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu

12/09/2012 17:38

Ngoài danh sách 8 tập đoàn nhà nước thuộc diện kiểm toán 2013 mà Kiểm toán Nhà nước đề xuất, Ủy ban Tài chính Quốc hội yêu cầu bổ sung 3 tập đoàn đang có nhiều vấn đề dư luận quan tâm.

Tăng cường kiểm toán các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước là mục tiêu quan trọng mà Kiểm toán Nhà nước đề ra trong kế hoạch 2013 trình Quốc hội sáng nay.

Kế hoạch Kiểm toán 2013 là nội dung thứ hai được đem ra bàn bạc trong ngày đầu khai mạc phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thương vụ Quốc hội sáng nay. Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cho biết trong năm tới sẽ tăng cường kiểm toán các đối tượng liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là các dự án, công trình phục vụ cho quản lý, điều hành tái cấu trúc đầu tư công. Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung rà soát các tập đoàn kinh tế, các ngân hàng thương mại nhà nước phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó sẽ kiểm toán cuốn chiếu tất cả các tập đoàn, ngân hàng thương mại trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 để kịp thời cung cấp thông tin cho hoạt động tái cấu trúc.



Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Xăng dầu nằm trong kế hoạch tăng cường kiểm toán 2013 của Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Hoàng Hà

Ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định của Chính phủ, năm 2013 Kiểm toán Nhà nước dự kiến làm việc tại 29 đầu mối, trong đó có 8 tập đoàn (tăng gấp 4 lần năm nay). Nằm trong danh sách này sẽ có cả những đơn vị đã được kiểm toán năm 2012, để đánh giá được tình hình tài chính, quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính nhằm có những kiến nghị đối với Chính phủ, Quốc hội trong việc chỉ đạo thực hiện tái cấu trúc.

Cơ quan kiểm toán cũng sẽ đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó tập trung vào việc điều hành lãi suất, tỷ giá ngoại hối, cho vay tái cấp vốn; đánh giá việc sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối Nhà nước và hoạt động tín dụng (nợ quá hạn, nợ xấu). Kết quả thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ cũng sẽ là nội dung kiểm toán đối với những tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước.
Cùng với khối doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước sẽ tăng cường làm việc tại các bộ, ngành, các địa phương chưa được kiểm toán năm 2012, các bộ ngành ít được kiểm toán trong thời gian vừa qua và một số bộ, ngành đã được kiểm toán trong năm 2012 nhưng có quy mô ngân sách lớn.

Một số chuyên đề kiểm toán lớn của năm 2013 được nêu ra gồm quản lý, sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010 - 2012; chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo; quản lý và sử dụng đất đai, bất động sản, phát triển nhà và đô thị... Năm 2013, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung kiểm toán Quỹ Bảo hiểm tiền gửi, Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia giai đoạn 2011 - 2012. Riêng Quỹ Bảo hiểm Y tế theo chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo giai đoạn 2010 - 2012 được đưa vào kiểm toán chuyên đề trong năm 2013.

Thẩm tra kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước 2013, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị thực hiện kiểm toán luân phiên các đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, song tránh tạo ra tiền lệ kiểm toán 2 năm một lần, trong đó ưu tiên kiểm toán hằng năm với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có số thu, chi ngân sách nhà nước lớn. Với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính ngân hàng, Ủy ban đề nghị tập trung nguồn lực kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và tài sản nhà nước, sản xuất kinh doanh các mặt hàng độc quyền ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống như điện, than, xăng dầu... từ đó đưa ra các nhận định toàn diện giúp Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách hợp lý trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Ủy ban cũng yêu cầu tập trung nguồn lực chuyên sâu kiểm toán chính sách tiền tệ, quá trình sáp nhập, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, tình hình tài chính của các ngân hàng sau tái cơ cấu.

Ngoài các đối tượng kiểm toán đã được nêu trong dự thảo báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2013, Ủy ban đề nghị cần thực hiện kiểm toán các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ đổ vỡ và những tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả kinh doanh giảm mạnh trong những năm gần đây, kể cả những đơn vị đã được kiểm toán trong thời gian trước. Đồng thời, cần bổ sung thêm vào kế hoạch kiểm toán năm 2013 một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội quan tâm như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn điện lực, Tập đoàn xăng dầu.

Đối với tổ chức tài chính - ngân hàng, cơ quan thẩm tra của Quốc hội yêu cầu tập trung đánh giá hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong thời gian qua; tình hình mua bán ngoại tệ và quản lý, sử dụng ngoại hối, lãi suất; nợ xấu; tình hình sử dụng nguồn vốn mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng; tình hình luân chuyển vốn sau khi sáp nhập; việc thực hiện các quy định hiện hành về sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cổ phần.


Theo Vnexpress - NT