BHYT toàn dân: Người bệnh được hưởng nhiều ưu đãi
Trong số hơn 30% người dân chưa tham gia BHYT phần lớn là những người rất cần thẻ BHYT. Họ là những người cận nghèo, nông dân, học sinh-sinh viên...
Vừa qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Dự thảo Đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Khác với các Dự thảo lần trước chỉ chú trọng mở rộng về số lượng người tham gia BHYT, lần này Dự thảo đề xuất lộ trình BHYT toàn dân trên cả 3 phương diện: Số người tham gia, quyền lợi dịch vụ và tăng chi trả từ quỹ BHYT-bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết.
Dự thảo đưa mục tiêu tới năm 2015 đạt 75% dân số tham gia BHYT; năm 2020 đạt trên 90% dân số có BHYT. Nếu so sánh tỉ lệ người dân tham gia BHYT ở thời điểm hiện tại thì mục tiêu này không quá xa. Tuy nhiên, cũng còn không ít những thách thức bởi ngay cả những đối tượng bắt buộc tham gia BHYT cũng chưa đạt 100%.
Bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ được hưởng nhiều ưu đãi mới. Ảnh TL
Còn đối tượng tự nguyện thì vì nhiều lý do nên tỉ lệ tham gia không cao. Trong số hơn 30% người dân chưa tham gia BHYT phần lớn là những người rất cần thẻ BHYT. Họ là những người cận nghèo, nông dân, học sinh-sinh viên, lao động tự do, cuộc sống còn khó khăn nếu bị ốm đau, trọng bệnh mà không có thẻ BHYT thì rất dễ bị nghèo hóa.
Dự thảo đề án này đã đề xuất hỗ trợ nhóm học sinh-sinh viên 50% giá trị thẻ BHYT; hỗ trợ 30% giá trị tiền thẻ BHYT còn lại đối với người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi hoặc các đối tượng mới thoát nghèo dưới 2 năm; đề xuất tăng mức hỗ trợ cho đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp lên 50%.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì mức đóng BHYT của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn thấp. Người mua chỉ phải trả khoảng 550.000 đồng/người/năm nhưng lại có những ưu đãi khá lớn như: Chi trả nhiều loại thuốc đặc trị đắt tiền, ung thư và hàng loạt kỹ thuật cao... Đặc biệt, khi giá viện phí mới được áp dụng thì quyền lợi của người bệnh khi tham gia BHYT sẽ được đảm bảo tốt hơn.
Thế nhưng, thực tế người dân chưa hiểu rõ lợi ích từ việc mua thẻ BHYT một phần do chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; thủ tục khám chữa bệnh BHYT phiền hà, quyền lợi của người tham giam BHYT vẫn bị hạn chế. Bà Song Hương cho rằng, trước đây tiền khám bệnh chỉ có 3.000 đồng/lần, ai cũng có thể bỏ tiền ra khám.
Hơn nữa, các gói dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ nên giá trị chi trả của BHYT quá thấp. Ví dụ, một ca phẫu thuật hết hơn 1 triệu đồng thì quỹ BHYT chỉ thanh toán khoảng 100.000 đồng, chẳng bõ để người bệnh chật vật với các thủ tục. Nhưng với chính sách viện phí mới, các dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ… thì người dân không phải bỏ ra quá nhiều tiền túi, họ sẽ cảm thấy lợi ích của thẻ BHYT.
Mục tiêu của Đề án BHYT toàn dân là mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỉ lệ người tham gia, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm chi trả từ tiền túi của người dân sử dụng dịch vụ y tế. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Y tế cam kết sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT. Từng bước đổi mới cơ chế tài chính, để năm 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% và dưới 30% vào năm 2020.
Theo Pháp luật & Xã hội - NT