Cảm ơn cuộc đời cho ta được hiến dâng!

04/10/2012 17:44

 Một tờ tiền giấy nhàu nhĩ và một cây vàng bảnh choẹ bóng loáng cùng ở trong két sắt. Một hôm người ta lấy tờ tiền ra khỏi két, còn cây vàng cứ nằm bẹp trong đáy tủ hết ngày này qua ngày khác. Lâu thật lâu sau đó, tình cờ tờ tiền giấy lại xuất hiện trong chiếc két sắt, trông nó còn cũ kĩ, bạc màu hơn xưa.

(Baonghean) - Một tờ tiền giấy nhàu nhĩ và một cây vàng bảnh choẹ bóng loáng cùng ở trong két sắt. Một hôm người ta lấy tờ tiền ra khỏi két, còn cây vàng cứ nằm bẹp trong đáy tủ hết ngày này qua ngày khác. Lâu thật lâu sau đó, tình cờ tờ tiền giấy lại xuất hiện trong chiếc két sắt, trông nó còn cũ kĩ, bạc màu hơn xưa.

Cây vàng thấy vậy bèn hỏi: "Người ta đã làm gì cậu thế này? Trông cậu mới tàn tạ, bẩn thỉu làm sao. Thật đáng thương!". Tờ tiền tươi tỉnh trả lời: "Tớ lại thấy cuộc đời thế này mới thú vị. Này nhé, người ta đưa tớ đến nhà sách để mua sách vở cho một em bé, sau đó tớ được đem ra để trả công cho cô nhân viên bán hàng, cô ta đưa tớ ra chợ mua thịt cá về cho gia đình mình, bà bán hàng ở chợ dùng tớ lo liệu cho đám cưới đứa con trai bà ta, hai vợ chồng trẻ dùng tớ khi đi mua đồ sắm sửa cho đứa con sắp chào đời. Tớ đi du lịch chán chê, cuối cùng lại về với người đã đưa tớ ra khỏi két sắt. Lúc ấy tớ bị rách toạc một đường ở bên sườn này này, nên người ta trao cho tớ một cái huân chương bóng loáng, chính là dải băng dính đẹp đẽ này đây. Cậu xem, như thế có oách không?"

Cây vàng buồn thỉu buồn thiu không ý kiến ý cò gì nữa, nó thấy cuộc đời nó mới buồn chán và rỗng tuếch làm sao. Nó ước gì mình chỉ là một thanh sắt cời lò than, có lẽ sống như thế còn có ý nghĩa hơn chán vạn lần một cây vàng nằm ngắm mạng nhện trong đáy tủ.

Tôi cũng chẳng nhớ mình đã đọc câu chuyện này ở đâu. Lần đầu tiên đọc nó, chắc là lúc tôi khoảng chín, mười tuổi, tôi thấy nó ngộ ngộ, hay hay. Năm tôi mười sáu tuổi, tôi loáng thoáng hiểu rằng câu chuyện muốn gửi gắm điều gì đó về ý nghĩa của cuộc sống, đại loại như là thà làm một điều bình thường có ích còn hơn cái gì đó cao siêu mà chẳng giúp được gì. Năm tôi hai mươi tuổi, tôi hoang mang tự hỏi: Tôi là gì, tờ tiền nhỏ bé hay cây vàng vô dụng? Tôi là ai giữa cuộc đời này? Tại sao tôi lại sinh ra trên đời? Ý nghĩa nào cho sự tồn tại của tôi...?


Chúng ta ai cũng thế mà thôi, cũng rụt rè, dò dẫm, nghi hoặc, hoang mang khi bước những bước chân đầu tiên trên đường đời. Khi ta vui sướng nhận ra ta đã lớn mạnh, cứng cáp hơn những ngày thơ bé, cũng là lúc trí tuệ, sức khoẻ, tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết, sự đam mê của ta thôi thúc ta phải sống và còn hơn thế nữa: ta không tồn tại đơn thuần chỉ như một cái lọ hoa di động để trang trí, tô vẽ cho cuộc đời. Như cây xanh cho hoa thơm trái ngọt, như biển cả cho tôm cá mặn mòi, dâng hiến và đóng góp cho cuộc đời là một nhu cầu hiển nhiên của con người. Nhu cầu đó không tự nhiên sinh ra hay mất đi, nó cần được xây dựng và bồi đắp bởi cái nôi gia đình, nhà trường và xã hội. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng là một mối quan hệ hai chiều: một xã hội lành mạnh sản sinh ra những cá nhân trách nhiệm và ưu tú, ngược lại, nhiều cá nhân cùng góp sức mình vì một lý tưởng, mục đích chung dẫn đến hệ quả là một xã hội phát triển vững bền. Là những người trẻ mang trong mình hình ảnh của xã hội hôm nay và ngày mai, hơn ai hết, ta phải hiểu và nhìn bản thân mình như một miếng ghép không thể thiếu của bức tranh chung mà cả cộng đồng đang góp sức vẽ nên.


Ngày hôm qua, có thể tôi chỉ là một đứa trẻ con nhà nghèo, quanh năm chân lấm tay bùn bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Ngày hôm qua, có thể bạn là cậu ấm nọ, cô chiêu kia, sung sướng đủ đầy sống nhởn nhơ trong nhung lụa. Nhưng những điều đó, có nghĩa lý gì?

Ngày hôm qua chúng ta là những đường thẳng song song, thì ngày hôm nay chúng ta hoàn toàn có thể gặp nhau ở một lý tưởng chung, là cống hiến, là chia sẻ, là giúp đỡ, là cảm thông. Chúng ta có thể cùng học tập dưới một mái trường, cùng nuôi dưỡng ước mơ được trở thành những công dân có ích. Cũng có thể chúng ta sẽ gặp nhau dưới cái nắng chói chang của một mùa hè nào đó, chia nhau những giọt mồ hôi, nụ cười và thậm chí là nước mắt khi đang hăng say tham gia vào những hoạt động tình nguyện ở một thôn bản vùng sâu vùng xa. Vậy mới biết được sống và hiến dâng thật đáng yêu, đáng quý. Vậy mới thấy cuộc đời này thật đẹp đẽ, tuổi xuân này, sức trẻ này thật chẳng đáng để ta sống hoài, sống phí, sống không lý tưởng, không hy vọng và niềm tin.


Thế nên, những bạn trẻ đang loay hoay nơi đáy tủ, hãy cứ ngẩng cao đầu, nhìn thẳng về phía trước mà bước theo tiếng gọi của nhiệt huyết thanh xuân. Và cũng đừng quên mỉm cười nói cảm ơn cuộc đời vì đã cho ta được sống và hiến dâng!


Hải Triều (Mail từ Paris)