“Ước con đường đến lớp của học trò bớt gian nan”

28/08/2012 11:43

Năm học 2012 - 2013 là năm thứ tám thầy giáo Phạm Văn Tiến (sinh năm 1980, quê Thanh Chương) gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở huyện rẻo cao Tương Dương. Luôn trăn trở về vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học, thầy đã có một số sáng kiến kinh nghiệm về cách dạy bộ môn Tiếng Việt và cách tiếp cận tác phẩm văn học dành riêng cho học sinh vùng cao. Nhân dịp đầu năm học mới, PV Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với thầy giáo trẻ vùng cao này…

(Baonghean) Năm học 2012 - 2013 là năm thứ tám thầy giáo Phạm Văn Tiến (sinh năm 1980, quê Thanh Chương) gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở huyện rẻo cao Tương Dương. Luôn trăn trở về vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học, thầy đã có một số sáng kiến kinh nghiệm về cách dạy bộ môn Tiếng Việt và cách tiếp cận tác phẩm văn học dành riêng cho học sinh vùng cao. Nhân dịp đầu năm học mới, PV Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với thầy giáo trẻ vùng cao này…



- Thầy có thể chia sẻ cảm nhận của mình khi tiếng trống khai trường của năm học mới?

- Với tôi, bắt đầu năm học mới tức là bắt đầu một hành trình mới với bao khó khăn, vất vả và một nhiệm vụ nặng nề của cả thầy và trò. Việc dạy học ở huyện miền núi cao này cũng là một thử thách lớn. Do sự tác động của đời sống kinh tế - xã hội nên khả năng tiếp nhận của học sinh vùng cao còn nhiều hạn chế, việc đảm bảo mục đích, yêu cầu cho mỗi tiết học cũng như toàn bộ nội dung chương trình thật sự không mấy dễ dàng. Ý thức được những khó khăn, thử thách, tôi cùng các đồng nghiệp đều phải xây dựng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ có thể.

- Vậy, thầy có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ?

- Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là ngày khai giảng năm học đầu tiên khi tôi đặt chân lên mảnh đất Tương Dương. Năm ấy, tôi được phân công nhiệm vụ ở Trường PTCS Nhôn Mai. Trước lễ khai giảng một ngày, tôi theo chân một đồng nghiệp lên chiếc thuyền máy ở Thị trấn Hòa Bình, qua ngã ba Cửa Rào, vượt sông Nậm Nơn với hàng trăm thác ghềnh hiểm trở, rồi lại cuốc bộ cả giờ đồng hồ dưới trời mưa tầm tã, lúc đến trường thì trời đã tối hẳn. Khi còn ngồi ở giảng đường đại học, thật sự tôi chưa hình dung đến cảnh tượng này. Có lúc, tôi nghĩ đến việc chùn bước, không thể bám trụ nổi ở chốn sơn cùng thủy tận này. Sáng hôm sau dự lễ khai giảng, tôi thấy các đồng nghiệp đều tươi cười phấn khởi, các em học sinh ríu rít nói cười và nhìn thầy giáo mới với ánh mắt trìu mến tin cậy. Tôi quyết định ở lại với vùng đất gian khó này. Đó chính là động lực giúp tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 6 năm công tác tại Nhôn Mai, một địa bàn xa xôi, cách trở và khí hậu hết sức khắc nghiệt.

- 8 năm dù chưa nhiều, nhưng chắc thầy một phần nhận ra “chìa khóa” của vấn đề nâng cao chất lượng dạy học ở vùng cao?

- Đó là cả một vấn đề lớn, mang tính chiến lược, đưa ra bàn bạc, phân tích sẽ không tránh khỏi sự hồ đồ. Về ý kiến cá nhân, tôi nghĩ rằng, bên cạnh việc làm chuyển biến đời sống kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thân cho nhân dân vùng cao cũng cần làm chuyển biến nhận thức của phụ huynh. Bởi lẽ, vào mùa thu hoạch nương rẫy, không ít phụ huynh buộc con cái phải nghỉ học để ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Có em nghỉ học hàng tuần, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Chúng tôi đến nhà vận động, có phụ huynh còn nói: “Cái chữ không làm ra được hạt lúa, bắp ngô. Nay đến mùa, phải lên rẫy đưa lúa và ngô về để có cái ăn đã. Xong việc, lại đến trường học cái chữ”.

- Là giáo viên, ước một điều đầu năm học mới, thầy sẽ ước điều gì?

- Những con đường đến với các bản làng vùng cao đỡ gập ghềnh, cách trở. Con đường đến lớp của cả thầy và trò bớt những gian nan…

- Xin cảm ơn thầy!


CÔNG KIÊN (Thực hiện)