Xung quanh bài báo “Nhức nhối chuyện da cam ở Nghi Lộc”: Kỳ 1: Tỉnh chỉ đạo một đàng, Sở LĐ-TB&XH và huyện Nghi Lộc làm một nẻo

10/09/2012 14:33

Chuyện thực hiện chính sách hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở Nghi Lộc đã được báo Nghệ An phản ánh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và huyện Nghi Lộc kiểm tra, xử lý và yêu cầu trả lời trước 30/3/2012, nhưng đến ngày 13/8/2012 Sở LĐ-TB&XH và huyện Nghi Lộc mới có văn bản phúc đáp. Chậm 5 tháng nhưng đây lại là văn bản mang tính đối phó...

(Baonghean) - Chuyện thực hiện chính sách hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở Nghi Lộc đã được báo Nghệ An phản ánh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và huyện Nghi Lộc kiểm tra, xử lý và yêu cầu trả lời trước 30/3/2012, nhưng đến ngày 13/8/2012 Sở LĐ-TB&XH và huyện Nghi Lộc mới có văn bản phúc đáp. Chậm 5 tháng nhưng đây lại là văn bản mang tính đối phó...

Báo Nghệ An số ra ngày 24/2/2012 đăng bài "Nhức nhối chuyện da cam ở Nghi Lộc" phản ánh việc thực hiện chế độ hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở huyện Nghi Lộc đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Ngày 1/3/2012, UBND tỉnh có Công văn số 1093/UBND-VX giao Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc kiểm tra, làm rõ nội dung bài báo phản ánh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh kết quả xử lý trước ngày 30/3/2012.



Bản kết luận của UBND huyện Nghi Lộc mà Sở LĐ-TB&XH dựa vào đó để ra
công văn trả lời

Thế nhưng, mãi đến ngày 13/8/2012, Sở LĐ-TB&XH mới có Công văn số 1431/LĐTBXH-NCC trả lời về việc xử lý thông tin báo nêu với nội dung: “Tiếp thu phản ánh của Báo Nghệ An nêu, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã có văn bản chỉ đạo đề nghị UBND huyện Nghi Lộc tiến hành kiểm tra xác minh nội dung Báo nêu; Ngày 4/7, UBND huyện Nghi Lộc đã có Kết luận thanh tra số 49/KL-UBND, ngày 4/7/2012. Theo nội dung của văn bản kết luận thì: Việc Báo Nghệ An số 5956, ra ngày 24/2/2012 phản ánh một số trường hợp làm hồ sơ giả để hưởng chất độc hoá học ở xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc là không có cơ sở, thiếu chính xác”.

Kết luận thanh tra số 49/KL-UBND của UBND huyện Nghi Lộc về những vấn đề báo nêu khẳng định: “-Căn cứ kết quả xác minh hồ sơ hưởng chế độ chất độc hoá học ông Nguyễn Hồng Nho, ông Nguyễn Đức Nhã và ông Võ Sỹ Niêm và các tài liệu liên quan cho thấy:

1. Ông Nguyễn Hồng Nho, sinh năm 1952, nhập ngũ tháng 5/1972, cư trú tại xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang; huyện Nghi Lộc, có thời gian công tác: Từ tháng 7/1972-11/1973 ông Nguyễn Hồng Nho công tác tại đơn vị C767-E97 địa bàn hoạt động ở Quảng Trị là thuộc vùng có ảnh hưởng chất độc da cam là đúng. Từ tháng 11/1973-30/10/1975 đơn vị công tác C 11-D703 Bộ tham mưu Quân đoàn I có tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là địa bàn hoạt động thuộc vùng có ảnh hưởng chất độc da cam là đúng.

2. Ông Nguyễn Đức Nhã, sinh năm 1953, nhập ngũ 12/1972, cư trú tại xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, có thời gian công tác: Từ tháng 12 năm 1972 nhập ngũ công tác tại đơn vị C11-D3-E22, tháng 3 năm 1973 làm công tác thông tin ở đơn vị D3-E249 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, địa bàn hoạt động ở Quảng Trị là vùng có ảnh hưởng chất độc da cam là đúng.

3. Ông Võ Sỹ Niêm, sinh năm 1935, nhập ngũ 10/1963, cư trú tại xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, có thời gian công tác: Tham gia kháng chiến tại Cần Đước Long An từ tháng 4/1967-10/1969 và được tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ giải phóng, là đối tượng có đủ điều kiện được công nhận là người có hoạt động trong vùng có ảnh hưởng chất độc da cam là đúng. Như vậy, hồ sơ hưởng chế độ chất độc hoá học của ông Nguyễn Hồng Nho, ông Nguyễn Đức Nhã và ông Võ Sỹ Niêm được lập và xét duyệt theo đúng quy định hiện hành. Việc ông Nguyễn Minh Đức và ông Võ Trung Tao tố cáo, cung cấp các thông tin cho báo chí về việc ông Nguyễn Hồng Nho, ông Nguyễn Đức Nhã và ông Võ Sỹ Niêm làm giả hồ sơ để hưởng chế độ người bị nhiễm chất độc hoá học là tố cáo sai sự thật.

Về biện pháp xử lý, bản kết luận ghi: “1. Giao cho UBND xã Nghi Quang: Tiếp tục chi trả chế độ hưởng chế độ chất độc da cam cho ông Nguyễn Hồng Nho, ông Nguyễn Đức Nhã và ông Võ Sỹ Niêm theo quy định hiện hành của Nhà nước. Chỉ đạo xóm Thành Vinh 2 xã Nghi Quang tổ chức họp kiểm điểm đối với ông Nguyễn Minh Đức và ông Võ Trung Tao-công dân xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang đã có hành vi tố cáo sai sự thật

2. Giao cho ông Nguyễn Minh Đức và ông Võ Trung Tao – công dân xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang đã có hành vi tố cáo, cung cấp các thông tin cho báo chí sai sự thật phải xin lỗi, cải chính công khai với các tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng do nội dung tố cáo sai sự thật

3. Đề nghị lãnh đạo Báo Nghệ An: Tiếp tục quan tâm chỉ đạo các phóng viên, cộng tác viên tích cực bám sát cơ sở để phản ánh kịp thời các phong trào thi đua của huyện nhà, đồng thời đấu tranh phê phán những tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực để tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Bên cạnh đó, UBND huyện Nghi Lộc cũng có thêm Công văn số 243 yêu cầu 2 ông Nguyễn Minh Đức và Võ Trung Tao “phải xin lỗi, cải chính công khai đối với các tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng do nội dung ông tố cáo sai sự thật”.

Vấn đề đặt ra là: Bên cạnh việc kiểm tra trả lời quá chậm so với yêu cầu của UBND tỉnh, các nội dung liên quan chưa được xác minh làm rõ một cách thấu đáo, đầy đủ mà mới chỉ dựa trên việc kiểm tra, sao chép hồ sơ 3 trường hợp ở xã Nghi Quang, còn những trường hợp khác, sự việc khác lại bỏ qua! Đó là chưa kể trong quá trình kiểm tra hồ sơ của 3 trường hợp này, đoàn thanh tra UBND huyện Nghi Lộc vẫn bỏ sót nhiều tình tiết và dựa vào những văn bản xác minh hết sức vô lý để kết luận vụ việc (ở số báo tiếp theo chúng tôi sẽ dành trọn 1 bài để nêu rõ về vấn đề này).

Trong quá trình kiểm tra nội dung báo Nghệ An nêu “Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với UBND huyện Nghi Lộc đã bỏ sót nhiều chi tiết mà bài báo “Nhức nhối chuyện da cam ở Nghi Lộc” phản án như 7 trường hợp ở xã Nghi Quang, 4 trường hợp ở xã Nghi Thiết bị tố cáo làm giả hồ sơ để hưởng chế độ hỗ trợ chất độc da cam. Ngoài ra, bài báo còn đề cập đến vấn đề “cò” nhận làm hồ sơ giả để hưởng chế độ da cam vẫn đang hoạt động ở Nghi Lộc; một số đối tượng có hồ sơ bệnh án đầy đủ, hoàn cảnh hết sức thương tâm mà vẫn chưa được xét duyệt hưởng chế độ. Để đảm bảo quy định về bảo vệ nhân chứng, có trường hợp chúng tôi nêu đầy đủ tên thật, có trường hợp chúng tôi nêu họ và tên lót và tên viết tắt. Tiếp đó, ngày 16/3/2012, ông Vũ Hồng Dinh 63 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Thường trực HĐND, UBND, cùng các ban, ngành chức năng huyện Nghi Lộc, trong đơn này ông Dinh ghi rõ họ tên, địa chỉ của 7 trường hợp ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) không xứng đáng được hưởng chế độ hỗ trợ chất độc da cam nhưng hiện vẫn được hưởng và đề nghị thanh tra rà xét lại những đối tượng này. Vậy mà trong bản kết luận của UBND huyện Nghi Lộc lại khẳng định là “không có cơ sở để điều tra”?

Mục đích của bài báo và của những người đứng ra tố cáo, cũng như Công văn của UBND tỉnh là yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương liên quan cần kiểm tra, thẩm định lại hồ sơ của những người hưởng chế độ chất độc da cam ở 2 xã Nghi Quang, Nghi Thiết (Nghi Lộc) và rộng hơn là các địa bàn khác, tránh để kẻ xấu lợi dụng chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước hưởng lợi, còn người đáng được hưởng thì lại không được, gây bất bình trong nhân dân. Thế nhưng, xem ra việc này đã không như mong đợi.

Không đồng tình với bản kết luận của UBND huyện Nghi Lộc, ngày 5/9/2012, ông Nguyễn Minh Đức và ông Võ Trung Tao đã có đơn kiến nghị đến Báo Nghệ An “nhờ lãnh đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền cao hơn cấp huyện xem xét kết luận của UBND huyện Nghi Lộc” với mong muốn “trả lại công bằng cho xã hội”. Tại đây, hai ông cũng cho biết, trong buổi làm việc cuối cùng với đoàn thanh tra UBND huyện Nghi Lộc, 2 ông đã phản đối và không ký vào bản kết luận của đoàn thanh tra. Ngày 6/9/2012, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Vũ Hồng Dinh cho biết, với danh dự của một đảng viên, ông quyết tâm làm rõ những kẻ làm giả hồ sơ, khai man để hưởng chế độ chất độc da cam!

Phải chăng Kết luận số 49/KL-UBND ngày 4/7/2012 của UBND huyện Nghi Lộc và Công văn số 1431/LĐTBXH-NCC của Sở LĐ-TB&XH chỉ là đối phó và làm cho qua chuyện, chứ không quan tâm đến việc giải quyết sự bức xúc, bất bình của người dân cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh?!

(Để hiểu rõ thực hư về Kết luận số 49/KL-UBND ngày 4/7/2012 của UBND huyện Nghi Lộc, mời bạn đọc xem tiếp kỳ 2: Giả chồng lên giả).


Nhóm P.V